Hoàng Hạc Lâu (Lầu Chim Hạc vàng) là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (崔顥), một Đại Thi nhân thời nhà Đường. Nhưng xem ra hiện nay thời thế, con người, ngôn từ đã thay đổi làm cho bài thơ vốn nổi tiếng trên 1300 năm qua bỗng trở nên lạc điệu.
Dr. Cà xáy - VACNE
1.Lầu Hoàng Hạc ở góc tây nam thành Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc. Ngày nay, nơi này vẫn là một địa điểm du lịch nổi danh. Truyền thuyết cho rằng Phí Văn Vi tu luyện thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở lầu Hoàng Hạc. Đường Đại Thi gia Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu thấy cảnh đẹp định làm thơ, đã thấy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đề trên vách. Lí Bạch đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt thấy cảnh (đẹp mà) không tả được, vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu).
2. Bài thơ Thôi Hiệu ghi được nỗi cảm hoài của một Thi nhân lãng du (ngày nay được gọi là dân “phượt”), phiêu diêu giang hồ, tìm Tiên để giao kết . Đến Lầu Hoàng Hạc không thấy Tiên đâu, chỉ thấy phong cảnh thần tiên, núi xanh muôn vẻ, sông sâu sóng khói ... Bỗng lòng nhớ quê trở nên da diết, nhìn ngắm phong cảnh mà chỉ thấy buồn nhớ quê hương...Tính âm nhạc, điệp từ trong bài thơ tạo ra một nỗi buồn sâu lắng, không sao dứt nổi. Trên 1300 năm qua bài thơ vẫn bất tử trên thi đàn. Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đã dịch bài thơ này, nhưng không bản dịch nào tuyệt đỉnh và phản ảnh hết cái hay của nguyên tác. Sau đây là một vài bản dịch:
HOÀNG HẠC LÂU
(Nguyên tác: Thôi Hiệu)
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Hoàng hạc lâu
(Hàn Phong dịch)
Ai đã từ xưa cưỡi hạc rồi
Trơ lầu Hoàng Hạc đứng im hơi
Hạc vàng muôn thuở không về lại
Mây trắng ngàn năm vẫn cứ trôi
Anh Vũ bãi xa màu cỏ biếc
Hán Dương bờ tạnh sắc cây phơi
Trên sông khói sóng, chiều buông chậm
Khuất nẻo quê hương luống ngậm ngùi
Lầu Hoàng hạc
(Lê Trọng Nghĩa dịch)
Người xưa cỡi hạc bay đi,
Lầu vàng kỷ niệm, chút gì nhớ nhau.
Hạc bay chẳng trở lại nào,
Ngàn năm mây trắng vẫn cao lưng trời.
Cây soi bóng nước chơi vơi,
Cỏ xanh Anh Vũ muôn đời tỏa hương.
Nắng tàn gợi nhớ cố hương,
Mặt sông khói sóng sầu thương kiếp người.
3. Nhại Thôi Hiệu
Các dòng sông bây giờ khô cạn do xây đập thủy điện tích nước trên thượng nguồn, hoặc do rừng thượng nguồn bị chặt phá không còn đủ sức giữ nước cho sông. Nhiều dự án thủy điện còn chuyển nước của con sông này sang con sông / hay vùng / khác một cách không hợp lí biến lòng sông phần hạ lưu thành bãi chăn trâu bò hay sân đá bóng của trẻ con. Không cần biết nếu không có nước thì cuộc sống dân cư vùng hạ lưu sông sẽ ra sao.
Thảng hoặc còn dòng sông nào chưa bị cạn thì đô thị, nhà máy và khu dân cư hai bên sông vô tư xả nước thải xuống sông, bức tử các dòng sông. Hiện chưa có cách gì cải thiện được tình hình. Có nơi thấy mùa khô sông cạn liền xây dựng dự án định đắp luôn đập ngăn sông quãng chảy qua đô thị để biến sông thành hồ, mà không tính đến các tác động tiêu cực do “ngọc ý” này tạo ra đối với môi trường và cuộc sống của dân chúng ven sông.
Nói mãi cũng thế vì hình như người ta quyết định “đánh đổi sông lấy tiền” theo một “lí thuyết” gì đó ít người hiểu.
Theo thiển nghĩ của Cà Xáy tôi, vấn đề không phải cái lí thuyết “đổi sông lấy tiền”, mà chính là cái khiếu thẩm mĩ và thi hứng của người đời nay đã thay đổi, khiến cho những thi tứ về chòi chim ven sông kiểu Thôi Hiệu đã quá xưa và quá lạc hậu rồi. Thơ Thôi Hiệu vì thế không còn mấy ai để ý. Thật là hoài phí một bài thơ có ý nghĩa giáo dục môi trường cao cả. Cà Xáy tôi xin viết vài câu nhại Thôi Hiệu để phản ánh cái khiếu thi hứng hiện đại bằng ngôn ngữ hot, nhằm Mo - đần – nai (modernize – hiện đại hóa) bài Hoàng hạc Lâu, ngõ hầu giúp Thôi Tiên sinh nhắn nhủ những ai còn tin theo “lí thuyết” ĐỔI SÔNG LẤY TIỀN.
Sếu cứ flái ờ uây (fly aways - bay đi) thôi
(Thể thơ Đường)
Hú (who – ai) đã ờuây (aways – đi xa) cưỡi sếu rồi
Trơ chòi canh sếu đứng im hơi
Sếu flai (fly - bay) muôn thuở nâu (no – không) tờn (turn - về) lại
Ruền (rain – mưa) flắt (flood – lũ) chắc rằng sẽ tả rơi
Mấy dặm bãi xa oe (where – đâu) hớp (herb - cỏ) biếc
Oe (where – đâu) rừng ngập mặn sắc truy (tree – cây) phơi
Lòng sông oát (water - nước) cạn, chiều đao (down – buông) chậm
Khuất nẻo quê hương luống ngậm ngùi
(Thể lục bát)
Ên sần (Ancients - Người xưa) cỡi sếu flai (fly – bay) đi,
Trơ chòi canh sếu, chút gì mís (miss - nhớ) nhau.
Sếu flai (fly – bay) nót (not - chẳng) trở lại nào,
Ngại rằng ruền flắt (rain flood – mưa lũ) sẽ cao lưng trời.
Cây thìn (thin - gầy) bãi cạn chơi vơi,
Cỏ còi lác đác nghé cười sơu (show – dơ) xương.
Sông tàn gợi mis (miss - nhớ) quê hương,
Lòng sông cạn oát (water - nước) sầu thương kiếp người./.