Hôm đến thăm cụ Đa Lông, cây di sản của xóm Sườn Đồi, tôi được cụ cho phép đọc bức thư của cô bé Bông ổi than thở về sự kỳ thị dành cho một cô bé đã sống tại Việt Nam gần 2 thế kỷ qua. Cụ Đa nói rằng rất cần phải xem xét bức thư này nhưng chưa biết chuyển đến cơ quan nào.
Nguyễn Đình hòe, VACNE
Xóm Sườn đồi, ngày…tháng…năm .....
Kính gửi Cụ Đa Lông,
Cháu tên là Bông ổi, còn được gọi là Hoa ngũ sắc, tên khoa học là Lantana camara L., thuộc họ cỏ roi ngựa, hoa nở suốt 4 mùa. Lá của cháu có mùi thơm của ổi nên người dân các tỉnh phía Nam còn gọi là trâm ổi, bông ổi hay thơm ổi. Quê cháu ở Trung Mỹ, được nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIX, làm cảnh. Đến nay, cháu không chỉ được người dân trồng làm cảnh mà còn mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven biển. Về với quê hương mới Việt nam gần 2 thế kỷ qua, cháu mọc hoang nhiều nơi, nhất là vùng Quảng Bình và Quảng Trị. Nhưng cháu chỉ mọc ở bờ vườn, bờ ruộng. Cháu chẳng đủ sức tranh đất với các cây thân gỗ cao cành cả bóng, cháu chỉ tranh ăn với lũ cỏ dại bản địa thôi. Người dân các tỉnh trong Nam rất yêu cháu vì cháu có khả năng chữa bệnh cho người. Người dân cho rằng lá bông ổi có tính sát trùng, cầm máu nên dùng lá cây bông ổi giã nát đắp lên vết thương, vết loét, thậm chí chỗ bị rắn cắn, chữa viêm xoang, viêm mũi, chữa lở loét, chống viêm, tiêu độc, chữa viêm da, mẩn ngứa, chàm. Lá bông ổi có thể cho vào nồi nước xông chữa cảm, sốt. Các nhà khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh còn phát hiện ra cháu có khả năng tích lũy chì nên đã trồng cháu để làm sạch đất bị ô nhiễm chì – một khả năng mà chính cháu cũng chưa hề biết đến. Hoa của cháu nhiều màu sắc, “rất đẹp” – cháu xin lỗi ông, việc dùng từ này thì cháu hơi tự kiêu, nhưng quả thật như vậy vì khắp nơi đã đem cháu về tròng làm cảnh, thậm chi ngay tại những resort du lịch có tiếng thậm chí ngay tại không ít cơ quan nhà nước.
Nhưng cháu thực không hiểu vì sao Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) lại cảnh báo cháu là một trong 100 loài sinh vật xâm lấn cực kỳ nguy hiểm, vì cho rằng cháu là loài cây dễ phát tán và thích nghi với môi trường nên có thể lan tràn rất nhanh và trên diện rộng, “sẽ lấn át và triệt tiêu các loại cây bản địa trong đó có nhũng loài có giá trị y học như hoa cứt lợn, cỏ nhọ nồi và một số loại thảo dược bản địa khác”. Có lẽ ở đâu đó trên thế giới thì đúng như vậy, nhưng ở Việt Nam, cháu cũng đã có Quốc tịch gần 2 thế kỷ rồi. Có lẽ vì cháu sống khỏe và có tranh ăn với mấy loài cây dỏ dại, nhưng lợi ích cháu mang lại cho con người thì nhiều hơn thế. Vả lại cây cứt lợn và cỏ nhọ nồi ưa vùng đất ẩm ướt, còn cháu lại chỉ mọc tốt ở vùng đất khô. Vậy mà Tổng cục Môi trường vẫn dịch nguyên xi sách của IUCN sang tiếng Việt, khiến cháu giờ như người mang …tiền sự.
Cháu cũng xin thưa với cụ, ngoài cháu ra, cũng có nhiều cây ngoại lai nhập tịch rất có công với dân Việt và đã được chấp nhận suôn sẻ. Ví dụ cây Khoai lang có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới châu Mỹ, được con người trồng cách đây trên 5.000 năm. Cây Ớt cũng có nguồn gốc từ châu Mỹ; ngày nay nó được trồng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vị, rau, và thuốc. Ớt đã là một phần trong ẩm thực của loài người ít nhất là 7500 năm trước Công nguyên và có lẽ sớm hơn. Cây sắn cũng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ La tinh và được trồng cách đây khoảng 5.000 năm. Nhiều năm qua nhờ có khoai sắn mà nhiều người vượt qua nạn đói, và cũng nhờ có sắn mà Huế có món bánh bột lọc nổi tiếng. Rồi còn những cây chè san tuyết, long não, dã hương, xà cừ,…cũng toàn những cây nhập tịch cả.
Vậy mà mình cháu, Hoa ngũ sắc, nhưng cụ có thể gọi cháu nôm na là Bông ổi hay Trâm ổi cũng được, lại nằm trong cuốn sách đỏ cảnh báo 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm của Tổng cục Môi trường. Hay cháu đúng là loài ngoại lai xâm lấn nguy hại thật rồi, thưa cụ Đa? Cháu mong có một lý giải để tâm phục khẩu phục.
Cháu cảm ơn cụ rất nhiều
Cháu Bông ổi – Trâm ổi – Hoa ngũ sắc.