quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Rặng tre ngày ấy

Thứ Sáu, 17/12/2010 | 08:41:00 AM

Những rặng tre không còn nữa, và những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã trở thành những chàng trai cô gái, những ông bố bà mẹ.

 

Đào Vân Việt, Hà Nội


Làng ngày ấy nhiều tre lắm. Nhà nào cũng có. Những rặng tre dài nối tiếp nhau chạy dọc hai bên đường làng và bao quanh khắp làng, che mát những trưa hè oi ả. Từ xa nhìn lại, chỉ thấy một màu xanh toàn tre là tre.
Nhà tôi ở cuối làng, và những rặng tre ngõ tôi cũng thuộc loại lớn nhất làng. Những rặng tre ấy đã che mát cả tuổi thơ của chúng tôi. Mỗi trưa hè, cái ngõ nhỏ ấy lại ồn ã tiếng trẻ con nô đùa. Ngõ tôi rất đông trẻ con, những đứa trẻ nhau nhau tuổi chín mười. Thêm nữa, đây là nơi có những bụi tre to nhất, mát nhất làng, lại ngay bên cạnh cánh đồng, gió thổi vào mát lịm, nên trẻ con ở ngõ khác cũng thường kéo về tụ hội.
 


Bọn trẻ nơi làng quê với bao nhiêu trò chơi dân dã. Nào trò trốn tìm, đánh trận giả, đánh khăng, đánh đáo, đá bóng (bóng thường là những quả bưởi non). Bọn con gái thường rủ nhau tìm một chỗ nào đó để chơi đồ hàng hay chơi mốt. Nhiều khi còn chơi trò đám cưới. Cô dâu xinh răng xún cũng cầm hoa, còn chú rể nhễ nhại mồ hôi, áo quần đầy bụi đất. Và còn nhiều, rất nhiều những trò nghịch ngợm khác, khiến lúc nào cũng inh ỏi tiếng cười đùa gào thét. Tất cả, tất cả đều diễn ra dưới bóng những rặng tre rợp mát cuối làng.

Các cụ già cũng thường ra hóng mát dưới bóng tre xanh, bên ao sen thơm ngan ngát trưa hè. Những lúc ấy bọn trẻ chúng tôi lại thường ngồi quây quần bên chiếc chõng tre, nghe kể chuyện về những ngày xưa gian khó. Có cả chuyện những chiếc hầm đào dưới những bụi tre mà bom Mỹ đánh vào không sập được; chuyện về những bầy cò đậu trắng ngọn tre và cò non rơi đầy bên luỹ tre những vào mùa bão lớn. Vào những ngày gió đẹp cuối hè, chúng tôi thường cùng nhau làm diều dưới những tán tre, gửi lên trời cao những ước mơ thơ bé.
Có những hôm tôi thường một mình leo lên bụi tre tìm tổ chim hay hóng mát. Leo cao đến mức tưởng chỉ còn một cây sào nữa là đến ngọn. Ngọn tre cong xuống đu đưa. Có nhiếu lần bám phải cành yếu ngã xoài ra, gai tre kéo xước xát hết người ngợm quần áo. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, trẻ con mau quên, và cũng không cưỡng nổi cái thú vui ấy.

Cây tre đã từng quá quen thuộc và gắn bó với mỗi người dân quê. Tre dựng cửa, xây nhà, để khi ta đi xa mãi nhớ về mái nhà tranh bên hàng tre nơi miền quê yêu dấu. Tre đan rá, đan rổ. Tre đóng  giường; tre làm chõng, kê ngoài ngõ ngồi đón gió về, đặt ngoài sân ngồi ngắm trăng lên. Tre làm bờ rào, bờ rậu cho mồng tơi leo lên xanh rờn, để từ đó thành thơ và câu hát. Tre làm ống điếu thuốc lào, làm đóm châm lửa cho mấy lão nông say sưa nhả khói lên trời. Tre làm cần câu để ông lão cùng bầy cháu mải mê bên bờ ao từ tinh mơ cho tới lúc nhá nhem. Tre làm que móc cho mẹ ngồi đan len bên ánh đèn dầu. Tre làm diều, làm lồng chim, làm súng phốc, làm khăng, để khi ta lớn lên thì gọi đó là tuổi thơ và kỷ niệm. Tre còn là một nỗi hãi hùng khi ta mắc lỗi, bố sẽ bảo cầm con dao ra bụi tre, chặt một cái roi mang về cho bố. Thế là chết rồi!

Tôi yêu những rặng tre, yêu cái ngõ nhỏ thân thương của mình. Yêu lắm! Yêu tới mức phải chốn nhà mỗi trưa hè bởi không kìm lòng được trước những tiếng hò la ngoài ngõ, tiếng chim chích choè lánh lót trên ngọn tre. Có lẽ vì thế mà khi còn là cậu bé lớp 2, khi học bài thơ "Luỹ tre", tôi chỉ đọc có 2 lần mà thuộc lòng bài thơ dài 4 khổ ấy. Đó là một điều không phải dễ gì đối với một cậu bé mới 7 tuổi. Thuộc cho đến tận bây giờ sau hơn 20 năm vẫn còn nhớ. Và thỉnh thoảng lại thầm đọc trong lòng cái giai điệu đẹp đẽ ấy:

Mỗi sớm mai thức dậy
Luỹ tre xanh rì rào
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao.
 
Những trưa hè đầy nắng
Trâu nằm nhai bóng râm
Tre bần thần nhớ gió
Chợt về đầy tiếng chim.
…………………..
…………………..

Nhưng đó là những ngày xưa! Giờ đây làng tôi và có lẽ bao nhiêu làng quê khác hầu như không còn tre nữa. Mười lăm tuổi, tôi cầm dao chặt những cây tre cuối cùng của nhà mình. Đó cũng là rặng tre đầu tiên của làng bị chặt hạ. Rồi ít năm sau, một phần vì cây tre không còn được dùng nhiều như trước nữa, một phần để đảm bảo an toàn lưới điện, thế là những rặng tre bị chặt hàng loạt. Những rặng tre xưa giờ đã được thay bằng những bước tường gạch vô hồn, và chúng trở thành biểu tượng cho sự đổi đời khấm khá. Chúng chẳng thể nào biết được những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của chúng tôi dưới bóng tre xưa. Những con đường bê tông buồn bã nằm phơi nắng, có lẽ đang hoài niệm về những ngày xưa đầy kỷ niệm dưới bóng tre mát rượi.

Những rặng tre không còn nữa, và những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã trở thành những chàng trai cô gái, những ông bố bà mẹ. Có những đứa con cái đã lớn bằng tuổi chúng tôi ngày xưa. Trong nhịp sống hối hả của những trò chơi Games hiện đại và vô hồn này, có lẽ chúng sẽ chẳng có những tháng năm ấu thơ đẹp đẽ như nứa tuổi chúng tôi. Lớp bụi thời gian có thể xoá nhoà và thay đổi nhiều thứ, nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ thân thương sẽ chẳng thể phai mờ.

Nhiều lúc tôi thường nhìn vào bức tường và thầm nhủ: có thể một ngày nào đó nó sẽ biến mất, và chính bàn tay mình sẽ đưa những rặng tre cùng tuổi thơ trở lại!
 


 

Lượt xem: 5672

Các tin khác

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE