Những nguyên lí của Thực tại : 4. Nguyên lí Vô thường
Không ai có thể tắm hai lần như nhau trong một dòng sông. Thực tại luôn thay đổi, chỉ có thay đổi liên tục mới là không thay đổi. Tham luận số 4 do Triết học gia Văn Trắm, đến từ Sông Thao trình bày
Dr. Cà Xáy VACNE
![](/Upload/image/Anh%2011/Heo_may.jpg)
Kính thưa Quý vị
1.Xin Quý vị cứ tưởng tượng rằng bức ảnh trên đây không phải là ảnh mà là phong cảnh mà Qúy vị đang nhìn qua ô cửa. Hãy bớt chút thời gian ngắm phong cảnh trên đây trong giây phút rồi nhắm mắt lại, sau đó mở mắt ra thật nhanh. Trước mắt quý vị đã là một phong cảnh khác với rất nhiều thay đổi : hai cô gái đã chuyển sang vị trí khác, tia nắng đứng bóng hơn, dăm chiếc lá già đã rụng khỏi vòm lá xanh, và làn gió ban nãy làm tán cây xào xạc đã bay đi để lại một không gian ngập tràn tiếng ve,…Mọi thứ của thực tại đều luôn thay đổi, vấn đề là tốc độ thay đổi nhiều khi không làm chúng ta chú ý.
2.Chúng ta không sinh sống trong một thế giới tĩnh, mà là một thế giới tràn ngập sự vận động, đổi thay. Các sự kiện mới đang nảy sinh để thay thế cho các sự kiện vừa kết thúc. Thực tại rất nhạy cảm với các điều kiện ban đầu nhỏ bé không ai để ý. Nhưng chính những thay đổi nhỏ bé đó một khi được tích lũy lại sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao không ai có thể cản được. Các nhà khoa học gọi đó là hiệu ứng con bướm: một cánh bướm vỗ nhẹ ở đỉnh Fanxipăng có thể gây ra một trận bão khủng khiếp ở rừng Amazon tận Nam Mỹ. Dẫn giải này thật khó hiểu nhưng nếu ta chú ý rằng mọi thay đổi dù to lớn đến đâu cũng xuất phát từ những thay đổi nhỏ xíu ban đầu nếu những thay đổi nhỏ xíu đó là thay đổi tất định. Những gì không hiểu được thì vẫn có thể cảm nhận được.
Cái mà chúng ta tưởng là bất động thực ra gồm vô số vận động: những dích dắc, những lộn xộn, những phân rã hay ngược lại, những thu hẹp, dao động xung quanh những trạng thái cân bằng tạm thời (chính sự cân bằng tạm thời ấy tạo ra các vật thể). Chỉ có hiện tượng thay đổi liên tục và không ngừng mới là không thay đổi thôi. Hay nói theo cách nói của các thiền sư: Mọi chuyện đều vô thường, chỉ có vô thường mới thường hằng. Nhận thức vô thường là điều duy nhất chúng ta có thể sở hữu lâu bền. Trái Đất có vẻ như vẫn thế, bầu trời có vẻ như vẫn thế, đôi khi có cả động đất hay sóng thần - nhắc rằng không thể xem bất cứ điều gì là không thay đổi. Sự sống là gì nếu không phải vũ khúc nối tiếp nhau của những hình thái nhất thời? Thực tại là “sự toàn vẹn liên tục trong vòng biến dịch”. Cuộc sống hay cái chết chỉ là những khía cạnh khác nhau của “cái toàn vẹn trong vòng biến dịch đó”.
Những đam mê cuồng si, nhiệt tình cháy bỏng, cố gắng không ngừng, danh tiếng lẫy lừng,…cũng giống như những làn sóng. Chúng phải tan đi để truyền năng lượng sang những làn sóng mới. Chỉ còn lại chút hoài niệm. Quá khứ mãi còn vì chúng đã không còn, tương lai bắt nguồn từ đâu đó trong những ngày qua – tức là từ quá khứ; nhờ có mặt trong tương lai mà quá khứ đã chết mà vẫn sống.
3. Sự biến dịch không loạn hướng mà thường theo hướng ngược lại những cái đang hiện hữu, quy luật mà các nhà triết học vẫn gọi là sự chuyển hóa của các mặt đối lập. Ví dụ: cái gì muốn trường tồn thì phải mất đi - cái mất đi nếu là quá lớn lao thì cái hiện hữu cũng thực sự lớn lao nếu xét đến cả những kế thừa từ cái đã mất; điều gì sinh ra tất sẽ chết đi; điều gì được gom góp tất sẽ tan tác; điều gì được tích luỹ tất sẽ cạn kiệt; cái mới sẽ thành cũ; cái gì được ca ngợi sẽ có lúc bị chê bai; cái thành công sẽ dẫn đến thất bại; muốn giận phải yêu, muốn bắt phải thả (binh pháp Tôn Tử); muốn lấy nhiều thì lấy ít thôi,…và ngược lại.
