Kiến nghị của Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 4, tại Đông Hà (Quảng Trị) ngày 4 tháng 4 năm 2012
Chủ tịch đoàn Hội thảo
Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” lần thứ 4 đã được tổ chức tại t\p Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cho một số Bộ, ngành, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan quản lý, nghiên cứu, sự nghiệp ở TW và các địa phương thuộc khu vực dãy Trường Sơn. Hội thảo rất phấn khởi được sự tham gia của các đại biểu đại diện cho CHDCND Lào, chuyên gia của tổ chức quốc tế WWF. Sau phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BV TN&MT VN, các phát biểu chào mừng của ông Nguyễn Quân Chính, PCT UBND Tỉnh, đại diện Lãnh đạo tỉnh QuảngTrị, phát biểu của đại diện Tổng cục MT thuộc Bộ TN&MT, của Giám đốc WWF Việt Nam, Hội thảo đã nghe và tham khảo 9 báo cáo khoa học về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn ở Phiên hội thảo chung và 9 báo cáo khoa học về bảo tồn Sao La ở Phiên chuyên đề, là những kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu nhiều năm qua của các nhà khoa học, quản lý. Hội thảo cũng đã nghe hơn 15 lượt phát biểu, ý kiến, thảo luận, trao đổi của các đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực đa dạng sinh học và liên quan.
Hội thảo tuy diễn ra trong thời gian rất hạn chế, chưa có điều kiện về thời gian để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại biểu trao đổi thật sâu sắc và toàn diện về những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, song một số vấn đề quan trọng nhất của công tác bảo tồn đã được nhấn mạnh đề cập, trao đổi, thảo luận rất sôi nổi, phong phú, nhiều chiều và đã rút ra nhiều kết quả khoa học, những tổng kết bài học thực tiễn hữu ích cho việc triển khai các nghiên cứu tiếp theo và những công tác quản lý cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới ở cả cấp TW, địa phương và toàn xã hội cũng như tăng cường hợp tác giữa các nước VN-Lào-Căm pu chia trong bảo tồn đa dạng dãy Trường Sơn.
Trong số những vấn đề quan trọng được Hội thảo đề cập, phải kể đến:
- Việc khảng định: tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị cao ở dãy Trường Sơn, với nhiều loài có nguy cơ suy giảm hoặc tuyệt chủng; xác định những nguy cơ và thách thức trong bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn – khu vực xuyên quốc gia, có KT-XH đang phát triển rất mạnh mẽ lại chịu tác động sâu sắc của BĐKH.
- Về chính sách và hành lang pháp lý của VN trong bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn.
- Về công tác bảo tồn Sao La – Loài động vật đặc hữu và đặc biệt quý hiếm; về bảo tồn các hệ sinh thái độc đáo, duy nhất và đại diện tiêu biểu ở dãy Trường Sơn.
- Về sự phối hợp toàn xã hội, phối hợp TW và các địa phương ở VN; về tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức; về vai trò cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học; về hợp tác quốc tế giữa VN-Lào-Căm pu chia trong bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, trong đó có bảo tồn Sao La.
Hội thảo trao đổi và thống nhất cao việc phải tiếp tục công tác điều tra khảo sát về đa dạng sinh học; tăng cường công tác quy họach, nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn; hoàn thiện hệ thống các VBQPPL về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và ở dãy Trường Sơn nói riêng để bảo đảm đủ nghiêm minh, chế tài mạnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà nước, của lãnh đạo các cơ quan, của xã hội, của các tổ chức phi chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự phối hợp giữa VN-Lào-Căm pu chia trong bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn một cách thống nhất và toàn vẹn.
Hội thảo thống nhất rất cao trong việc cần gióng lên hồi chuông cấp báo “Hãy cứu Sao La”; về việc phải triển khai ngay các biện pháp quản lý, việc điều tra, khảo sát, quy họach và nghiên cứu cụ thể phục vụ đánh giá, xác định các khu vực sinh cảnh phù hợp, xây dựng các mô hình bảo vệ, khoanh nuôi, cứu hộ và bảo tồn Sao La – một trong các loài đặc hữu, quý hiếm, đại diện tiêu biểu cho đa dạng sinh học dãy Trường Sơn thuộc VN và Lào, nhưng đang suy giảm cao, rất nguy cấp. Bảo tồn Sao La phải trở thành công tác cấp bách của các cấp chính quyền, các cộng đồng dân cư liên quan ở VN-Lào và là trách nhiệm của các tổ chức khu vực và quốc tế về môi trường và động vật hoang dã,… trong thời gian tới. Hãy hành động ngay để cứu lấy Sao La trước khi quá muộn.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Các đại biểu đánh giá cao kết quả của Hội thảo này và thống nhất kiến nghị Hội BV TN&MT VN tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thuộc dãy Trường Sơn để duy trì định kỳ các Hội thảo về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn; tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo lần thứ 5 ở một địa phương thuộc dãy Trường Sơn thuộc VN hoặc CHDCND Lào, trong đó, ngòai các vấn đề đã được đề cập trong các Hội thảo lần thứ 1, 2, 3, 4 trước đây, sắp tới cần chú trọng bổ sung các kết quả nghiên cứu về giá trị kinh tế - xã hội, môi trường của tài nguyên đa dạng sinh học, về kết hợp bảo tồn với việc đưa tiềm năng tài nguyên đa dạng sinh học thành các sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển bền vững KT-XH ở địa phương và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư thuộc dãy Trường Sơn.
Hội thảo đánh giá cao sự phối hợp của Hội BV TN&MT VN, Tổng cục Môi trường, sự hỗ trợ của WWF và các tổ chức khác đã tài trợ cho việc tổ chức Hội thảo và kiến nghị tiếp tục hỗ trợ cho VACNE để cùng các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục các họat động về bảo tồn đa dạng dãy Trường Sơn.
Hội thảo kêu gọi các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức, cơ quan, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục các họat động đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, trong đó có việc tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” lần thứ 5.
Hội thảo kiến nghị VACNE tổng hợp kết quả Hội thảo để kiến nghị với các cơ quan, tổ chức và các tỉnh liên quan.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp vào 17h ngày 4 tháng 4 năm 2012.