Những lí lẽ của Thiên nhiên 1. Cái lí của nước
Nước là lực sáng tạo hùng mạnh nhất trong tự nhiên. Cái lí của nước ảnh hưởng mạnh đến lối sống . Đây là bài số 1 trong loạt 10 bài về “Những lí lẽ của Thiên nhiên”.
Dr. Cà Xáy VACNE
1.Người ta ai cũng nói nước là máu của sự sống : nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể sinh vật kể cả người; nước chính là một hệ sinh thái cho hàng triệu loài sinh vật sinh cư rồi chết đi trong lịch sử hàng tỷ năm của trái đất; nước tưới ruộng và cây trồng; nước dùng cho sản xuất công nghiệp; nước để ăn uống; nước cải tạo vi khí hậu và tạo ra cảnh quan sông suối hồ thác cho du lịch, cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc, cho thi nhân làm thơ; sông hồ còn là nơi thuyền bè đi lại, là nơi nuôi trồng thủy sản; rằng tóm lại không có nước thì không có sự sống. Nhiều thi nhân còn nói không có nước không có cả tình yêu nữa: “Mắt ai như giọt nước lành, ta như cơn khát một mình không vơi”.Quá đúng !
Biết nước là quan trọng đến thế sao người ta cứ dùng nước lãng phí, dùng 1 thì làm ô nhiễm 10 ? Vấn đề là những hiểu biết trên mới chỉ đụng đến cái giá trị sử dụng của nước, chưa phải là cái lí của nước.
2.Cái lí đầu tiên của nước là…nước chẳng là gì cả. Nước luôn chiếm chỗ thấp nhất trong tự nhiên, chảy được thì chảy vào chỗ trũng nhất, ngấm được thì theo khe nứt mà ngấm xuống chỗ sâu nhất. Có được cái lí này vì nước không có hình thù gì cả : nước là loài “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, vì khối nước không có hình dạng riêng mà lấy hình dạng của cái chứa nước. Chính vì đặc điểm này mà người ta phải tốn công tốn của để giữ nước trên một cái gì đó, chứa nước trong một cái gì đó. Và khi “cái gì đó” vỡ thì là tai họa, ví dụ vỡ đê hay đập.
3.Cái lí thứ hai cũng xuất phát từ cái lí thứ nhât. Do luôn chảy chỗ trũng mà nước bào mòn địa hình, san phẳng núi non, biến núi cao thành các “bề mặt san bằng”, nước vận chuyển vật liệu vụn để lấp đầy các địa hình trũng tạo ra các dải đồng bằng. Các nhà địa chất nói nếu trái đất không cựa quậy thì sau 10 triệu năm địa hình bề mặt trái đất trở nên bằng phẳng nhờ công của nước. Nước làm phân rã các tầng đá và mài mòn các khối đá thành cuội sỏi. Nước hóa ra có năng lượng ghê gớm thật !
4. Nhưng thực ra nước không có năng lượng riêng. Nó lấy năng lượng từ sức hút trái đất (cái gọi là lực trọng trường), từ gió, từ động đất rồi nhanh chóng chuyển năng lượng đó vào các đối tượng mà nó chảy qua khiến các đối tượng đó nhanh chóng bị xói mòn và sụp đổ. Nhờ đó, khi giàu năng lượng, nó tạo ra sóng thần hay sóng vỗ bờ làm mài mòn bãi biển, tạo ra các dòng cuồng lưu, các dòng thác lũ. Vật liệu hòa tan trong nước (ví dụ oxy hay axit) có thể làm tăng khả năng bào mòn hay xói lở của nước. Nhưng nước không thích giữ các vật liệu đó, nó muốn trong và sạch như bản chất hóa học của nó để yên thân trong các thủy vực tự nhiên. Khi truyền hết năng lượng cho các đối tượng bị nó phá hủy, nước lại hiền khô bẽn lẽn như …nước. Vì nước không giữ năng lượng nên rất khó nén ép nước: bạn thử đựng nước vào bịch ni lông rồi cố nén nó xem có được không : toàn bộ lực nén sẽ được truyền ngay vào cái vỏ túi khiến cái túi nhanh chóng nứt toác. Chính điều này khiến cho các kè bờ sông bờ biển không giúp triệt tiêu được năng lượng nước, nên nước hoặc phá đổ đê kè hay chuyển sang gây xói lở các đoạn bờ không có đê kè. Xét trên bình diện này thì đê kè chỉ là cấu trúc chuyển tai họa sang các đoạn bờ không có đê kè mà thôi.
5. Nói tóm lại cái lí của nước là ở chỗ vì nó rất hiền nên nó có thể rất dữ, vì nó ở chỗ thấp nên nó có thể tàn phá tất cả những thứ ở độ cao bên trên mực nước biển; nó không trữ năng lượng nên khi nó được nạp năng lượng bởi gió hay độ cao hay động đất, nó tìm cách xả ngay năng lượng để tàn phá, để bào mòn, để xói lở, để san phẳng các chướng ngại trên đường đi xuống chỗ thấp, hoặc để …phát điện. Nó không là gì nên nó là tất cả. Nó là đấng sáng tạo ra thế giới sống này. Do đó nước và thủy vực tự nhiên cần phải được kính trọng và dè chừng. Nếu không tin, bạn hãy xem những chỗ con người can thiệp vào chúng xem ! Nước giận dữ còn hơn cả lửa cháy. Các cụ ta vẫn nói “Thủy Hỏa Đạo tặc”, rồi lại nói “Dân như nước”, người Việt kính trọng gọi nước là Thánh Mẫu (Mẫu / Bà / Thủy hay Bà Thoải) cũng là có ý đó.
6. Các thiền giả “quán tưởng” về nước mà ngộ ra các nguyên lí Thực tại. Đó cũng là lí do tại sao người ta rất thích ngắm cảnh sông hồ, dù có người chẳng ngộ được gì nhưng vẫn thấy tâm hồn thanh thản. Bởi nước vốn chẳng là gì nên nó là mọi thứ. Nó rất yếu ớt nên nó rất dữ dằn, Một số zenpark (vườn thiền) ở Nhật làm một cái thác nước giả bé tí tẹo rồi bán vé cho du khách đến ngồi lặng im nghe nước nhỏ róc rách. Chỉ có thế mà khách đông nghịt.
7.Người Việt chúng ta gọi Tổ Quốc là Đất Nước, chẳng đúng lắm sao ! Xem ra bảo vệ được môi trường nước có vẻ là hoàn thành đến 50% nhiệm vụ bảo vệ Đất Nước rồi. Tuy nhiên lí do không chỉ ở tầm quan trọng hay khối lượng vĩ đại của nó trên Trái đất (thủy quyển chiếm ¾ bề mặt Địa cầu), mà còn ở cái lí của nó.
Chú thích.
Kính mời Quý Bạn đọc đón xem : Những lí lẽ của Thiên nhiên 2. Cái lí của đá