quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nỗi niềm cụ Rùa Hồ Gươm

Thứ Năm, 23/12/2010 | 07:52:00 PM

“Tại hạ mong được sống đến ngày có ai đó công nhận “Con Di sản” để được bình đẳng với các Cây Di sản” là tâm sự của cụ ‘Rùa” Hồ Gươm với cụ Đa Lông

Nguyễn Đình Hòe, VACNE



Hà Nội ngày 18 tháng 12 năm 2010

Kính gửi cụ Đa Lông, cây di sản xóm Sườn Đồi


Có lẽ cụ Đa cũng biết đến đến tại hạ vì cả dân Việt Nam và cả thế giới đều biết rõ tại hạ thuộc nhóm rùa to con mà số liệu năm 2007 chỉ còn 5 cá thể còn sống, trong đó một cá thể sống tại Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) của Việt Nam và 4 cá thể kia tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Thượng Hải, 1 tại Vườn thú Tô Châu và 2 tại Tây Viên tự cũng thuộc Tô Châu). Con thứ sáu tại vườn thú Bắc Kinh đã chết năm 2005.Tuy nhiên số liệu Việt nam còn cho biết có 1 cá thể nữa sống ở hồ Đồng Mô – Sơn Tây cũ.


Tuy  nhiên chắc chắn cụ Đa không thể biết tên tại hạ, vì đến tận bay giờ chính tại hạ cũng không biết mình tên là gì. Ông Hà Đình Đức, phó giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội được biết nôm na dưới cái tên “Giáo sư Rùa”, cho rằng tại hạ là một loài rùa mới đặc hữu của Việt Nam và đặt tên tại hạ là: Rafetus leloii, để kỷ niệm ngài Lê Lợi, theo truyền thuyết là người đã trả gươm thần cho một lão rùa nào đó ở Hồ Gươm (tại hạ không nhớ có phải là chính tại hạ đã nhận gươm hay mấy lão rùa đã từng bị giết thịt hoặc đang tẩm ướp tại Đền Ngọc Sơn đã nhận) tuy nhiên các tài liệu khoa học khác lại cho rằng tại hạ là một loài giải lớn với danh pháp Pelochelys bibronii (Sách đỏ Việt Nam năm 1992) hay Rafetus swinhoei và khẳng định danh pháp R. leloii không hợp lệ, mà chỉ là từ đồng nghĩa muộn của R. swinhoei. Vậy tên khoa học của tại hạ là gì thưa cụ Đa? Các nhà khoa học đã làm rối thêm vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản (mà hình như có tranh cãi bất tận mới là khoa học, phải không cụ đa?). Dù cho có danh pháp nào thì tại hạ đều thuộc họ Ba ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudines), lớp Mặt thằn lằn (Sauropsida).Vậy thì xin cụ Đa cứ gọi tại hạ là Rùa Hồ Gươm cho đỡ …nhầm. Nhưng chính xác hơn tại hạ là ba ba mới đúng, gọi tại hạ là rùa thì chỉ đúng về gốc gác xa xôi thôi, và cũng có thể để thỏa mãn tín ngưỡng của người Việt là kính trọng con rùa (họ ghép rùa vào nhóm tứ linh: long – ly – quy - phượng), nhưng tìm mãi chả có con quy - rùa nào sáng giá nên cứ gọi đại tại hạ là rùa. Kể cũng vui cụ ạ. Nhưng trong các quán ăn thì họ không gọi nhầm đâu nhé: vì ba ba đắt hơn và được thực khách ưa chuộng hơn rùa rất nhiều đó cụ. Tại hạ rất khoái sự nhầm lẫn này, coi đó là “sự vô ý có …duyên”.


Cũng theo lời của GS Hà Đình Đức trên báo Tiền Phong, nhóm “rùa” Hồ Gươm của tại hạ từng có 4 cá thể: 1 cá thể duy nhất hiện còn sống trong lòng hồ Gươm và 3 cá thể đã chết  (một xác được lưu trong đền Ngọc Sơn, một xác được lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một bị giết thịt năm 1962-1963, khi bò lên vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ) sau một cơn mưa lớn).


Nhưng thực lòng tại hạ chả thích làm rùa tẹo nào. Người ta tôn thờ rùa vì rùa chuyên được dùng để đội thứ khác, để tôn vinh thứ khác thôi “ Xót thay thân phận con rùa, dưới sân đội hạc, lên chùa đội bia’ (ca dao). Nhưng đội hạc hay đội bia (ví dụ bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nộị) cũng còn đỡ cho rùa.Ở Đền Ngọc Sơn tại Hồ Hoàn kiếm, từ lâu người ta đã tạc pho tượng một lão rùa lớn trên lưng đội một con …vẹt. Và đến hôm vừa rồi, 18/12/2010) bàn dân thiên hạ đều chứng kiến một thằng oắt con rùa tai đỏ, một tên tội phạm rùa ngoại lai xâm nhập nguy hại, cưỡi chễm trệ trên lưng tại hạ.


Vậy cụ Đa đánh giá thế nào về cái vinh dự mà bàn dân thiên hạ gán cho tại hạ là Rùa thiêng Hồ Gươm? Vinh dự gì mà chả có ai, chả có văn bản pháp luật nào, chả có hành vi cụ thể nào bảo vệ tại hạ? Tại hạ thật là cô đơn theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của số phận. Các cụ cây thì đã có sáng kiến công nhận Cây di sản Việt Nam. Nhờ cụ nói với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức có sáng kiến nói trên là tại sao không công nhận “Con Di sản Việt Nam” cho loài rùa – ba ba – giải sống lâu và gắn với các giá trị lịch sử văn hóa. Tại hạ mong sẽ sống đến ngày đó, cụ Đa ạ, để đến ngày nhắm mắt xuôi …chân theo các chiến hữu của tại hạ, thì cũng được ngậm cười, có thể trong …nồi lẩu hay trong tủ kính bảo tàng.


Kính chào cụ Đa Lông


Lê Rùa - Ba Ba Hồ Gươm (tại hạ tự lấy họ Lê để bày tỏ sự hàm ơn GS. Hà Đình Đức đã đặt họ Lê – leloii- cho tại hạ)

 

 

 

 

Lượt xem: 2776

Các tin khác

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE