quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Miền ảo

Chủ Nhật, 06/02/2011 | 03:55:00 PM

Được sự uỷ nhiệm của tác giả - Thiền sư Lieuru, VACNE đăng bài Tản văn có tiêu đề rất lạ: “Miền ảo” để bạn đọc tham khảo.



 

Dr. Cà xáy VACNE

 

 

Là Thiền sư nhưng chưa bao giờ xuất gia, vì vậy nếu giọng điệu của lão nạp trong tản văn này mang sắc thái Thiền thì đó là sắc thái Thiền học, chứ không phải là giọng Thiền Môn Phật giáo, mong bạn đọc thông hiểu giúp. Lão Nạp có mặt khắp Bắc Bán cầu, nhất là xứ lạnh. Lão nạp không phải là phái nữ và cũng chẵng bao giờ là liễu yếu đào tơ, lại chẳng bao giờ là biểu tượng của buồn bã chia ly. Quan niệm như thế khiến lão nạp thấy bất bình cả ngàn năm rồi. Tựu trung là do nhóm người có nghề làm thơ (họ tự gọi là thi nhân hay thi sĩ gì đó) nghĩ ra mà thôi.

 

Lão nạp không bao giờ là cái nỗi buồn và sự chia ly

 




Có lẽ nhìn ngoài lão nạp có dáng mảnh mai lả lướt, mùa đông lá rụng trơ cành. Cành mảnh mai lả lướt trong gió lạnh nên mấy thi nhân vốn cũng mảnh mai lả lướt nhưng không chịu nhận mình là mảnh mai lả lướt nên đã gán cho lão nạp là biểu tượng của chia ly và buồn bã làm lây sang họ. Và để cho sự gán ghép đó là có sức thuyết phục, họ còn luôn luôn coi lão nạp là phái nữ, chính xác hơn là các cô nương trong tuổi cập kê mà họ mê…mẩn thôi (chưa thấy thi nhân nào gán cho lão nạp là bà già hay mấy con bé nhãi ranh còn tranh ăn với em). Giới Đường Thi (chuyên làm thơ Đường) còn gán cho lão nạp là biểu tượng của chia ly nên “Thấy liễu xanh tươi mà chẳng dám nhìn” (!). Lão nạp xin trích vài câu mà giới thi nhân coi là đệ nhất thi phẩm:

Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu, Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương, Quân đưa chàng ruổi lên đường, Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?...Oán sầu nhiều nỗi tơi bời - Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân (Chinh phụ ngâm)

 

 

 

Trường An mạch thương vô cùng thụ - Duy hữu thùy dương quản biệt ly (Trường An cây cỏ khắp nơi, Duy nhành liễu rủ nói lời biệt ly -  Dương Liễu chi, Lưu Thuấn Vũ)   

Liễu điều lộng sắc bất nhẫn kiến (Thấy liễu xanh chẳng dám nhìn - Cao Thích )


Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng, Đây mùa thu tới – mùa thu tới, Với áo mơ phai dệt lá vàng (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)

 

Nằm gắng cũng không thành mộng được, Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi ! Nghìn trùng bóng Liễu kia xanh ngắt, Cảnh sắp về Đông, mắt lệ vơi (Buồn Thu – Hàn Mặc Tử)

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu, Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu, Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc, Hối giao phu tế mịch phong hầu (Thiếu phụ phòng khuê chửa biết sầu, Ngày xuân ngừng trang điểm lên lầu, Chợt thấy đầu đường dương liễu thắm, Hận để chồng đi kiếm công hầu - Khuê oán, Vương Xương Linh)

 

 

Trung Quốc có tục lệ  người ở lại bẻ cành liễu tặng người ra đi để thể hiện sự nhớ thương, từ đó mà có triết lí "chiết dương liễu (bẻ cành liễu) " để nói lên sự chia ly. Có lẽ từ đó mà các thi nhân nước Việt ta cũng bắt chước kiểu sầu bi khi ngắm…liễu chăng?

 

Thực ra cái buồn bã, cái sầu bi, cái chia ly, cái hợp tan, cái đơn côi,…chính là của con người chứ đâu phải của lão nạp? Họ không hiểu được triết lý sống cao siêu của lão nạp: tưởng buồn mà vui, buồn chính là vui, vui chính là buồn, chẳng vui chẳng buồn, vì lão nạp suốt đòi chỉ là lão nạp tự nhiên như nhiên vậy thôi. Con người có thói quen tưởng tượng ra cái gì thì gán cho thiên nhiên cái đó, rồi ứng xử với thiên nhiên theo cái cách mà họ nghĩ. Chuyện này không chỉ là chuyện của loài liễu. Họ gán cho sói là gian ác, cáo già là mưu mô, chim lợn là báo hiệu của chết chóc, cho cú mèo là xoi mói nên họ đổi là cú…vọ, quạ thì được gọi là mụ quạ đanh đá lắm mồm; trong khi đó họ gọi một cách trìu mến những “chàng” hươu, “chị” thỏ bông, “bác” trâu thông thái, “nàng” nai với đôi mắt to diễm kiều ngơ ngác,…Thế giới của con người đúng là thế giới… ảo. Vì rằng các loài sinh ra là có duyên cớ, và chẳng loài nào có vị thế hơn loài nào. Đã vậy họ còn dạy các thế hệ con cái thứ tư duy …ảo đó, làm cho loài người bây giờ chỉ toàn nghe…ảo và nhìn …ảo thôi. Từ đó họ đối xử với tự nhiên cũng theo phong cách ảo của họ: thấy là bắt, giết, đốt, chặt, hoặc…đánh chén!

