Ba chàng bác sỹ "dở người", lắng nghe tiếng tim đau khổ của hàng ngàn bệnh nhân chiến tranh khắp vùng Uông bí – Đông Triều.
TRẦN NGỌC HẢI
Dịch giả Pháp ngữ nổi tiếng Nguyễn Chấn Uy ở vùng rừng núi mà có giá sách hàng ngàn quyển khiến tôi cảm phục hết điều… Một chiều, ông đưa tôi đi vẽ, lúc nắng tàn ông chỉ về phía núi mờ xa: “ Thầy thuốc họ Trần mà say nghệ thuật, không thể nào không lên đó, vì đấy là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm do vua nhà Trần sáng lập-Yên Tử đó!”. Tôi bàng hoàng nghe ông nói và cảm thấy như lời của một đạo sỹ chốn rừng xanh. Ấy là chiều hè thứ bẩy năm 1973.
Sáng sau, chủ nhật, ba chàng bác sỹ dở người kia: Nguyễn Thế Huấn người Vĩnh Phúc; Nguyễn Khang , bác sỹ người Quảng Yên, và tôi, đâu lạ là đến! Mỗi người đèo một thứ đồ nghề, nào giá vẽ, bảng vẽ, mầu vẽ, giấy vẽ, bút vẽ, cả ống bơ đựng nước, lên đường từ Bản doanh giã chiến đặt tại xã Yên Thọ, làng ông Uy, thẳng hướng mờ xa Yên Tử đạp xe tiến tới!
Không cần biết xa đến đâu, gần đến đâu! Không cần biết dốc cao vực thẳm đến mấy! Cũng chẳng cần quan tâm ăn thế nào và uống ra sao! Chỉ biết đi là đi và với mục đích vẽ cho được vài ba hình ảnh Yên Tử linh thiêng, huyền bí…dâng lên các đấng Cao Tôn tỏ lòng biết ơn tâm kính.
Trăng Yên Tử . Sơn dầu 100x 100 cm của Trần Ngọc Hải
Giữa ngàn chùng non xanh hoang dã, Các chùa hoang sơ vắng lặng không một bóng người,.chùa Lân một mình sư Bà trụ trì; Chùa Giải oan lạnh ngắt phế hoang! Chùa Hoa Yên một sư Ông và một ni cô trụ trì… Ăn ghẹ nhà chùa vài bát cơm với rau lang luộc chấm tương và cùng ngâm vịnh với sư dăm bảy bài thơ nhân tình thế thái, tất cả thầm phục nhau và cười vang Yên Tử…Tôi bỏ dở cuộc vui để ra vẽ tiếp khu Tháp.
Thêm vầng trăng nữa là xong… Bỗng dật mình, phảng phất quanh tôi mùi hương nhè nhẹ! Ni cô từ xa đang nhìn tôi vẽ tự lúc nào! Rồi người lặng lẽ tới đặt vào tay tôi bó hương và cùng Người đi khắp khu tháp dâng hương vái lạy. Ni cô cầu nguyện những gì thì tôi không rõ, tôi chỉ nghe được âm thanh , nhịp điệu mà thôi, nó như bản nhạc không lời thực sự, lúc nhanh, lúc chậm, lúc bổng, lúc trầm, và phảng phất điều gì đó âm âm, buồn buồn mà người đời cứ hay nói cho thêm phần thống thiết là “nỗi sầu vạn cổ “!
Quả thực, âm hưởng ấy nó đã lan sang tôi, reo vào tâm hồn ngây dại của tôi một sự man mác, ngất ngây, và băng khuâng hoang dại ! Tôi như một đứa trẻ chỉ biết e ấp nhìn Người, ngoan ngoãn theo Người và để hồn bay theo hương khói!...
Hồi chuông vẳng vẳng âm vang! Người dè dặt nhìn tôi và nhè nhẹ nhắc nhở: Trăng đã lên…Dặm trường xa xôi sương gió…Về đi thôi! Họa sỹ! Tôi tỉnh mà như mơ! Như kẻ vô hồn chìm trong sương gió, rồi lẩm bẩm câu gì, ngô ngô ngọng ngọng! Chẳng ra chia tay, chẳng ra cám ơn, dường như nhại lại Nguyễn Nhược Pháp : Có bao giờ, có bao giờ nữa? Hay là thôi? Đúng là dở người!...
Hôm nay, tranh vẫn còn đây, mà tự bao giờ, mộng đã tan vào trong mây khói!