“Sống lâu cây lên cổ thụ, Trăm năm cây có thanh nhàn…?” là mở đầu tâm sự của cây Đa Lông Di sản cấp xóm trả lời cây Mẫu Đơn mà tôi lại tình cờ nghe được.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Chào Bích Mẫu Đơn. Cảm ơn cháu đã chúc mừng ta nhân dịp 1 năm tròn được công nhận là cây di sản cấp xóm. Nhưng cháu chỉ mới biết được cái mặt phải của tấm huy chương thôi. Khi ta ngẩng cao lá cành (con người gọi là ngẩng cao “đầu”) vì là cây Di sản cấp xóm, lòng ta (chính xác hơn là bộ gốc gồm nhiều rễ phụ của ta) lại trĩu nặng ngậm ngùi.
Cùng thời với ta, cũng ở chính cái xóm Sườn Đồi xa xôi hiu hắt này, có rất nhiều cây giá trị và hoành tráng hơn ta: nào những chò, nào những dẻ, nào những lát hoa, bồ đề…Với các cây ấy, ta chỉ là đồ bỏ đi vì gỗ của ta chả dùng được việc gì, quả tuy ăn được nhưng chỉ lũ chim sẻ là thích còn con người chỉ khi sắp chết đói họ mới ăn quả đa. Cũng nhờ con người tin ta là nơi trú ẩn của thần linh (họ vẫn nói “thần cây đa, ma cây gạo”) nên mỗi khi họ thắp hương cúng thần linh ta lại được thơm lây. Và cũng nhờ có vậy-nhờ vào cái giá trị cao cả, là, ta vốn chả có giá trị gì - mà ta còn sống được đến ngày nay.
Cháu xem, khắp nơi, chủ yếu là nhóm cây đa là thọ lâu và đang xếp hàng rồng rắn chờ công nhận cây di sản. Và cũng vì lẽ đó mà nhiều cây đa mới vẫn đang được tiếp tục trồng khắp nơi để mong ghi danh người trồng vào lịch sử. Nếu không tin ta, cháu cứ đến đền thờ cụ Chu Văn An ở Chí Linh- Hải Dương mà xem. Mảnh sân vườn nhỏ bé ở ngôi đền thờ một Nhà Giáo - vị Đệ nhất Sư biểu- và chẳng giàu có gì lúc sinh thời (cụ nghỉ làm quan để phản đối đứa học trò mất dạy là vua Trần Nghệ Tông không nghe lời thầy, dung nạp bọn quan tham) chen chúc các loại cây đa mới trồng, dưới mỗi gốc đa ghi rõ tên người trồng trên một tấm bia đá đáng giá khoảng vài tạ gạo – một khoản lương thực cứu đói không ít đối với đồng bào nghèo chịu lũ lụt hàng năm ở miền Trung.
Thực ra, rất nhiều nếu không nói là phần lớn cây gỗ giá trị, đáng kính, đáng được vinh danh là cây di sản đều đã bị con người chặt từ khi cây mới lớn hoặc đang độ tuổi tráng niên, để lấy gỗ hoặc vì một lý do rất giản dị là cái cây ấy ngáng trước mặt công trình xây dựng của họ (kiểu như cây bồ đề trăm tuổi ở đường 19/12 Hà Nội, may mà đã được trồng lại không biết có qua khỏi không). Những cây đó đã vĩnh viễn mất đi, chưa sống kịp đến ngày thấy cây đa lông vô tích sự này được vinh danh là cây di sản. Việc ta được con người vinh danh là tuyệt vời đối với chúng ta và cả đối với họ, liệu có thể coi đó là một nén nhang sám hối mà con người thắp cho những “Mỹ nhân tự cổ như Danh tướng” trong làng cây của chúng ta vốn “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu” chăng? Việc công nhận cây di sản, theo ta là một hành động vớt vát lỗi lầm của con người đối với giới thực vật chúng ta, và chỉ thế thôi cũng đã rất tuyệt vời, và muộn còn hơn không, cháu ạ. Người già lại hay thơ…thẩn, cháu có thể biến tấu mấy câu thơ này thành ca khúc kiểu Trịnh công Sơn không.
Chào và cảm ơn cháu.
Cụ Đa Lông
Sống lâu cây lên Cổ thụ
Trăm năm cây có thanh nhàn?
Biết nhiều nên luôn khó chịu
Truân chuyên là bệnh thế gian
Ngàn năm cây thành Cổ thụ
Vinh danh di sản thêm vui
Gió xuân mảng chơi đỏng đảnh
Nhớ tri âm những ngậm ngùi.