Có hiệu lực kể từ ngày 08/01/2016, Thông tư liên tịch số 45 giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn quy định thực phẩm biến đổi gene được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gene” bằng tiếng Việt.
Theo đó, thực phẩm biến đổi gene bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gene lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Cụm từ “biến đổi gene” bằng tiếng Việt sẽ được ghi bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gene kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm, theo quy định.
Kể từ khi thông tư này có hiệu lực, những thực phẩm biến đổi gen đang lưu thông trên thị trường sẽ buộc phải ghi nhãn theo quy định.
Các thực phẩm biến đổi gene không ghi nhãn theo quy định sẽ không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau 8/1. Tuy nhiên, quy định trên đây chỉ áp dụng đối với những mặt hàng đóng gói sẵn. Các thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không báo gói không phải tuân thủ các quy định này.
Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng, đóng gói mà không có sự chứng kiến của bên mua. Loại hàng này rất đa dạng, từ bánh, mứt, kẹo, đường sữa cho tới bột ngọt, gia vị, nước mắm, nước giải khát, xi măng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Theo thống kê của Bộ Công thương, 40% tổng số hàng hóa trên thị trường là hàng đóng gói sẵn.
Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gene có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gene vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, dù chỉ mới công nhận 4 giống ngô biến đổi gene (chưa tiến hành trồng đại trà), song việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen (đậu tương, ngô,… ) là thực tế từ chục năm gần đây. Do đó, việc quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gene sẽ góp phần minh bạch thông tin để người dùng có thể lựa chọn.