quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Ngắt điện, nước giải pháp buộc doanh nghiệp tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường?

Thứ Sáu, 04/09/2009 | 09:42:00 PM

(SGGP).- 190/200 doanh nghiệp bị kiểm tra có hành vi vi phạm môi trường. Đó là kết quả mới nhất mà TPHCM vừa công bố. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép. Nước thải đen của các doanh nghiệp này đã và đang khiến cho kênh rạch, sông TPHCM vốn đã “đen” lại càng “đen” mịt mờ hơn.

 

 

Xây hệ thống xử lý để che mắt thanh tra

Trường hợp Công ty cổ phần nguyên phụ liệu dệt may An Bình (Công ty An Bình) là một ví dụ. Khi tiến hành công tác giám sát môi trường, đoàn thanh tra môi trường đã phát hiện công ty này dù đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng có cũng như không vì hệ thống đã xuống cấp: nước thải sau xử lý không đạt tiêu chuẩn cho phép là loại B mà vượt tiêu chuẩn hơn 2 lần. Tương tự, với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàn Thành (Công ty Hoàn Thành), Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Thuận Thành (Công ty Tân Thuận Thành - Khu công nghiệp Tân Tạo), Công ty cổ phần L.Q Joton (quận Phú Nhuận) không những nước thải vượt tiêu chuẩn mà còn khai thác nước ngầm không phép.

Nước thải từ xưởng của Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Thắng Jeans chảy ra cống thoát nước khu dân cư.

Cá biệt, Công ty Hoàn Thành và Tân Thuận Thành vẫn chưa tách rời đường nước mưa với đường nước thải. Do vậy, dẫn đến tình trạng nước thải chưa qua xử lý chảy tràn vào đường thoát nước mưa rồi thoát vào hệ thống thoát nước mưa chung của khu công nghiệp Tân Tạo chảy ra kênh rạch. Hai công ty này cũng chưa thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp theo quy định; khai thác nước ngầm sử dụng cho sản xuất nhưng vẫn chưa liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đăng ký xin phép, cũng như đóng thuế tài nguyên nước…

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, các vi phạm môi trường mà doanh nghiệp bị thanh tra phát hiện thường là xả thải vượt tiêu chuẩn; không thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong đó, phổ biến nhất là những vi phạm do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng nói là hầu như ở tất cả các ngành nghề sản xuất đều phát sinh nước thải sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây ô nhiễm kênh rạch.

Xử phạt: công cụ duy nhất, nhưng còn nhẹ

Bà Nguyễn Thị Dụ cho biết, xử phạt là biện pháp mạnh nhất đang được áp dụng, nhưng mức phạt như hiện nay còn quá nhẹ so với hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp Công ty An Bình, mức tiền mà công ty này bị phạt 14 triệu đồng. Còn với Công ty Hoàn Thành và Tân Thuận Thành là 11,5 triệu đồng; Công ty cổ phần L.Q Joton 500 ngàn đồng.

Ngoài ra, trong quyết định xử phạt, các công ty này đều bị buộc yêu cầu phải khắc phục những sai phạm của mình. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp vẫn cố tình không khắc phục những sai phạm của mình. Cá biệt có những doanh nghiệp bị đoàn thanh tra kiểm tra đến lần thứ 3 vẫn còn vi phạm.

Trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm môi trường qua từng năm vẫn cao, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2007, có đến 181/275 doanh nghiệp bị kiểm tra có hành vi vi phạm môi trường, năm 2008, con số này là 305/517 doanh nghiệp và tính cho đến tháng 9-2009 là 180/200 doanh nghiệp.

Điều này cho thấy hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm môi trường. Từ đầu năm 2009 đến nay, UBND TPHCM đã ban hành 23 quyết định xử phạt, trong đó có hình thức phạt bổ sung là buộc các đơn vị vi phạm tạm đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế các đơn vị vẫn chưa chấp hành nghiêm túc, việc cưỡng chế thi hành đối với những đơn vị này giao cho UBND quận huyện nhưng chưa thực hiện được do vướng quy định thủ tục áp dụng. Bà Nguyễn Thị Hồng, phụ trách môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi cho biết, hiện quy định về cưỡng chế buộc tạm ngưng công đoạn sản xuất của doanh nghiệp vi phạm môi trường không rõ ràng nên rất khó thực hiện.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị, trong khi chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh quy định về thủ tục cưỡng chế, buộc ngưng hoạt động đối với những doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nhiều lần thì nên áp dụng biện pháp ngắt điện, nước.

Đây là biện pháp thực hiện khá đơn giản nhưng hiệu quả cao. Vừa qua, sở đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan để áp dụng biện pháp này tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Thắng Jeans (quận 9). Kết quả là ban giám đốc công ty trên đã phải nghiêm túc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Điều đáng nói là trước đó đơn vị này đã từng bị kiểm tra và xử phạt nhiều lần vì cố tình không xử lý nước thải; để nước thải sản xuất tràn ra cống thoát nước sinh hoạt của khu dân cư…

Tuy nhiên, đại diện Công ty Điện lực TPHCM cho biết, quan hệ giữa công ty điện lực và doanh nghiệp là quan hệ dân sự – kinh tế, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, nên việc ngừng cung cấp điện còn phụ thuộc vào nội dung hợp đồng ký kết của các bên. Do đó, để biện pháp này thực sự phát huy được hiệu quả cao, cần thiết phải hợp thức hóa biện pháp trên thành quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

ÁI VÂN

Nguồn: SGGP, 4/9/2009

Lượt xem: 1751

Các tin khác

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE