quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nỗi niềm đá mồ côi

Thứ Tư, 24/11/2010 | 10:32:00 AM

Đu đưa tảng đá mồ côi / Một chiều cả gió đánh rơi mất hồn

 
 
Nguyễn Đình Hòe VACNE



 
 
    
Nguòi dân Nam Trung bộ gọi là “đá mồ côi” là những tảng đá lớn hay khối đá đứng cheo leo trên đỉnh núi, hay nằm xen lẫn với đất đá vụn trên sườn hoặc dưới chân đồi. Chúng tách biệt hẳn với các tầng đá vốn cùng nguồn gốc với chúng, khiến cho chúng có vẻ biệt lập và cô đơn. Do tác dụng phân rã theo kiểu bóc vỏ dần từ ngoài vào trong, các khối đá mồ côi thường có dạng quả trứng hay chiếc đệm gối khổng lồ, nhưng cũng nhiều khi chỉ là một khối đá có hình thù ngộ nghĩnh. Đó chính là cái phần lõi cứng nhất sót lại sau khi các phần mềm hơn xung quanh khôi đá đã trở thành đất, bị bào mòn xói rửa mất.
Là sản phẩm của tự nhiên, sự xuất hiện của đá mồ côi có lý do riêng của chúng. Nhiều tảng đá mồ côi là thành phần không thể thiếu của những thắng cảnh có giá trị. Những hòn chồng, đá đu đưa, hòn trống mái, đá mẹ con, đá Phật ngồi, bàn cờ Tiên, nấm khổng lồ... có ở nhiều nơi, đều là những danh xưng đặc tả hình dáng của các khối đá mồ côi. Cùng với những vách dốc, những khóm cây bụi, những thềm sóng vỗ... các khối đá mồ côi tạo ra những phức hợp cảnh quan tự nhiên có tính thẩm mỹ cao và rất đa dạng. Chúng đi vào ca dao, vào tâm linh, vào cuộc sống của người địa phương và tạo ra những tài nguyên du lịch sáng giá. "Chiều chiều mây phủ Đá Bia, thương cha nhớ mẹ cắt chia tấm lòng". Đá Bia là một khối đá mồ côi nổi tiếng ở Bắc Đèo Cả, trên đó tương truyền có khắc một câu thơ của vua Lê Thánh Tông năm 1471 nhưng chưa thấy ai đọc được.
Chốt chặn ở chân sườn dốc, nhiều khối đá mồ côi còn có vai trò giữ cho sườn dốc ổn định. Nếu nằm ở bờ biển, chúng là bức tường thành chống sóng vỗ bờ. Nhiều khu du lịch Khánh Hòa thiếu đá mồ côi tự nhiên đã phải xây những khối bê tông giả đá dưới chân sườn dốc để chống sạt lở. Trông cũng rất bắt mắt. Có nơi, chúng gác lên nhau tạo thành những hang hốc lớn nhỏ. Có hang hốc mở ra dưới nắng Mặt Trời, có hang hốc vẫn còn ẩn kín dưới thảm rễ cây hoặc dưới các khối đá khác. Mỗi hang hốc là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài động vật hoang dã nhỏ bé. Nhiều hang là bể chứa nước mưa tạm thời, trở thành nguồn nước của động thực vật hoang dã, thậm chí của cả con người trong mùa khô. Nguồn nước sạch và kỳ nhông núi là hai đặc sản giàu có của núi Bà Đen Tây Ninh cũng là nhờ các hang hốc bên dưới các tảng đá mồ côi trong khối núi này.
Dưới danh nghĩa “tận thu khoáng sản”, nhiều địa phương cho phép thợ chẻ đá “tận chẻ” các khối đá này thành đá xây dựng, thâm chí có doanh nghiệp gom các khối đá mồ côi về làm bờ rào cho …sành điệu, hoặc dùng cần cẩu “xách “ về làm hòn non bộ trong khuôn viên của mình.
Một chiều thu muộn, tôi nghe trong làn gió thoang thoảng tiếng ngâm khe khẽ phát ra từ một tảng đá mồ côi nay đã trở thành hòn non bộ trong khuôn viên khách sạn tôi trọ: “Đu đưa tảng đá mồ côi/ Một chiều cả gió đánh rơi mất hồn”. Tôi giật mình! Không hiểu lời thơ nói về khối đá hay nói về mình - một động vật có tên là Nguyễn Văn Người - đã đánh mất hồn khi luôn cho rằng chỉ những thứ mình muốn làm đối với thiên nhiên mới là chân lý./.
 
 
 

Lượt xem: 8901

Các tin khác

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE