quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
HỘI THẢO KH

Hoan mạc hóa ở Việt Nam và biến đổi khí hậu

Chủ Nhật, 20/01/2013 | 08:58:00 PM

Báo cáo đề cập đến thực trạng, nguyên nhân của thoái hóa đất và hoang mạc hóa; các giải pháp sống chung với hạn hán và hoang mạc hóa; tiến trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 

TS. Phạm Đức Thi

Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam

 


Thoái hóa đất và hoang mạc hóa đang là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà con người đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay.

 Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến của quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá sẽ như thế nào, là vấn đề được các nhà nghiên cứu và toàn xã hội quan tâm.

Báo cáo đề cập đến thực trạng, nguyên nhân của thoái hóa đất và hoang mạc hóa; các giải pháp sống chung với hạn hán và hoang mạc hóa; tiến trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.   


.


 

1. Đặt vấn đề

Từ lâu cộng đồng quốc tế đã nhận thấy sa mạc hoá, hoang mạc hoá là một vấn đề rộng lớn liên quan đến cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên hợp quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta". 

Thật vậy, thoái hóa đất và hoang mạc hóa đang là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà con người đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay.

Theo báo cáo của chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc UNEP trong tạp chí Toàn cảnh môi trường toàn cầu năm 2000, có 50% tổng diện tích đất không còn khả năng sử dụng để sản xuất nông nghiệp ở các nước Nam Á và Đông Nam Á do đất bị thoái hóa, là hậu quả của việc áp dụng những biện pháp canh tác không bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng phá rừng, chăn thả quá mức và sự thay đổi khí hậu. Hiện tượng thoái hóa đất diễn ra trong điều kiện khí hậu khô hạn đã thúc đẩy quá trình hoang mạc hóa và mở rộng diện tích hoang mạc trên thế giới chiếm trên 30% diện tích đất.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến của quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá sẽ như thế nào, là vấn đề được các nhà nghiên cứu và toàn xã hội quan tâm.

2. Hoang mạc hoá ở Việt Nam, nguyên nhân hình thành 

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện Việt Nam có khoảng hơn 9 triệu ha đất bị hoang hoá, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng.

Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000 ha và ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.

Theo thống kê của FAO và UNESCO, Việt Nam có khoảng 462.000 ha cát ven biển, chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó có 87.800 ha là các đụn cát, đồi cát lớn di động. Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hoá càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

Việt Nam đã xác định 4 địa bàn ưu tiên chống sa mạc hóa: Duyên hải Miền Trung, Tây Bắc, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nguyên.

Quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Việt Nam là kết quả của sự xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay, cát chảy, đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Các vấn đề cơ bản của hoang mạc hóa ở Việt Nam là hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió trong năm. Trong đó, các tỉnh duyên hải Miền Trung, nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận được xem là bị tác động mạnh nhất của quá trình di chuyển cồn cát vùng ven biển.

Việc lập kế hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất chỉ dựa trên việc đáp ứng các nhu cầu và lợi ích trước mắt, không tính đến tác hại lâu dài về môi trường sinh thái cũng là nguyên nhân cơ bản của sự thoái hóa đất và hoang mạc hóa.

Tình trạng phá rừng và hủy diệt lớp phủ thực vật do các hoạt động của con người gây ra làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng nước ngầm trong mùa khô, gia tăng cường độ cũng như tần suất lũ quét, lũ lụt trong mùa mưa, làm cho sự xói mòn và thoái hóa đất diễn ra nghiêm trọng, gia tăng diện tích đất trống đồi núi trọc.

Việc áp dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (thay đổi biện pháp canh tác, bố trí lại cơ cấu cây trồng-vật nuôi, tưới tiết kiệm nước,...) đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên việc sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước chưa được chú trọng và chưa có hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản của việc thoái hóa đất và hoang mạc hóa.

Quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa do sự tác động đan xen của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người ở Việt Nam chủ yếu như sau:

- Thoái hóa thảm thực vật, kết quả can thiệp của con người lên cân bằng hệ sinh thái tự nhiên;

- Quá trình rửa trôi xói mòn, xói lở do lượng mưa, cường độ mưa, độ dốc, độ dài sườn dốc, hệ số che phủ và phương thức canh tác;

- Quá trình thổi mòn và khoét mòn do gió;

- Quá trình mặn hóa, xâm nhập mặn do nước biển xâm nhập sâu vào nội địa và nước ngầm có nồng độ muối cao;

- Quá trình làm chặt đất kết von đá ong do hạn hán và canh tác không hợp lý;.

- Suy thoái chất hữu cơ trong đất: Nhiệt độ cao, hạn hán kéo dài làm quá trình khoáng hóa hữu cơ mạnh, quá trình mùn hóa yếu dẫn đến lượng hữu cơ trong đất thấp;

- Suy giảm chất dinh dưỡng do phương thức canh tác không bền vững.

Như vậy, quá trình hình thành, phát triển thoái hóa đất, hoang mạc hóa bị chi phối bởi quá trình tự nhiên và xã hội. Các quá trình này sẽ diễn ra mạnh hơn, nhanh hơn cả về cấp độ và khu vực bị ảnh hưởng khi chịu tác động của nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn gây nên bởi biến đổi khí hậu.

3. Giải pháp sống chung với hạn hán, hoang mạc hoá

Kinh nghiệm quốc tế về chống thoái hóa đất và hoang mạc hóa đã được UNEP tổng kết: Sống chung với hạn hán để cải thiện tình hình; tăng cường công tác quản lý lưu vực sông và bảo vệ tài nguyên nước, áp dụng cơ cấu cây trồng và hệ sinh thái nông nghiệp thích ứng...

        Trong hai giải pháp chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm nhẹ và thích ứng thì giải pháp thích ứng là giải pháp có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, cộng đồng dân cư của các vùng khô hạn, hoang mạc hoá đã “sống chung” với hoàn cảnh thiếu nước, xâm nhập mặn và xu thế mở rộng hoang mạc hóa, nhiều mô hình canh tác thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong cộng đồng dân cư đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao.

        Mục đích của công ước chống hoang mạc hóa là tạo ra được một chiến lược tổng thể dài hạn, tập trung vào việc nâng cao sức sản xuất của đất, phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên đất, nước và cải thiện cuộc sống cộng đồng dân cư.

Để giảm mức độ thiệt hại do hạn hán, cộng đồng dân cư trong vùng khô hạn, hoang mạc đã thực hiện các giải pháp thích ứng với tác động của hạn hán và xâm nhập mặn gây nên bởi biến đổi khí hậu bao gồm:

- Sử dụng các biện pháp thu trữ nước như đắp đập, xây bể trữ nước, tạo hồ trữ nước trên cát, trên sườn dốc... Song song với việc thu trữ nước, việc bảo vệ nguồn nước và đất chống hoang mạc hóa bước đầu cũng đã được quan tâm như làm đất tối thiểu ở vùng đất dốc, tăng độ nhám bề mặt đất bằng cách tạo thảm phủ thực vật, che phủ gốc cây, mặt đất bằng xác thực vật, bón phân hữu cơ sinh học, phân xanh, chọn và bố trí cây trồng hợp lý trong mùa khô ít tiêu thụ nước.

