quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Mai này sếu về đâu...

Thứ Ba, 08/03/2011 | 06:57:00 AM

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vũ bần thần: “Cảnh quan và môi trường sống của đàn sếu tại đây (khu Ba Hòn, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã bị phá vỡ hoàn toàn. Những điệu nhảy, những cánh sếu bay ngày xưa nay đã thành dĩ vãng”.

 

ĐỨC TUYÊN

 

Môi trường sống của sếu đầu đỏ ngày càng bị bàn tay con người xâm hại. Số lượng sếu về các bãi ăn ngủ quen thuộc tại Kiên Giang ngày càng ít đi.

Theo thống kê của Hội Sếu quốc tế, năm 2009 có 321 con sếu đầu đỏ về các bãi năn tại Kiên Giang; năm 2010 giảm xuống chỉ còn 134 con và tới thời điểm cuối tháng 2-2011, số lượng sếu đầu đỏ tại đây chỉ có 30 con.

Nỗi lòng người nghệ sĩ nhiếp ảnh

Trong hai ngày cuối tháng 2, chúng tôi thâm nhập những bãi ăn ngủ quen thuộc của sếu đầu đỏ như Ba Hòn, Trại Giam, Núi Mây, Lung Lớn, Kênh Thời Trang, đồng cỏ bàng Phú Mỹ, bãi sếu ngủ tại khu phố 5 (phường Đông Hồ, Hà Tiên)... ở tỉnh Kiên Giang nhưng đã không “chộp” được hình ảnh của bất cứ con sếu nào.

Có chăng chỉ là những đàn sếu bay qua đầu chúng tôi, tít trên nền trời xanh rồi quang quác mất hút phía biên giới Campuchia chứ không hạ cánh xuống những đồng cỏ năn quen thuộc như những năm trước.

Cùng đi với chúng tôi, một người con của đất Kiên Giang - nhà báo, nhiếp ảnh gia Trương Vũ - buồn buồn nói: “Những bãi ăn, ngủ của sếu đang mất dần”.

Chỉ tay về đồng cỏ năn bãi sếu ăn ngủ ngày xưa tại khu Ba Hòn nhưng nay đã bị Công ty ximăng Holcim khoét sâu hoắm thành những lung, ao, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vũ nhớ lại: “Ngay tại nơi đây tôi đã chụp được bức Xuân về - bức ảnh sếu đầu đỏ đang ăn, đùa giỡn thanh bình. Chính bức ảnh ấy đã đem lại cho tôi huy chương vàng cuộc thi ảnh quốc tế tại Mỹ năm 2010, giải xuất sắc quốc gia năm 2005 và bức ảnh đã được triển lãm tại hơn 10 quốc gia trên thế giới. Điều đặc biệt là cũng chính tại bãi này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Nhã và chị Kim Anh đã có được những bức ảnh sếu để đời mang lại những giải thưởng lớn...”.

Chúng ta từng tự hào trên một số miền đất của Tổ quốc có loài sếu đầu đỏ - sứ giả của môi trường, với những vũ điệu tượng trưng sự thịnh vượng, an bình của tự nhiên - kéo về sinh sống. Thế nhưng những đàn sếu dần ra đi, số lượng sếu về Việt Nam năm sau luôn thấp hơn năm trước bởi môi trường sống của chúng đang bị chính chúng ta đánh cắp.

Ông Danh Hiền, một người dân chuyên đếm sếu tại huyện Kiên Lương, sau bao năm say sưa với những vũ điệu, cánh sếu chao nghiêng, nay cũng thổn thức: “Sếu đầu đỏ về vùng đất Kiên Lương ngày càng ít. Ngày này những năm trước, sếu về các nghệ sĩ nhiếp ảnh vác máy vô đồng năn vui lắm nhưng năm nay sếu chỉ về lẻ tẻ vài con, cảnh xưa đã mất”.

Môi trường lên tiếng

TS Trần Triết, đại diện Hội Sếu quốc tế khu vực Đông Nam Á, cho biết từ năm 2000 trở về trước, với nhiều khu vực đất ngập nước tự nhiên, nơi sinh sống của đàn sếu tại Kiên Lương được bảo vệ tốt trong rừng phòng hộ. Nhưng đến năm 2004, 3.000ha đất tại đây đã bị chuyển đổi thành đất nuôi tôm.

Hai năm sau đó, 5.000ha đất tại rừng phòng hộ Kiên Lương tiếp tục bị chuyển thành đất nông nghiệp. Nay khoảng 2.000ha đất tiếp tục được giao cho Công ty ximăng Holcim khai thác... Đất sống của sếu đầu đỏ đang mất dần và sếu không về nữa chính là lời cảnh báo việc chúng ta đang xâm hại nghiêm trọng môi trường tự nhiên.

Tương tự, tại đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang), bàn tay con người tiếp tục xâm hại môi trường sống của đàn sếu đầu đỏ. Một số hộ dân vẫn vào đây canh tác lúa.

“Có người giăng cả dàn dây mắc lưỡi câu để bẫy chim trời. Điều này rất nguy hiểm một khi đàn sếu lọt vào dàn bẫy này” - anh Hà Trí Cao, điều phối viên Ban quản lý đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Hội Sếu quốc tế), nói.

Sống được với thiên nhiên

Dự án đồng cỏ bàng Phú Mỹ đã đào tạo nghề cho hơn 500 nhân công là bà con nông dân, sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp từ cỏ bàng để xuất khẩu, tạo thu nhập mỗi người dân 1,2-3,4 triệu đồng/tháng; bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ và rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60ha và trồng mới 20ha cỏ bàng.

Theo anh Hà Trí Cao, trước hôm chúng tôi đến mấy bữa có 9-10 con sếu đầu đỏ về ăn tại đồng cỏ bàng Phú Mỹ. Thế nhưng dù chúng tôi núp tại đồng cỏ bàng cả một ngày cũng không thấy bóng dáng đàn sếu.

Ngoài ra, một trong những bãi ngủ quan trọng của đàn sếu đầu đỏ rộng 120ha tại ấp Vàm Hàng, phường Đông Hồ, thị trấn Hà Tiên (Kiên Giang) nằm trong dự án khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ đang có nguy cơ biến thành những vuông tôm.

Ngày 13-5-2010, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam đã có chỉ đạo chấp thuận chủ trương cho thành lập dự án khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ.

Thế nhưng ngày 10-12-2010, UBND tỉnh Kiên Giang lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nuôi tôm công nghiệp của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá granite Tài Phong (Công ty Tài Phong).

Dự án này “nuốt trọn” bãi ngủ của sếu đầu đỏ tại ấp Vàm Hàng, phường Đông Hồ nằm trong dự án khu bảo tồn thiên nhiên Phú Mỹ đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận cho thành lập trước đó!

“Nếu bãi ngủ này tiếp tục bị phá hủy do hoạt động nuôi tôm của Công ty Tài Phong, có thể nói số lượng sếu về Kiên Giang và cả nước Việt Nam nói chung sẽ rất bi quan” - TS Trần Triết nói.

Ông cũng khẩn thiết đề nghị: “Vì sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Kiên Giang và của cả nước, chúng tôi kính mong các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang xem xét lại việc này”.



(TTO, 7/3/2011)

Lượt xem: 1528

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE