Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định rõ, đối tượng phải thực hiện
đánh giá tác động môi trường gồm: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác; dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác có quy mô từ 50 giường trở lên; dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu...
Chủ các dự án trên có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động
môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ Môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong quá trình
thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.
Nghị định cũng quy định rõ, cán bộ thực hiện đánh giá tác động
môi trường phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường đúng chuyên ngành. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường.