quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Kiêng kỵ văn hóa

Thứ Sáu, 31/12/2010 | 11:35:00 PM

Shamar kể rằng, ở Ấn Độ, nhờ có kiêng kỵ văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường, cụ thể là bảo vệ động vật rất dễ được người dân tiếp nhận, làm theo.

 Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên tôi làm quen với tiến sỹ Shamar, người Ấn Độ trong một cuộc họp ở Bangkok. Tất nhiên là cuộc họp về môi trường rồi. Shamar chủ động tìm tôi trong giờ nghỉ giữa buổi. Ông cho tôi xem cuốn dự thảo Chiến lược Môi trường Việt Nam, hỏi có phải tên tôi đứng thứ 3 trong danh sách tác giả không. Tôi bảo phải. Tài liệu này như có lần Tản Mạn đã đưa tin, do Jonh, người Anh chỉ đạo, nhóm tác giả Việt Nam trong đó có tôi soạn thảo. Tài liệu được xuất bản bằng tiếng Anh trước, do một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ tài trợ. Đấy là lý do tại sao Shamar có cuốn này. Hơn 2 năm sau, bản tiếng Việt mới được Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.
Shamar khen quyển sách, nhưng đó chỉ là cái cớ để phê phán thôi. Một trong các ý không hài lòng chính của ông là việc cuốn sách không có một từ nào nói về những kiêng kỵ văn hóa mà là một nước Châu Á, lẽ ra dự thảo chiến lược phải đề cập. Nghe mãi mới lờ mờ hiểu thuật ngữ kiêng kỵ văn hóa. Nhưng rồi cũng quên đi. Đến khi có việc mới nhớ ra và tìm cách mời Shamar sang Việt Nam trao đổi tiếp.




Gia đình đông con, Shamar cố học cho thành tài. Học trong nước thôi, vì kinh phí eo hẹp. Hơn người về trí thông minh và giỏi tiếng Anh, dần dần ông tìm được vị trí công tác ở một tổ chức nước ngoài. Đỉnh cao là 3 nhiệm kỳ liên tiếp (6 năm) ở ESCAP (Tổ chức/ Ủy hội kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương).
Ông sắc sảo, hòa nhập, tiếng Anh rất dễ nghe, không như nhiều người Ấn Độ khác, nói thì như gió, nhưng ít hiểu được chính xác họ nói về chuyện gì. Sau ESCAP, Shamar được Bộ Môi trường Philipin mời về làm cố vấn môi trường cho Bộ trưởng. Được một căn nhà nhỏ, có một người phục vụ. Ông ở vậy, nhất định không chịu lấy vợ. Chẳng bao giờ tôi hiểu được phụ nữ, lúc này là phụ nữ Ấn Độ, Thái Lan, Philipin, vì 1 người như Shamar mà không phụ nữ nào chịu lấy. Lạ thật. Thế là ông chơi với 1 đàn chó, 7 con. Tại sao lại là 7, tôi hỏi. Shamar bảo muốn hiểu thế nào thì hiểu. Khi sang Việt Nam, ông thích lắm. Chỉ một tuần, ông xin gặp cấp cao 2 lần. Lần nào cũng nói về kiêng kỵ văn hóa, và ở lần thứ 2, ông nói muốn sang Việt Nam làm việc. Ông coi Việt Nam là quê hương thứ 2. Tôi nhớ là, trước ông, đã có một chuyên gia người Trung Đông nhắc đi nhắc lại với 1 vị cấp cao là anh ta coi Việt Nam là quê hương thứ 2. Cả 2 trường hợp này đều làm khó cho cấp trên. Sau đó, tôi hỏi xem Shamar yêu cầu gì. Ông nói không cần gì cả, chỉ cần 1 cái giường để ngủ, mấy bữa ăn trong ngày là đủ rồi. Việc gì cũng làm được, không cần lương bổng, đãi ngộ gì. Nghe mà não ruột. Sau này tôi biết đó là một dạng tình nguyện viên. Tôi làm gì được mặc dù muốn lắm. Có được một người thầy như Shamar thì còn gì bằng. Tôi tìm cách để có, và có thật. Nhưng là một người Hà Lan vì liên quan đến nhà tài trợ. Chuyện này nói sau.
Nhớ lại buổi trò chuyện đầu tiên, để dễ hiểu, Shamar kể rằng, ở Ấn Độ, nhờ có kiêng kỵ văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường, cụ thể là bảo vệ động vật rất dễ được người dân tiếp nhận, làm theo. Ở Ấn Độ chẳng hạn (Ấn Độ là châu Á mà), các chú bò luôn là thượng khách. Các chú cứ đàng hoàng kéo đàn kéo lũ trên đường, đứng giữa quảng trường thành phố. Các ông tài hung dữ là thế mà đành dừng xe, khoang tay ngồi chờ các chú vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa thủng thỉnh đi qua đường, đuôi vung tít mù chẳng sợ ai. Thế là, cần bảo vệ loài nào, người Ấn Độ khéo léo vận dụng thói quen này, gọi là kiêng kỵ văn hóa của cộng đồng làm giải pháp, không ít khi là giải pháp chính hiệu quả cao. Nghe vậy, tôi phản ứng ngay đâu chỉ là của châu Á. Bên Úc Kanguru (chuột túi) nhảy choi choi hàng đàn trong vườn, đuổi nhau chí chóe ngoài đường phố, xa lộ. Liệu đấy có phải kiêng kỵ văn hóa không. Còn ở châu Âu, châu Mỹ, nếu ngồi chơi công viên xòe tay rắc mấy mẩu bánh mỳ là chim bồ câu bâu đến, mổ luôn, có ngại gì đâu. Liệu đấy cũng có phải là do kiêng kỵ văn hóa không. Còn ở Việt Nam tôi, kể ra cũng có đấy, nhưng thế nào ấy. Chẳng hạn làng nọ có thói quen nuôi rắn (có kiêng kỵ văn hóa gì không nhỉ). Nhà nào cũng có một vài con, trông nhà thay chó. Trẻ con đi chơi ngoài đường, đứa nào ít nhất cũng có một con trên tay, 1 con lóp ngóp bò theo. Thế mà chẳng ai sợ, nhất là từ khi làng này lên làng thịt rắn 7 món, rồi 9 món. Nhà nào cũng thành cửa hàng. Hết rắn luôn. Như thế liệu có phải là hết kiêng kỵ văn hóa không? Shamar lại ra sức giải thích cho tôi hiểu.
Nhưng quả thực, những điều kiêng kỵ văn hóa cứ ám ảnh tôi mãi. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cố gắng đưa vào được một số văn bản cần thiết dưới dạng thích hợp. Giữa năm nay, Báo Ảnh Việt Nam nghe phong thanh đâu đó đến hỏi tôi chuyện này. Các phóng viên nghe xong, đăng hẳn 1 bài hoành tráng, 2-3 ảnh minh họa. Nhưng than ôi, khi xem kỹ, họ không nhắc gì tới kiêng kỵ văn hóa cả, mà lại nói chệch sang ý khác. Không trách họ được, vì cả chục năm qua cũng đâu có nhiều người đề cập tới thuật ngữ này. Lại nhớ tới tiến sỹ Shamar.
Gần đây, Cụ Rùa Hồ Gươm lên tiếng trên Tản Mạn Môi trường của Hội. Tôi lại nhớ về Shamar, về những điều kiêng kỵ văn hóa mà ông dạy tôi. Tôi không tin là ở một nước châu Á như Việt Nam những điều kiêng kỵ không còn linh thiêng, mầu nhiệm. Nhưng thực tế thì có vẻ như vậy thật. Cụ Rùa Hồ Gươm (tên khoa học là gì đó, chứ không phải tự đặt mà được đâu) có thể đã bị câu, đã mắc dây điện. Nói vậy, nhiều người cho là không có chứng cứ. Nhưng người ta không thể chối cãi được việc đã làm ô nhiễm nước Hồ Gươm, đã làm hồ ngày càng nông đi, và như vậy là đã xúc phạm nghiêm trọng đến cuộc sống của CỤ rồi. Trong khi ta đang lo ngại vì rùa tai đỏ, một loại ngoại lai xâm lấn nguy hại, thì nó đã nghiễm nhiên trèo lên lưng cụ rồi, có khi đã gặm mai Cụ rồi. Ông Chủ tịch Thành phố yêu cầu phải nhanh chóng bắt hết lũ rùa tai đỏ ở Hồ Gươm đi. Có người đã tình nguyện xin nhận làm việc này. Các nhà khoa học của Hội ta cũng đã lên tiếng.
Cái bọn rùa tai đỏ này chắc chắn không biết nghe lệnh rồi. Cảnh sát môi trường cũng phải chịu thôi. Các biện pháp hóa học, sinh học, nếu có áp dụng được đối với rùa tai đỏ, nhỡ lại làm hại cụ rùa thì sao. Khó thật đấy. Thế là tôi lại miên man nhớ đến Shamar. Ông ta dạy phải dựa vào tập tục dân gian, phải khai thác thói quen của cộng đồng. Nghĩ quanh quẩn, tôi “phát hiện” ra thói quen gần đây của mọi người là hay ầm ầm làm theo nhau, theo tin đồn. Bỏ cả bạc tỷ, bạc triệu ra “chơi” chứng khoán, cứ nghĩ là ngon ăn, khối người hốt bạc. Nghe phong phanh tuyến đường nào sắp mở, là ầm ầm mua đất 2 bên đường. Nghe có cái gì hay ở chỗ này, chỗ nọ là ầm ầm kéo tới. Cũng chẳng cứ cái hay, cả cái dở nữa chứ. Lại nữa, đầu tháng, cuối tháng ăn gì, uống gì cũng có sách, có vở cả đấy. À đúng rồi, chẳng phải có dạo công an bắt được hàng tấn rùa xuất sang nước nọ, nơi có thói quen ăn rùa giải xui cuối tháng là gì.
Bỗng dưng, trong một bữa tối ở cửa hàng ăn xoàng xoàng phố Trần Hưng Đạo, không biết ai đó nói rằng, nếu ăn rùa tai đỏ ở Hồ Gươm thì rất hên. Họ lại nói quý nhất là bộ gan, lớn bé gì cũng được. Rượu ngà ngà say thì có anh bạo mồm bàn rằng, thế nếu ta xã hội hóa việc bắt rùa và ăn thịt rùa tai đỏ Hồ Gươm thì có tốt không. Ừ nhỉ. Ăn rùa tai đỏ Hồ Gươm vừa hên, vừa khỏe. Nếu lại ăn gan thì quá tốt. Ông nào muốn con gái được gái, chị nào muốn con trai được trai. Ăn vào 1 người khỏe 2 người đã vui. Đằng này 2 người cùng khỏe, có mà, … mấy người đều thành điên. Mà cách bắt thì quá dễ rồi, đã có người mách. Một là rùa tai đỏ thích thích phơi nắng, hai là chúng thích ăn nổi, sát mặt nước. Cứ thế mà quảng cáo ào ào đi. Thế là quá tốt, bắt nhanh, đỡ tai họa cho Cụ Rùa. Chén thịt, mọi người được sung sướng. Cái lợi nhân lên gấp mấy lần, lại được cả xã hội hóa thành công nữa. Thế đã phải là kiêng kỵ văn hóa chưa, tiến sỹ Shamar ơi.
Tôi không tin lắm vào giải pháp này. Có người đề nghị là Hội nên phát động việc bảo tồn Con Di sản nữa (vì đã có Cây Di sản rồi). Chắc là có phát động cũng không kịp cứu Cụ Rùa Hồ Gươm đâu, vì còn phải thống nhất tiêu chí, nhất là cách xác định tuổi của các Con Di sản nếu có. Rồi nữa, bây giờ có hàng trăm loài ngoại lai xâm lấn. Có ai dám chắc rằng trong Hồ Gươm không có loài nào trong số đó không có thể gây hại cho Cụ Rùa, ngoài rùa tai đỏ? Chẳng có gì bảo đảm cả. Trong năm có biết bao nhiêu dịp, bao nhiêu lần người ta thả xuống hồ các sinh vật lạ. Ai kiểm soát được đâu. Thế là chuyện xúc bùn đáy Hồ Gươm chưa xong (cả nước ngoài cũng vào cuộc đấy), bây giờ lại chuyện rùa tai đỏ. Vậy mà tôi còn dọa là chưa hết đâu, lại còn giải pháp bí hiểm kiêng kỵ văn hóa. Tôi xin thôi vậy, vì có lần tôi bị mắng là chưa xong môi trường, đã sang biến đổi khí hậu, rồi chưa gì lại giảm nhẹ thiên tai, lắm chuyện.
 
 
 

Lượt xem: 3325

Các tin khác

Cây Di sản ở Lào Cai

(05/02/2025 12:40:PM)

Tứ phương chuyện

(02/02/2025 11:16:PM)

Tết là

(31/01/2025 09:54:AM)

Xuân ấm

(31/01/2025 08:32:AM)

Mùa yêu thương

(30/01/2025 02:54:PM)

Tết

(30/01/2025 11:10:AM)

Ôi PARI

(28/01/2025 03:13:PM)

Thơ Xuân quên

(24/01/2025 06:41:PM)

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE