Những nguyên lí của thực tại : 9. Nhất nguyên luận và Nhị nguyên luận.
Thực tại là gì ư ? Chủ yếu là cái ta muốn thấy, là cái hiện ra dưới sự vấn hỏi của ta qua cách nhìn của ta. Vì thế mà con người luôn cần phải thảo luận, tranh luận để tăng đồng thuận. Tham luận của nhạc sĩ Văn Bọ Ngựa đến từ Vườn chuối Thị Nở tỉnh Hà Nam.
Dr. Cà Xáy VACNE
Kính thưa Quý vị
1.Xin quý vị hãy bớt chút thời gian ngắm bức ảnh vịnh Nha Trang trên đây rồi cho biết Quý vị nhận thấy cái vịnh xinh đẹp đó là gì. Sau đây là một số phương án trả lời theo kết quả phiếu điều tra mà Bọ Ngựa tôi nhận được.
Vịnh Nha Trang là :
· Một thiếu nữ ( một Thi nhân)
· Một bức tranh thủy mặc ( một Họa sĩ)
· Một khu bảo tồn biển ( một nhà Môi trường)
· Nhiều cảng nước sâu ( một nhà Hàng hải)
· Một thắng cảnh Quốc gia, 1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới (một nhà Du lịch)
· Vùng tôm hùm giống (một Ngư phủ)
· Ráng chiều trên vịnh Nha Trang, không buồn như ánh mắt nàng nhìn tôi (một chàng trai si tình)
· Là vịnh Nha Trang (một Thiền sư).
Vậy thì trên thực tế có bao nhiêu vịnh Nha Trang? Nếu có n người quan sát thì có “n + 1” vịnh Nha Trang khác nhau. Sẽ có n vịnh dưới quan sát của n người, và thêm “+1” vịnh là chính cái vịnh đó khi chẳng có ai quan sát nó. N cái vịnh đầy màu sắc và cảm xúc, còn cái vịnh “ +1” chẳng hiện hữu với màu sác, hình dạng, tính chất và cảm xúc gì. Nó có đó nhưng là gì thì chẳng ai biết. Cái vịnh “+1” tồn tại khách quan ngoài ý muốn của nhà quan sát và tuân theo nguyên lí “Nhị nguyên luận”, còn n cái vịnh được quan sát tuân theo nguyên lí “Nhất nguyên luận”. Thực tại đa phần tuân theo nguyên lí Nhất nguyên và một chút xíu theo nguyên lí Nhị nguyên.
2. Nhị nguyên luận.Plato (427-347 tr CN) khởi thuỷ thuyết Nhị nguyên luận, cho rằng:1.Có một thực thể tồn tại bên ngoài, độc lập và khách quan đối với đầu óc con người, 2. Ý thức của con người có thể tiếp cận thực tại đó, 3. Thực tại đó có thể biểu diễn bằng toán học . Chúng ta và thực tại không phải là 1, mà rõ ràng là 2. Đó chính là Nhị nguyên luận. Nhị nguyên luận tách con người khỏi thực tại, tạo tiền đề xuất hiện kiểu tư duy cho rằng con người là trung tâm và đứng trên tự nhiên, không phải chính là một phần hữu cơ của tự nhiên. Nên con người muốn làm gì thì làm, làm gì cũng đúng.
Nhị nguyên luận gần 2500 năm qua vẫn là cơ sở triết học mà Quý vị và Bọ Ngựa tôi phải mài đũng quần trên ghế nhà trường mà học cho thuộc. Rằng thực tại là khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của chúng ta, rằng chúng ta có thể nhận thức được thực tại, rằng…Vì Thực tại là khách quan với chúng ta nên nó được hậu thuẫn bởi Luận thuyết Quyết định luận và Hiệu ứng Vòm tuyết hơn 400 năm qua.
Quyết đinh luận cho rằng mọi thứ đều có thể tính toán và tiên đoán được. Sự ngẫu nhiên không có chỗ trong Thực tại. Laplace P. (1740-1827) – nhà toán học và thiên văn học Pháp là người đại diện của luận thuyết này (nhưng buồn cười thay chính ông lại sáng tạo ra phép tính xác suất !). Quyết định luận cho rằng thực chất tương lai chỉ là sự kéo dài thêm quá khứ mà thôi, nhờ toán học có thể biết trước được hết thảy mọi việc sẽ diễn ra miễn là biết rõ các điều kiện hiện hữu ở một thời điểm trước đó để dự phóng (projecting) vào tương lai. Toán học Mô hình hóa là tuyệt đỉnh và toàn năng.