4. Trong biến dịch của thực tại, mọi việc không bao giờ diễn ra 2 lần theo cùng một cách thức. Mỗi thay đổi dù nhỏ xíu ở biến lượng này cũng sẽ gây ra những thay đổi ở các biến lượng khác, vì lẽ chúng đều tác động qua lại, đều thay đổi trong thế đối ứng lẫn nhau. Người ta không thể tắm 2 lần (như nhau) trên cùng một dòng sông vì dòng sông luôn chảy và luôn thay đổi về chất lượng cũng như thành phần sinh vật trong nước.
Sự biến dịch của thực tại được một lí thuyết toán học làm rõ, đó là lí thuyết Nhiễu loạn còn gọi là Chaos.Những luận lí ban đầu của Chaos được đề xuất bởi nhà toán học Henri Poincaré vào thập niên 1880, sau đó được hàng loạt nhà khoa học khác hoàn thiện, đáng chú ý có nhà khoa học Mỹ Edward Lorenz vào năm 1961 khi ông nghiên cứu sự nhiễu loạn của thời tiết. Chaos chính là lý thuyết nhằm miêu tả ứng xử của các hệ hỗn độn, phi tuyến. Chaos chính là cơ chế để khởi phát và tổ chức sự thay đổi. Nó là phương pháp để thực tại sáng tạo nên tính đa dạng, phong phú mà chúng ta đang chứng kiến ở xung quanh.
5. Thế giới có bản chất là sự lộn xộn, vô trật tự. Nhưng dưới cái vô trật tự đó có một “trật tự”. Thuật ngữ “trật tự” này không liên quan với các đặc tính như yên bình, tĩnh lặng hay tốt đẹp, mà thực chất là phương thức, hình dạng, hay cơ cấu tự tổ chức, liên quan đến trạng thái cân bằng tạm thời của hệ thống. Nếu thực tại biến dịch là một cơn bão thì cái gọi là “trật tự” chính là mắt bão. Bão càng lớn thì mắt bão càng rõ. Mắt bão là “sự yên bình” của những luồng gió xoáy dữ dội. Vấn đề sai lầm của chúng ta là khi ngắm mắt bão cứ tưởng là bão đã tan, cũng như khi xem xét các sự vật cứ tưởng là chúng không có biến đổi gì.
6. Nguyên lí biến dịch liên tục là phương cách tồn tại của thiên nhiên. Vấn đề là ứng dụng nguyên lí này vào công tác bảo tồn thiên nhiên như thế nào. Bảo tồn thiên nhiên cũng phải là bảo tồn thích ứng, có nghĩa là lí thuyết và phương pháp bảo tồn cần luôn luôn được thay đổi để thích ứng với những biến đổi của các đối tượng được bảo tồn. Nếu trước đây loại hình khu bảo tồn thiên nhiên của IUCN là một tiến bộ thì nay nó đã trở thành lạc hậu hơn so với hình thức khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Chúng ta biết rất rõ các loài đang chống chọi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng hình như các lí thuyết bảo tồn thiên nhiên hiện có vẫn khá khô cứng, vẫn giống như cả mấy chục năm trước đây khi vấn đề biến đổi khí hậu còn chưa đủ rõ. Trong bối cảnh đó khái niệm hành lang xanh trong bảo tồn để cho phép động vật hoang dã tự do di cư có thể là một mô hình bảo tồn mới và thích hợp, nhưng không chắc đã khả thi do sự ham thích đến bệnh hoạn của con nguòi đối với động vật hoang dã.
Chúng ta ít chú ý đến những biến đổi nhỏ trong tự nhiên, thường thì các nhà quản lí chỉ hành động khi những biến đổi đó đã trở thành sự cố. Vai trò của dự báo khoa học trong công tác bảo tồn vì vậy cần được chú ý đúng mức. Trong quá khứ, nếu chú ý đủ mức đến các cảnh báo về ốc bươu vàng, hay virus taura đi theo tôm thẻ chân trắng, thì tình hình sẽ khác. Cũng như vậy, sự thiếu chú ý đến cây bìm bôi hiện nay chắc chắn sẽ là sự trả giá đắt trong tương lai.Thực tại biến động không phù hợp với cách quản lí khô cứng.
Xin một lời nhắn nhủ cuối cùng: Do thực tại biến đổi không ngừng, xin hãy quý những phút giây của cuộc sống này. Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười mà quý vị nhìn thấy, mỗi miếng cơm mà quý vị ăn,… là cái mà quý vị gặp duy nhất 1 lần trong đời. Chúng sẽ khác đi ở lần gặp sau.
Xin cảm ơn Quý vị
Văn Trắm
Chú thích
Kính mời Quý bạn đọc xem Tham luận số 5: Nguyên lí Tương cầu, còn gọi là nguyên lí Cơ duyên - còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng. Tham luận của Trúc Vuông cô nương đến từ xóm Sườn Đồi.