        - Xác lập phương thức sản xuất nông – lâm – thủy sản phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái vừa khắc phục được các yếu tố bất lợi, vừa phát huy lợi thế có được của từng  vùng;

        - Xác định nhóm cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc tính chịu hạn, sử dụng ít nước, chịu nóng, chịu muối, tiếp đó là xác định cây trồng vật nuôi hàng hóa và cây trồng vật nuôi phụ trợ;

        - Lựa chọn thời vụ canh tác phù hợp, tránh được hạn hán gay gắt ở các thời kỳ mẫn cảm của cây trồng và vật nuôi;

        - Lựa chọn các biện pháp canh tác phù hợp: Biện pháp xen canh gối vụ; biện pháp làm đất, biện pháp bón phân cân đối, biện pháp giữ ẩm, biện pháp giữ nước và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả;

        - Việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, khai thác hợp lý đất đai và tài nguyên vùng khô hạn sẽ góp phần cải tạo vùng hoang mạc, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên, nền tảng của du lịch sinh thái – một loại hình du lịch rất phổ biến được nhiều quốc gia vùng khô hạn triển khai có kết quả.

        Như vậy, giải pháp thích ứng là cộng đồng dân cư phải chọn phương thức sản xuất và các giải pháp kỹ thuật phù hợp trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm truyền thống và khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm hạn chế các yếu tố bất lợi, phát huy lợi thế có được của vùng khô hạn để phát triển bền vững. Các giải pháp thích ứng lựa chọn cần được duy trì bền vững bằng một chính sách hỗ trợ phù hợp.

4. Tiến trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá trong bối cảnh biến đổi khí hậu

          Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tiến trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá diễn ra rất phức tạp và mang lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, dân sinh. Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, hoang mạc hoá gây ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu các phương pháp dự báo, cảnh báo hạn hán và khả năng mở rộng của diện tích hoang mạc hoá.  

4.1 Dự báo hạn hán

          Trong các công trình nghiên cứu hạn hán khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, phương pháp dự báo hạn dài hạn hán bằng mô hình thống kê thực nghiệm đã được đề xuất và thử nghiệm có kết quả khá tốt.

        Các chuyên gia dự báo khí tượng, thủy văn đã đưa ra các cảnh báo khả năng xảy ra hạn hán trên diện rộng hay cục bộ, mức độ khắc nghiệt của hạn hán dựa trên thời gian kéo dài và cường độ của hiện tượng El Nino, như các đợt El Nino mạnh gần đây: 1982-1983, 1986-1988, 1991-1992, 1997-1998, 2004-2005, 2009-2010.  

Các dự báo và cảnh báo trên giúp các địa phương, nhất là các khu vực thường xảy ra hạn hán kéo dài, biết trước khả năng xảy ra khô hạn để có phương án phòng chống hữu hiệu.

4.2 Cảnh báo khả năng mở rộng diện tích hoang mạc hoá

Như trên đã phân tích, những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá trên phạm vi toàn quốc, nhất là bốn khu vực ưu tiên chống sa mạc hoá của Việt Nam, và sẽ còn tác động xấu trong nhiều năm tới.

Theo kịch bản “Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam” thế kỷ XXI, có thể nhận định sơ bộ một số nét về biến đổi của yếu tố nhiệt, mưa và mực nước biển dâng trong tương lai như sau:

- Về nhiệt độ, ứng với tất cả các kịch bản phát thải cao, trung bình và thấp, qua các thập kỷ của thế kỷ XXI, nhiệt độ đều tăng so với thời kỳ cơ sở 1980-1999, nhất là vào 5 thập kỷ cuối. Theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ trung bình năm tăng 1,2 - 2,0 oC (vào giữa thế kỷ) và 1,9 - 3,1 oC (vào cuối thế kỷ). Nhiệt độ cao nhất trung bình tăng 1,2 - 2,0 oC (vào giữa thế kỷ) và 2,2 - 3,2 oC (vào cuối thế kỷ). Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35oC tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Nhiệt độ tăng cùng với lượng mưa giảm sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn khắc nghiệt hơn.

- Về mưa, xu thế chung là lượng mưa giảm về mùa khô và tăng vào mùa mưa. Vào thời kỳ mùa đông (tháng mười hai đến tháng hai), từ Đà Nẵng trở vào lượng mưa giảm 2 – 12%. Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, giảm 8 – 12% (vào giữa thế kỷ) và giảm 10 – 14% (vào cuối thế kỷ). Vào thời kỳ mùa xuân (tháng ba đến tháng năm), lượng mưa giảm 2 – 6% (vào giữa thế kỷ) và giảm 4 – 10% (vào cuối thế kỷ), có nơi ở Trung Bộ giảm 10 – 14%. Vào mùa hè (tháng sáu đến tháng tám), trên toàn lãnh thổ lượng mưa đều tăng, mức tăng cao nhất 6% (vào giữa thế kỷ) và trên 14% (vào cuối thế kỷ). Vào mùa thu (tháng chín đến tháng mười một), từ Quảng Bình trở ra lượng mưa tăng 4%, từ Quảng Trị trở vào tăng 4 – 10% (vào giữa thế kỷ) và 4 – 14% (vào cuối thế kỷ). Lượng mưa ngày lớn nhất có thể tăng 50% ở Bắc Bộ và 20% ở Bắc Trung Bộ. Ngược lại, lượng mưa ngày lớn nhất giảm 10 – 30% ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. 

- Mực nước biển dâng, theo kịch bản phát thải trung bình, từ 20 - 30 cm (vào năm 2050) và 49 - 82 cm (vào năm 2100) ứng với các khu vực khác nhau so với thời kỳ 1980-1999. Nước biển dâng dẫn tới nguy cơ bị ngập ở các khu vực, từ 0,7% diện tích ở ven biển Trung Bộ, đến 1,9% (Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh), 5,9% (TP Hồ Chí Minh) và 4,9% (Đồng bằng sông Cửu Long) nếu mực nước biển dâng 0,5m. Tương ứng là 3,6%; 5,1%; 11,4% và 27,8%, nếu mực nước biển dâng 1m. Với mức độ tăng nhiệt độ và tan băng vĩnh cửu ở Bắc và Nam cực hiện nay, khả năng mực nước biển tại Việt Nam tăng cao 1m và trên 1m là có thể xảy ra. Khô hạn kết hợp với mực nước biển dâng cao sẽ dẫn tới tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội địa nghiêm trọng hơn, nước sinh hoạt và sản xuất đã thiếu, lại càng thiếu.

Từ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên, ta nhận thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan trên phạm vi toàn quốc, nói chung và ở 4 khu vực ưu tiên chống sa mạc hoá, nói riêng có xu hướng sẽ xảy ra nhiều và mạnh hơn. Hiện tượng triều cường, mực nước biển dâng, gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập nước và xâm nhập mặn, hạn hán, thoái hóa đất trên diện rộng. Ảnh hưởng của bão, mưa lớn, lũ quét, lũ lụt cũng sẽ nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Rừng ngập mặn, bức bình phong cho vùng ven biển, vốn đã bị hủy hoại do tác động của con người và thiên tai, trong tương lai có khả năng bị thu hẹp hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Như vậy, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước biển dâng cao, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét,… đều gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá sẽ diễn ra khắc nghiệt hơn, diện tích đất bị thoái hoá và diện tích hoang mạc hoá sẽ mở rộng hơn trong tương lai, nếu không có chiến lược lâu dài với các giải pháp ứng phó kịp thời. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012). Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. NXB. Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam.
  2. Phạm Châu Hoành (2007). Tác hại của hạn hán, hoang mạc hoá và thoái hoá đất đến sản xuất nông nghiệp – giải pháp sống chung với hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận. Báo cáo khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận.
  3. Trần Trúc Sơn (2008). Tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đối với thoái hoá đất và hoang mạc hoá – giải pháp thích ứng. Bài giảng lớp tập huấn của GEF/SGP.
  4. Phạm Đức Thi (2000). Cơ sở khoa học và thực tiễn dự báo hạn hạn dài ở các tỉnh ven biển Trung Bộ. Đề tài nhánh thuộc Dự án cấp Nhà Nước “Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ thiên tai hạn hán ở các tỉnh duyên hải Miền Trung” – Trường Đại học Thuỷ lợi.

 

 

Lượt xem: 30118

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE