Văn bản này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế, cộng đồng dân cư và hạn chế mức thấp nhất các tác động gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường từ các hoạt động của các cơ sở y tế.
Chất thải y tế cũng là “điểm nóng” ô nhiễm
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm vừa qua, cùng với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động của ngành để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho những người làm việc trong các cơ sở y tế cũng như sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Ngành y tế đã tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo lại những hệ thống xử lý chất thải y tế cho nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác để đảm bảo xử lý chất thải theo quy định.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả nhất định, công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế còn một số tồn tại. Đó là một số cơ sở y tế không có hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý chất thải nhưng hỏng thường xuyên dẫn đến xử lý không hết các yếu tố nguy hại trong chất thải trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó công tác quản lý, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ sở y tế chưa thực sự sát sao, có chỗ, có nơi còn buông lỏng. Nhận thức của một bộ phận cán bộ trong ngành y tế về công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường chưa cao, năng lực chuyên môn trong quản lý chất thải chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 13.000 cơ sở y tế có giường bệnh và phòng khám tư nhân, hơn 200 công ty, xí nghiệp sản xuất thuốc…
Theo đó, mỗi ngày, các bệnh viện thuộc tuyến trung ương thải ra khoảng hơn 7 tấn rác, bệnh viện địa phương 38 tấn rác. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế này khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 40,5 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Tuy nhiên, tính đến nay mới có 69% bệnh viện, 32% cơ sở y tế dự phòng thuê xử lý chất thải hoặc tự xử lý.
Các cơ sở còn lại đang xử lý nguồn rác thải y tế bằng cách chôn lấp, đốt thủ công… chủ yếu là những cơ sở ở vùng sâu vùng xa hoặc các trạm y tế phường xã. Mới có 65,3% bệnh viện, 15% hệ thống dự phòng và 50% cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống xử lý nước thải y tế. Số cơ sở y tế còn lại đang xả thẳng nguồn nước mang mầm bệnh chưa qua xử lý vào môi trường.
Phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ
Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế, cộng đồng dân cư và hạn chế mức thấp nhất các tác động gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường, ngày 22/12/2014, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2015.
Theo Thông tư, các Sở Y tế, Sở TN&MT tại các tỉnh và đơn vị thuộc Bộ Y tế và Bộ TN&MT sẽ phối hợp đồng cấp trên nguyên tắc đồng thuận, không chồng chéo và bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm tính chủ động, kịp thời và hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế; lập kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế.
Thông tư 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT sẽ là cơ sở giúp cho các Sở, ngành địa phương đưa ra những giải pháp, những kế hoạch cụ thể để công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế đảm bảo quy định, không gây ô nhiễm môi trường và phát tán các mầm bệnh.