Descarte R. (1644) trong cuốn “Nguyên lý Triết học” đã phân chia dứt khoát giữa vật chất và ý thức. Con người là chủ thể, thế giới còn lại là khách thể. Chủ thể không thể tác động gì lên khách thể.
“Hiệu ứng vòm tuyết” (snow dome effect): theo quan niệm châu Âu, thế giới có tính trật tự cao nên có thể tiên kiến được, kiểm soát được, hiểu biết được, tại đó các thảm họa của thiên nhiên, nạn dịch hạch, tình trạng nổi dậy trong xã hội, các hình thức hỗn loạn khác…, tất cả chỉ là biểu hiện lệch lạc, sai trái của một thế giới vốn có kỷ cương và trật tự. Thế giới ấy nếu có bị rung chuyển dưới bàn tay của định mệnh thì rồi lại trở về với thứ trật tự quá tỷ mỷ của nó dưới một vòm nóc vững vàng, chắc chắn, được duy trì bằng khoa học, tôn giáo và nhà nước.
Cái Vòm cứng rắn nay hóa ra lại là cái vòm bằng tuyết. Nó nhanh chóng tan chảy dưới sức nóng của lý thuyết lượng tử.
Dưới ánh sáng của Nhị nguyên luận và Quyết định luận, các phương trình tuyến tính xấp xỉ (làm tròn) quả thật đã cung cấp cho các nhà khoa học một vũ khí tư duy hùng mạn và dẫn đến nhiều khám phá lớn của khoa học. Nhưng chính nó cũng tạo ra niềm tin vào một thế giới cứng, tiên kiến được, tuyến tính và phục tùng quy luật nhân quả, trong đó bỏ qua những sai biệt nhỏ bé để chú trọng đặc biệt đến phép xấp xỉ toán học. Sai lầm của Nhị nguyên luận và Quyết định luận chính là ở cái sai biệt nhỏ bé đã bị bỏ qua đó, cái hiệu ứng cánh bướm đó, cái nhiễu loạn tất định đó, lại chính là những cái xác lập thực tại (để hiểu các khái niệm này xin mời Quý vị xem lại các nguyên lí đã đăng trước đây trên web vacne.org.vn, mục Tản mạn môi trường).
3. Nhất nguyên luận
Với Lí thuyết Lượng tử Copenhagen, thực tại chỉ có khi ta quan sát đo lường nó. Bài tập ngắm vịnh Nha Trang trên đây đã minh họa cho điều đó. Khi ta không quan sát một vật thì vật đó không tồn tại (đối với người quan sát). Không có người quan sát thì không có vật được quan sát, không có chủ thể thì không có khách thể. Heizenberg nhà vật lí Trường lượng tử khẳng định rằng “điều mà ta quan sát được không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là cái cách mà thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của chúng ta”. Như vậy thực tại chính là ở chúng ta, là cái ta muốn thấy và có khả năng thấy. Đó chính là Nhất nguyên luận.
Theo Nhất nguyên luận, thế giới chúng ta đang sống có thể đồng thời được xem là một thế giới hay nhiều thế giới. Là một thế giới duy nhất nếu lấy cái chung của mọi tâm thức làm nền tảng, là nhiều thế giới nếu lấy cái riêng của tâm thức mỗi cá nhân làm nền tảng. Ta không bao giờ biết chính xác người khác thấy vịnh Nha Trang có giống ta thấy hay không.
Xét cho rạch ròi và công bằng, thì Nhất nguyên luận đúng với n người quan sát, còn Nhị nguyên luận đúng với “+1” đối tượng quan sát. Cái đối tượng “+1” ấy không xuất hiện trước mắt n người quan sat, nhưng nó vẫn tồn tại để chờ đợi và xuất lộ hình ảnh và tính chất mới khi có người quan sát mới. Đối với con người, đối tượng “+1” này vừa tồn tại (để chờ đợi) vừa không tồn tại (vì chưa có người quan sát mới). “n+1 vịnh Nha Trang” cũng chính là cái được gọi là “Thực tại khách quan” theo Nhị nguyên luận hay “Thực tại chủ quan” theo Nhất nguyên luận.
