1.Huế trong Mưa. Thừa Thiên - Huế là vùng có lượng mưa trung bình trong năm cao nhất nước (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Trung bình mỗi năm ở vùng núi có từ 200-220 ngày mưa, ở đồng bằng có 150-170 ngày mưa. Có tháng mưa đến 24 ngày. Vùng núi Bạch Mã - Hải Vân là một trong không nhiều trung tâm mưa của nước ta (hơn 4.000mm/năm). Riêng năm 1980, ở Bạch Mã mưa đến 8.664mm (bằng lượng mưa trung bình ba năm cộng lại). Mưa Huế cũng vào loại dữ dội nhất, lượng mưa lớn nhất trong ngày khoảng 970mm (năm 1999), vượt khá xa so với lượng mưa 770mm/ngày vốn là tham số để thiết kế các công trình xây dựng. Cá biệt chỉ trong 24 giờ (từ 6h ngày 2 đến 6h ngày 3-11-1999), lượng mưa tại Truồi (huyện Phú Lộc) đã lên đến 1.630mm, bằng lượng mưa trong gần 8 tháng của Thừa Thiên - Huế hoặc lượng mưa 2 năm của tỉnh Ninh Thuận, gây nên trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với mưa xối xả, kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 và trở thành mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là cuối tháng 10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia. Mùa đông năm 2007 có đến 43 ngày không thấy mặt trời. Mưa mùa đông ở Huế không thành cơn, không sấm chớp, đều đều, đều đều,… như tằm ăn lá dâu suốt ngày đêm không dứt. Người Huế đã thuộc lòng hai câu thơ “Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông” (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là (Huế) biến thành mùa đông). Mưa xứ Huế chắc chắn phải hiện diện đâu đó trong phong cách Huế, điều mà ít ai nói đến.
2. Mưa trong Huế. Những cơn mưa dầm dề kéo dài cả tháng trong mùa đông khiến thời gian như dài ra bất tận. Và không ít người Huế dường như chẳng việc gì phải vội vàng, mà sống trong mưa vội vàng cũng không được. Ăn chậm, đi chậm, làm chậm và nói cũng từ tốn một cách chậm rãi dường như là phong thái phổ biến ở Huế - hay chí ít cũng là cảm nhận của người vùng khác về phong cách Huế. Có lẽ vì quen sống chậm nên người Huế sâu sắc hơn trong cách nghĩ, cẩn trọng hơn trong việc làm.Khi ăn, nhiều người Huế thường ăn nhẩn nha, như đang thưởng thức hương vị của đất trời sông biển trong từng cọng rau, từng miếng ớt. Họ hay ngồi nhấm nháp từ từ từng giọt café, trong làn điệu của ca khúc Trịnh Công Sơn, trong tiếng mưa rơi,… Nhiều người Huế cẩn trọng trong mỗi hành vi, lời nói, cách ứng xử, từ từ trong công việc, từ từ trong suy nghĩ, trong nhớ nhưng và cả trong…nỗi buồn riêng. Nhiều người Huế dễ bỏ qua nhưng rất khó quên, có lẽ vì cái gì chậm cũng sâu sắc hơn và khó phai mờ. Những người Huế thích cuộc sống hoạt động thường đã vô Nam lập nghiệp. Huế chọn lọc ngững người ưa trầm tư ở lại với đất Thần Kinh (trong ngôn ngữ Huế, Thần Kinh là Cố Đô), có sông Hương núi Ngự, nhiều lăng tẩm chùa chiền, rất nhiều quy định nghiêm ngặt về phong tục tập quán, và tất nhiên có rất nhiều…mưa.
Sợi gió nhè nhẹ trên sông Hương, màn mưa nhè nhẹ trên phố vắng, bước đi nhè nhẹ của thiếu nữ, lời ru nhè nhẹ của bà mạ (mẹ), và nụ hôn Huế hình như cũng…nhè nhẹ, chầm chậm (?) Phong cách Huế hình thành từ hội nhập và thăng hoa đủ nguồn gốc: từ thừa kế phong cách Mệ ( Melia - quý tộc) Chămpa, phong cách Thăng Long xưa, đến phong cách Cố đô mấy trăm năm. Nhưng chắc chắn còn là phong cách thích nghi riêng với vùng sinh thái mưa đặc trưng của Huế. Năm nay Tết đã về mà Huế vẫn còn mưa. Nhiều người Huế có lẽ chán mưa và ghét mưa, nhưng thật lạ, dù ở bất cứ nơi nào, mỗi khi trời mưa, tôi lại nhớ Huế. Nhiều thi phẩm hay ca khúc về Huế cũng thường có mưa rơi trong đó. Các thi phẩm, ca khúc có mưa của Huế răng chi lạ mà theo tôi suốt thời gian tuổi trẻ cho đến chừ, khi viết lại những dòng này. Nhiều người liên kết mưa với phong cách Huế, nhưng có lẽ chính là gắn kết Huế với lòng mình. Lạ rứa.
Ngày xưa mưa Huế
Mong người về lại ngày xưa
Mong người về lại chiều mưa giăng mùng
Người đi xa mãi không cùng
Chân đi một bước ngàn trùng chia phôi.
Ngày xưa trong trái tim tôi
Ngày xưa trong chiếc lá rơi chiều vàng
Ngày xưa trong bước lang thang
Ngày xưa trong mảnh sương giăng bến già
Bao lần Bến Ngự tôi qua
Bao lần Đập Đá nhạt nhòa nước dâng
Bao lần Thành Nội bâng khuâng
Bao lần Vọng Cảnh mà không gặp người…
Ngày xưa tôi lượm lá rơi
Bây chừ tôi lượm hồn tôi một mình.