quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Hoa đào thương nhớ

Thứ Tư, 09/03/2011 | 07:09:00 AM

Bỗng dưng tôi nhớ lại câu thơ của Chu Thần thi sĩ: “Hà dương thế sự như hoa sự” - nghĩa là: Ước gì việc đời như việc hoa.

 

Nguyễn Nhã Tiên (TN) 

 
 
Cái triết lý thâm viễn đó vượt lên trên và vượt ra ngoài mọi hạn giới, hoa trở thành tiếng nói vĩnh hằng của cái đẹp ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời nào. Không hiểu sao tôi vẫn tin một cách cuồng tín, rằng trong từng cành đào phai đung đưa trong gió kia, trong từng chậu cây thanh yên, cây phật thủ, cây thiên lộc, cây lồng đèn Hội An..., và trong tất cả, có gì mơ hồ ẩn bên trong mây khói la đà kia là những linh hồn đang ca múa!

 

Hình như tự nghìn xưa, Aristotle có nói đến những sinh hồn, giác hồn trong khu vườn bách thảo của ông, liệu đấy có phải là sự huyền nhiệm, mối tương quan giữa con người và cây lá? Nói gì đến xa xôi, ngày mẹ tôi đi xa, cả vườn trầu biết nhớ mẹ đều rũ ra vàng úa. Cố nhiên là tôi tưới tắm chăm bón cho trầu tươi xanh lại. Cũng như bây giờ những người con của anh Mười Lời đang tiếp tục nâng niu cái công việc của bố, như lúc còn sinh thời khi chăm sóc cho hoa anh thường bảo “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”. Cứ như vậy, những bàn tay tiếp nối bàn tay làm xiếc trên cỏ cây, nào quýt Địa Trung Hải, cam mật Mỹ, hồng Fuji của Nhật... tưởng chừng như cỏ cây hoa trái khắp mọi nơi trên thế giới đổ về khu vườn đào này làm một cuộc hội ngộ kỳ vĩ.
 

 hoa dao


Nhắc đến xứ sở Phù Tang tôi lại nhớ đến người làm vườn Yahagi Mitsuo từ quê Yamagata xa xôi. Vậy mà người làm vườn ấy đã mang những cành táo Fuji qua tận Việt Nam, đến bằng được cái vườn đào của Mười Lời ở Đà Lạt, rồi cùng với chủ nhân vườn đào say mê cắt mầm táo Fuji cấy ghép, góp cho xứ sở ngàn hoa thêm một giống loài cây trái mới. Nhớ có lần viếng thăm thung lũng đào hoa, nhìn táo Fuji nảy mầm xanh, tôi cao hứng đọc cho chủ nhân vườn đào nghe mấy câu Đường thi của Lý Bạch: “Yên thảo như bích ty. Tần tang đê lục chi”. Ôi chao “Cỏ nước Yên xanh màu xanh lơ” réo gọi “Dâu nước Tần xanh màu xanh lục”. Cái màu xanh cây trái cỏ hoa kỳ diệu kia đã biết réo gọi, vượt qua những biên giới nghìn trùng tìm đến với nhau. Mà đúng là họ tìm đến với nhau thật. Không chỉ là Yahagi Mitsuo đến từ Nhật, mà còn từ Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... Họ là những khách du lịch, những nhà khoa học, những giáo sư tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học đến đây để nghiên cứu, học tập. Họ là những nông dân, những người làm vườn vì lẽ yêu hoa mà đến nơi đây thưởng ngoạn.

 

Ngày xưa, thời sinh viên tôi đã từng thân thiết với con đường dốc dài Pasteur - nay là Lê Hồng Phong. Nơi tấm biển treo trên cây thông già hướng dẫn đường cho du khách xuống thung lũng hoa đào là địa chỉ tôi đóng cái thùng thư. Ba cây thông trên đầu dốc ngày ấy chỉ nhỏ bằng cái bắp vế chân, bây giờ đến cả một vòng tay ôm không xuể. Cũng thời ấy, khu vườn đào còn là cái hẻm núi gập ghềnh đá sỏi chạy dọc theo một con khe nhỏ. Từ chỗ ba cây thông đầu dốc đi xuống dòng khe phải níu cỏ bên bờ ta-luy để khỏi trượt ngã. Vậy mà sức vóc lao động và tâm hồn đẹp đẽ của một con người đã tạo dựng cái hẻm núi vô danh khuất nẻo giữa sương ngàn hoang vu kia thành một thung lũng hoa đào huyền thoại, thành một khu vườn thực nghiệm ươm mầm cho hàng trăm giống loài hoa và cây trái. Bây giờ ký ức dẫn tôi đi hoài không hết. Hàng trăm chậu Nhật quỳnh đượm xanh im lặng quanh tôi, gieo vào không gian lãng đãng khói sương này một thứ mật ngôn dễ khiến lòng người dậy sóng niềm xao xuyến. Hư vô lên tiếng nói là thế này chăng? Không rõ nữa, nhưng quả thực khi ngồi bên gốc sim già trăm tuổi, tôi lại loáng thoáng nghe ra lời chủ nhân của nó ngày nào đã diễn dịch giống loài hoa sim như một thi sĩ đang nói về bài thơ của mình. Đã có lần những nàng sơn nữ kiêu sa của nghệ nhân Mười Lời, lần đầu tiên trong đời được sánh vai cùng muôn hoa nghìn tía giữa Hội hoa xuân Sài Gòn, cái màu tím của từng đóa sim ánh lên, tất cả tỏa sáng, tất cả lung linh ngời chiếu một niềm kiêu hãnh. Và đấy mới là thông điệp độc đáo của sự sáng tạo.

 

Người Đà Lạt sẽ khó mà quên được hình ảnh Mười Lời đu mình trên những cành mai anh đào dọc trên đường Lê Đại Hành giữa trung tâm thành phố, cấy ghép mầm hoa cho mai anh đào kịp trổ hoa đúng mùa lễ hội Festival hoa Đà Lạt. Thư nhàn bước chân suốt con đường từ cầu ông Đạo (bờ hồ Xuân Hương) qua khỏi bùng binh, lên tiếp con đường dốc đến hội trường Hòa Bình. Đi dưới sắc đào phai mờ ảo trong sương sớm sương chiều, lòng mỗi người sẽ nghe được lời hoa réo gọi. Gọi anh là kẻ biết gọi mùa, hay là kẻ biết tạo dựng nên mùa cũng chính là tiếng nói của cảm xúc. Một minh chứng, rằng mọi khát vọng chân thành từ một trái tim biết đam mê và tận hiến cho cái đẹp, sức sống ấy có khả năng chiến thắng được thời gian. Bởi giờ đây, cho dù anh đã đi xa, nhưng đi dưới con đường hoa đào này ngước nhìn lên sắc đào ửng trong gió lay, tôi ngộ ra cái ý niệm “Vật từ tâm mà thành, tâm từ vật mà hiện”. Những nụ hoa ngời sắc hồng trong gió kia, hay những đóa hoa quỳnh vàng ửng trong giấc mơ, tất cả như những linh hồn nhỏ lấp lánh một thứ ẩn ngữ bí nhiệm rao truyền về một sự tồn tại vừa mong manh nhưng cũng vừa vĩnh cửu! 



(VFEJ, 8/3/2011)

Lượt xem: 1825

Các tin khác

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE