quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Quy hoạch tổng thể để bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030

Thứ Sáu, 23/05/2014 | 09:34:33 PM

Thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008, ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 45 thông qua Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Khu du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Với bản chất của quy hoạch là xác định về không gian các đối tượng cần quy hoạch, nên Quy hoạch tổng thể đã xác định các đối tượng theo tám vùng địa lý, bao gồm hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học.

Quy hoạch tám vùng địa lý

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn đến năm 2020 gồm tám vùng địa lý. Đó là vùng Đông Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể như vùng Đông Bắc sẽ bảo vệ và phục hồi 15% diện tích các hệ sinh thái rừng phòng hộ lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô và sông Gâm; các kiểu rừng trên núi đá vôi, sinh cảnh của các loài linh trưởng quý hiếm; bảo vệ vùng chim quan trọng; khôi phục 2.000ha rừng trên núi đá vôi ở Cao Bằng và Hà Giang; thành lập và đưa vào hoạt động sáu khu bảo tồn mới, nâng tổng số khu bảo tồn lên 42 khu; nâng cấp và thành lập ba cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; thành lập và đưa vào hoạt động một hành lang đa dạng sinh học.

Vùng Nam Trung Bộ bảo vệ và phục hồi 15% diện tích các hệ sinh thái rừng phòng hộ lưu vực sông Cái, sông Côn, sông Đà Rằng, sông Ba, sông Trà Khúc và sông Thu Bồn; rừng ngập mặn ở vùng ven biển; các khu rừng giàu đa dạng sinh học giáp vùng Tây Nguyên; các sinh cảnh, các loài thú lớn và cảnh quan đẹp ven biển; bảo vệ, phục hồi 15% hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển; phục hồi 50% diện tích hệ sinh thái các đầm Thị Nại, Trà Ổ, Cù Mông, Ô Loan, Nha Phu; bảo vệ vùng các chim quan trọng; thành lập và đưa vào các hoạt động tám khu bảo tồn mới, nâng số lượng khu bảo tồn lên 30 khu; thành lập và đưa vào hoạt động ba hành lang đa dạng sinh học.

Còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững 30.000ha rừng ngập mặn tự nhiên; 15% diện tích hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển; các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng tràm; bảo vệ các sinh cảnh của các loài chim quý; bảo vệ các vùng chim quan trọng; thành lập và đưa vào hoạt động chín khu bảo tồn, nâng số lượng khu bảo tồn lên 30 khu; nâng cấp, thành lập một trung tâm cứu hộ động vật.

Giải pháp thực hiện

Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học Phạm Anh Cường cho rằng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học định ra phương hướng, mục tiêu bảo tồn, quản lý mối tác động qua lại giữa con người với các gen, các loài và các hệ sinh thái nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho thế hệ hiện tại mà vẫn duy trì tiềm năng của chúng, để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các thế hệ tương lai.

Do đó, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia vào quy hoạch bảo tồn thông qua việc lập dự án thành lập các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch bảo tồn của cả nước.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái gắn với xóa đói giảm nghèo; bảo đảm cuộc sống cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn.

Đồng thời tăng cường hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, theo hướng phân định rõ chức năng quản lý. Trong đó chú trọng thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn từ Trung ương đến địa phương trong hệ thống các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, cũng cần điều tra, xác định các vùng hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, suy thoái để có kế hoạch bảo vệ và phục hồi. Tập trung các vùng có tiềm năng cung cấp các dịch vụ sinh thái.

Chú trọng nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái trong công tác quản lý các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.

Giải pháp để thực hiện quy hoạch quan trọng nữa là tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ.

Mặt khác mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước, nhất là chú trọng với những nước có chung biên giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.

Trên cơ sở đó, bảo đảm nguồn kinh phí để xây dựng quy hoạch chi tiết và thành lập 46 khu bảo tồn mới, 26 cơ sở bảo tồn và bốn hành lang đa dạng sinh học; cũng như đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật và hoạt động quản lý đến năm 2020.

Trong thời gian tới, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung triển khai sáu chương trình, dự án ưu tiên, bao gồm quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn mới theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; triển khai kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; quy hoạch chi tiết các hành lang đa dạng sinh học tại vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ; đào tạo, tăng cường năng lực thực hiện quy hoạch bảo tồn; nghiên cứu đề xuất và triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ người dân sống hợp pháp trong khu bảo tồn, vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học, nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo tồn của cả nước; điều tra, nghiên cứu phân vùng sinh thái và đánh giá không gian về đa dạng sinh học phục vụ quy hoạch bảo tồn.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Lượt xem: 2519

Các tin khác

Các biện pháp kỹ thuật làm sạch không khí

(18/06/2015 10:59:AM)

Đà Nẵng định lượng về thành phố môi trường

(15/05/2015 07:46:AM)

Sự thật về 'thần dược' mọc như cỏ, tốt như sâm

(04/04/2015 07:41:AM)

Tìm nguồn điện từ rác

(31/03/2015 01:21:PM)

Cần đổi mới cơ chế tài chính cho bảo tồn thiên nhiên

(04/03/2015 02:01:PM)

Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

(21/01/2015 03:05:PM)

Huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tăng trưởng xanh

(15/01/2015 09:48:AM)

Làm sạch không khí đô thị: Hãy nhìn người Đan Mạch

(12/01/2015 10:47:AM)

Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội hợp tác phát triển công nghệ môi trường

(30/12/2014 09:36:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE