Chuyện của nhóm này thì đủ thứ, gọi là thượng vàng hạ cám cũng chưa hết ý.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Cái nhóm bạn môi trường này quen nhau từ hàng chục năm nay. Chẳng còn chuyện gì họ không kể cho nhau nghe. Từ chuyện công việc đến chuyện gia đình, bản thân. Bọn tôi cũng toàn gọi nhau bằng tên lóng những lúc vui vẻ. Thôi thì đủ cả. Bố già, Anh béo Chị gầy, Anh rậm râu Chị sâu mắt. Đặc biệt khi ăn bọn tôi hay đố nhau nhất. Nhiều lần chúng tôi đố nhau về các đặc điểm của tự nhiên, của môi trường, của dân tộc. Khu vực ASEAN có rất nhiều điểm tương đồng, và có lẽ vì thế mà nhóm chúng tôi cứ tự nhiên ngày càng trở nên thân thiết. Không tin cứ thử hát một bài dân ca xem; chỉ cần một hai lần là cả nhóm ư ử theo được ngay. Múa cũng vậy. Những đêm chia tay thường là những đêm chúng tôi thức trắng, hát karaoke và múa nhảy, chuyện trò cùng nhau. Thế nhưng có một vấn đề mà phải qua hàng chục lần thảo luận, chúng tôi mới tạm thống nhất được với nhau, đó là, hãy tìm ra 3 điểm khác biệt hàng đầu của các quốc gia trong khu vực với điều kiện là cùng lắm chỉ có 2 nước có thể trùng nhau. Phải tranh luận rất nhiều, vận dụng đủ loại tri thức, kiến thức, thủ thuật, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường, chúng tôi mới tạm thống nhất. Ba khác biệt loại đó là: quần áo dân tộc, đặc biệt là quần áo nữ giới, món ăn dân tộc và tên gọi của nam giới. Rõ ràng là hai khác biệt trên liên quan đến môi trường. Càng ngẫm, càng thấy lạ, nhưng hết lý lẽ tranh luận rồi, đành chấp nhận.
Chuyện của nhóm này thì đủ thứ, gọi là thượng vàng hạ cám cũng chưa hết ý. Nhưng dù có bắt đầu thế nào thì cũng kết lại ở môi trường. Cứ như thể vũ trụ bao la này chung quy cũng chỉ là môi trường thôi. Nhìn thấy cái gì bên đường là có chuyện đó. Ở nước tôi thế này, ở nước tôi thế kia, rồi tranh luận, rồi tranh luận nữa để rồi lại kết về môi trường. Chẳng hạn như chuyện rác sau đây của chúng tôi.
Anh bạn Philippin trầm ngâm sau khi đi tham quan bãi rác của thành phố Hải Phòng. Nói là thăm quan cho oai, chứ đi vào giữa những khối rác xếp chồng cao quá đầu người, vừa ghê ghê vừa bịt mũi, muốn ra cho nhanh. Anh bạn Phi chia xẻ: 7 trên 9 bãi rác chính của Manila đã đầy ắp, sắp phải đóng cửa. Việc đó làm thất nghiệp hàng chục nghìn người, đúng vậy. Nhưng khi được hỏi, bẩy mươi phần trăm số người được hỏi lại không muốn có bãi rác mới sẽ nằm trong địa phận cư trú của mình. Thế đã có cách gì khắc phục chưa? Anh bạn Phi trả lời:
- Có đấy. Cách đây vài năm, Philippin đã tiến hành một Chiến lược quản lý rác thải tổng hợp. Đại loại là quản lý từ khâu phân loại đến vận chuyển và xử lý. Xa hơn về phía trước là giảm thiểu rác thải, là sản xuất sạch hơn, là tái sử dụng rác, là tái chế. Và,….. nói như nhấn mạnh, đặc biệt là phải huy động được lực lượng người dân tham gia vào mọi khâu của quá trình này.
- Hay quá ! Anh bạn Singh Singapore vỗ tay tán thưởng. Anh này ít khi tỏ thái độ hoan nghênh ý kiến của một đồng nghiệp ASEAN nào. Hình như đấy cũng là cách cư sử của nhiều người thuộc xứ sở giàu có này. Nhưng có gì lạ đây, hãy nghe Singh nói tiếp:
- Bên tôi, bốn lò đốt rác hiện đại làm việc liên tục ngày đêm, thiêu trụi mọi rác rưởi. Nhưng phải nói là, nếu cứ thoải mái xả rác như thế kia (Singh vừa nói vừa chỉ tay ra hai hè phố la liệt các cửa hàng, gánh hàng ăn uống các loại) thì có thêm vài lò đốt rác nữa cũng không đủ. Từ khi việc quản lý hè phố chuyển về Bộ Môi trường, Singapor đã có một cuộc cách mạng thực sự về hàng rong. Từ đó, vấn đề vệ sinh đường phố mới được giải quyết về cơ bản. Singapore mới có môi trường lý tưởng như hiện nay. Singh cao giọng kết luận.
Nhưng câu khẳng định này lại châm ngòi cho câu chuyện dài chưa biết đến lúc nào mới có hồi kết. Số là, trong khi người Singapore và nhiều người cho rằng môi trường của đất nước Sư tử là tuyệt vời, là tấm gương cho các nước, thì không ít người không đồng tình. Singapore có nhiều điều đáng để các nước noi theo, nhưng về môi trường thì không hẳn. Tôi cũng thuộc số không ít người này. Thường thì Việt Nam, Brunay, Malaixia hay phản ứng với niềm tự hào kia vì cái môi trường nhân tạo mà họ dựng lên và vì cái cách quá hà khắc mà họ quản lý. Không thể hình dung được là các nước khác cũng theo cách “nhân tạo hóa” môi trường, tiêu diệt gần hết những gì tự nhiên đã tạo ra bằng những gì mình muốn, thì trái đất sẽ ra sao, đa dạng sinh học sẽ thế nào. Tôi có nêu ví dụ về cách xây dựng các Làng sinh thái ở Việt Nam của Viện Kinh tế Sinh thái. Các Làng Sinh thái được tiến hành ở các hệ sinh thái nhạy cảm, kém bền vững bằng cách tổ chức lại cho bớt nhạy cảm, nhưng bền vững hơn. Vậy mà còn có người chưa hài lòng. Làm sao nói chuyện cả đất nước bị đảo lộn như vậy. Nhiều lần các bạn Singapore viện cớ do diện tích quá nhỏ, liền bị mọi người lấy dẫn chứng Brunay và nhiều thành phố tương đương diện tích như Singapore, nhưng đâu có làm như vậy. Câu chuyện căng dần lên thì lại có người phải gỡ thôi. Chủ nhà thường phải can thiệp.
Cũng may, xe đã qua thành phố. Cảnh quan bên đường lại bắt đầu thu hút mọi người hơn là chí chóe, châm chọc nhau. Rời bến tàu, xe chúng tôi xuôi về Hà Nội. Đã khá muộn, nhưng mặt trời vẫn còn cao, và khó chịu nhất là khối cầu lửa rực đỏ đó chiếu thẳng vào mặt chúng tôi.
Đã bao nhiêu lần tôi thầm trách những người xây dựng con đường, nhưng rồi lại tự trách mình. Ấy là vì vào ngày nghỉ, nếu sáng ra ta đi ra phía biển, và khi ngày nghỉ hết, chiều ta lại ra về, cả sáng lẫn chiều ta đều bị mặt trời chiếu thẳng vào mặt. Ở đâu cũng thế, Hà Nội – Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu, ở Nha Trang, ở Đà Nẵng. Được chút bờ biển phía Hà Tiên thì lại không cần, vì phía đó ra biển theo hướng Bắc – Nam. Thiên nhiên công bằng lắm. Ta được nhiều cái ưu ái thì cũng sẽ phải chịu lắm tai ương. Cả xe im lặng. Không biết mọi người nghĩ thế nào về hai ngày qua. Xe đi trong đường phố Hải Phòng rất khó chịu. Người đất cảng cứ đi ở giữa đường như ở nhà mình. Càng còi to họ càng như không nghe thấy. Quen rồi thì cố im đi, nhưng các bạn ASEAN thì ngạc nhiên lắm. Ở bên Lào, xe đi trong thành phố mà bóp còi là vi phạm pháp luật, bị phạt rất nặng. Tôi cũng ngượng, đấy là chưa kể khi nhìn thấy những điều ngang tai trái mắt khác bên đường. Xe ra khỏi thành phố, tôi muốn xóa đi không khí oi bức và những cảnh khó chịu vửa rồi nên đã đặt câu đố. Đố là, khoảng 5km nữa liệu có mưa không. Giôn cười. Con cáo già này biết đấy. Tất nhiên chẳng ai ngốc gì lại nói có trong cái buổi chiều oi ả này. Thế mà tôi là thằng ngốc, tôi bảo có. Và mưa thật, tuy rất mỏng. Trừ tôi và Giôn, tất cả đều ngạc nhiên. Tôi phải vận dụng kiến thức khí tượng, địa hình địa mạo ra để giải thích hiện tượng này. Đó là một đai cách biển khoảng 15-25km thường xuyên có mưa phùn, mưa bụi, mặc dù từ Hà Nội tới hoặc từ biển lên chẳng gặp giọt mưa nào. Cây cối ở đai này cũng như xanh tốt hơn.
Mọi người ậm ừ cho qua chuyện, nhưng tôi đạt được mục đích. Không khí vui vẻ trở lại. Xa xa phía trước, Hà Nội đã thấp thoáng./.