Các thành tố cơ bản của vật chất - như các electron chẳng hạn - là những thực thể 2 mặt, chúng hiện ra khi thì như những hạt vật chất, khi thì như những sóng phi vật chất. Tính bổ sung lẫn nhau giữa trạng thái hạt và trạng thái sóng đã vĩnh viễn chấm dứt Nhị nguyên luận của Descarte về sự phân đôi giữa vật chất và tinh thần : cả hai thứ đều là những thuộc tính của cùng một hiện thực duy nhất – cái được gọi là Thực tại. Điều này làm xuất hiện một quan niệm triết học mới có tên là chủ nghĩa Siêu Duy Thực (Metarealism) – sự hợp nhất giữa vật chất và tinh thần. Không thể nói tinh thần và vật chất cùng tồn tại: chúng tồn tại cái này thông qua cái kia.
4.Vậy thì Nhất nguyên hay Nhị nguyên xét đến cùng cũng không tồn tại độc lập và không phản bác lẫn nhau như các nhà triết học cực đoan vẫn nghĩ, chúng là hai mặt của Thực tại, chúng cũng tồn tại cái này thông qua cái kia. Cần phải có 1 vịnh Nha Trang có sẵn đó để chờ đợi các quan sát viên, nhưng cái vịnh Nha Trang dưới quan sát của các quan sát viên lại không giống nhau. Vịnh Nha Trang vì thế tồn tại mà thực không tồn tại như một thực thể duy nhất. Nó có nhiều khuôn mặt. Thực tại luôn là cái có nhiều khuôn mặt. Nó vẫn đấy nhưng không thực có đấy ! Vậy vịnh Nha Trang là gì? Với mỗi con người, nó là cái ta muốn thấy, là cái hiện ra dưới sự vấn hỏi của ta qua cách nhìn của ta. Với ta nó là vịnh Nha Trang Nhất nguyên, bởi vì nó chính là vịnh Nha Trang Nhị nguyên.
5.Tại sao phải trao đổi, thảo luận và phản biện?
Vịnh Nha Trang Nhị nguyên vẫn đấy dù bạn có quan sát nó hay không. Nhưng mỗi khi bạn quan sát, quản lí hay bảo tồn nó, thì nó lại là vịnh Nha Trang Nhất nguyên. Cái sai lầm chết người chính là ở chỗ nhà quản lí luôn coi cái vịnh Nhất nguyên xuất hiện dưới cách vấn hỏi của anh ta lại được anh ta coi là cái vịnh Nhị nguyên, khách quan với anh ta và với cộng đồng. Cho nên cái vịnh Nhất nguyên của riêng anh ta thường được anh ta dùng quyền lực ép cộng đồng phải coi là cái vịnh duy nhất trên đời, là cái vịnh Nhị nguyên.
Vì vậy mọi quyết định bảo tồn kiểu mệnh lệnh, kiểu hành chính bao cấp chẳng bao giờ đạt được sự đồng thuận cao, do đó chẳng được mấy người thực hiện, có chăng chỉ được thực hiện tốt trong các báo cáo của nhà quản lí.
Để đạt được sự đồng thuận cao, để cộng đồng các nhà quan sát lựa chọn một hình ảnh phù hợp cho công tác bảo tồn vịnh Nha trang nói riêng hay bất cứ đối tượng cần quản lí nào, cần tạo điều kiện tiếp cận thông tin rộng rãi cho cộng đống, tổ chức thảo luận trao đổi rộng rãi và nếu cần thì tiến hành phản biện xã hội. Những việc trên nhằm tiến tới sự đồng thuận cho khái niệm có tính tương đồng cao về cái gọi là đối tượng, mục tiêu, cách thức quản lí và bảo tồn.
Xin cảm ơn Quý vị
Văn Bọ Ngựa
Nhạc sĩ, đến từ vườn chuối Thị Nở tỉnh Hà Nam
Chú thích.
Kính mời Quý bạn đọc xem tiếp : Nguyên lí số 10 . “Vô vi nhi vô bất vi”.Bảo tồn là tự bảo tồn vì bảo tồn là vị nhân sinh. Báo cáo tổng kết Hội thảo của GS Đa Lông xóm Sườn Đồi