 

 

Lão nạp chưa bao giờ yếu ớt 

 

Muốn cứng phải mềm, muốn mạnh phải yếu. Mùa đông tuyết phủ, băng tuyết trĩu cành. Các cành tùng, cành thông gãy răng rắc. nhưng với lão nạp, băng tuyết phủ đầy cành nhưng vì cành mềm nên cứ trôi tuột đi, có bao giờ liễu gãy vì băng tuyết đâu? Vào mùa mưa bão, có bao giờ quý vị thấy cây liễu nào bị bật gốc chưa? Hay chỉ thấy đủ mọi loài cây hùng tráng bị bão quật ngã lăn lóc? Liễu lão nạp tuy trông dáng có vẻ yếu mềm nhưng bù lại có bộ rễ rất khỏe và thân cành rất dai. Ngày trước, có tráng sĩ quên roi ngựa đã vội bẻ cành liễu làm roi, nhưng khi nhìn kĩ thấy là cành liễu lại vứt đi. “Thượng mã bất tróc tiên, Phản ảo dương liễu chi, Hạ mã xuy hoạch định, Sầu sát hành khách nhi’ (Lên ngựa quên roi, Quay lại bẻ cành dương liễu, Xuống ngựa thổi sáo, Mối sầu như giết chết khách đi đường - Vương Chi Hoán ).

Vậy thế nào là yếu / khỏe? Khỏe chính là yếu, yếu chính là khỏe, yếu chẳng phải khỏe, khỏe không phải yếu. Cần yếu thì yếu, cần khỏe khắc khỏe. Triết lí này không chỉ đúng với loài liễu đâu nhé! Và những vị độc giả nào chưa ngộ Thiền chắc khó hiểu – nhưng tại sao lại khó hiểu cái điều rất… khó hiểu như vậy? Nhìn ảo thì mới khó hiểu! Cái nhìn Thiền rất dễ hiểu vì thực ra chỉ là cái nhìn không …ảo mà thôi. Hãy coi thiên nhiên là cái gì đúng là nó, thế là đủ Thiền rồi. Cái nhìn Thiền khác hẳn cái nhìn ảo của đa số loài người, thế giới loài người vì vậy được lão nạp gọi là “miền ảo”.

 

Chú thích về tác giả của VACNE:

 

Tác giả -  Lieuru tức Liễu Rủ. Liễu (Salix), là một chi thực vật thân gỗ khoảng 400 loài, phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu. Loài phổ biến nhất ở Đông Á là Thùy liễu (hay Liễu rủ) Salix babylonica. Liễu rủ là loài cây gỗ có cành mảnh mai, nhưng rất dẻo nên chịu gió tốt. Liễu rủ rụng lá theo mùa, khi rụng lá, cành liễu buông thõng như những sợi tơ buông mành, phất phơ trước gió.  Liễu rủ vốn có nguồn gốc ở Trung Á, sau đó lan tỏa đến Trung Đông, mọc nhiều ở vùng Lưỡng Hà (lưu vực 2 con sông Tigris và Euphrates), thuộc Babylon cũ. Nhà Thực vật học Thụy Điển C. V. Linnaeus năm 1753 vì thế đã đặt tên cho liễu rủ là "babylonica". Cũng từ đó liễu rủ còn có tên tiếng Anh là Babylon weeping willow (Liễu rủ Babylon), gọn là weeping willow (Liễu rủ). Người Pháp thì gọi là Saule de Babylone (Liễu Babylon) hay Saule Pleureur (Liễu khóc), người Tây Ban Nha gọi là Sauce de Babilonia (Liễu Babylon), người Trung Quốc và Việt nam gọi là Liễu (dương liễu, thùy liều),... Các loài liễu rất dễ lai ghép với nhau tạo ra hàng loạt các giống lai xanh tốt, cả trong tự nhiên lẫn gieo trồng. Ví dụ cây liễu lai (Salix × sepulcralis), một “loài” cây cảnh đẹp, phổ biến, là giống cây lai ghép giữa thùy liễu (salix babylonica) với liễu trắng châu Âu (Salix alba). 

 

Gỗ liễu mềm, dai nhưng dễ uốn, các cành mảnh dẻ. Thân tất cả các loài Liễu đều chứa nhiều nước, vì liễu là thực vật ưa nước. Bộ rễ của liễu lớn, dài, sống dai, chịu được ngập nước, thích hợp cho cây sống ven bờ sông, bờ hồ, đất ẩm, thậm chí chịu ngập nước một thời gian dài trong năm. Do đó liễu được sử dụng trong trồng rừng trên đất lầy, có khẳ năng làm khô đất lầy, tạo ra bộ lọc sinh học tại các hệ thống xử lý nước thải, cải tạo và phục hồi đất, tạo cảnh quan, kiểm soát xói mòn đất, tạo hàng cây chắn gió và chắn lũ, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã v.v. Liễu còn là nguồn cung cấp gỗ củi và các sản phẩm từ gỗ, sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhưng hơn tất thảy, liễu rủ là cây cảnh rất đẹp, nhất là trồng ven hồ./.

 


 

 

Lượt xem: 3976

Các tin khác

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE