Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp một số thắc mắc của bà Nguyễn Thị Vân, công tác tại Công ty Tư vấn môi trường EJC tỉnh Bắc Giang, liên quan đến việc lập bản cam kết
bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự án đầu tư có quy mô công suất như thế nào thì phải lập cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu 5.2 và mẫu 5.3 trong Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 28/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường? Nếu quy định vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng không phải lập dự án đầu tư thì việc phải làm cam kết theo mẫu 5.3 của Thông tư 26/2011/TT-BTNMT có đúng không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Đối tượng áp dụng mẫu Phụ lục 5.2 và 5.3 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT đã được quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và được cụ thể hoá tại Điều 45, 46 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
Theo đó, Phụ lục 5.2 là cấu trúc và nội dung của bản cam kết bảo vệ môi trường đối với
dự án đầu tư và Phụ lục 5.3 là cấu trúc và nội dung của bản cam kết bảo vệ môi trường đối với đề xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư.
Như vậy, dự án đầu tư có quy mô công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định của danh mục tại Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP phải lập cam kết
bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Luật Đầu tư, dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư. Đối tượng này không bắt buộc phải lập dự án đầu tư. Trường hợp vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng làm cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu 5.3 của Thông tư 26/2011/TT-BTNMT là đúng.
Chủ cơ sở chăn nuôi phải chịu trách nhiệm về xử lý chất thải
Đối với hộ gia đình nuôi 490 con bò trong thửa đất của gia đình, vốn đầu tư 5 tỷ đồng, thì lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu 5.3 của Thông tư 26/2011/TT-BTNMT có đúng không? Theo mẫu 5.3 thì chủ cơ sở làm rất đơn giản chỉ cần tích vào bảng tổng hợp và có hay không thôi. Như vậy thì hộ gia đình xử lý chất thải như thế nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Theo quy định tại điểm 106, Phụ lục II, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở lên đối với các gia súc khác.
Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005, Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Đồng thời, theo Điều 45 của Luật này, đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư;
Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy, với quy định tại Điều 45 Thông tư 26/2011/TT-BTNMT và điểm 106, Phụ lục II, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, hộ gia đình nuôi 490 con bò chỉ phải lập cam kết bảo vệ môi trường.
Trường hợp tổng vốn đầu tư của hộ gia đình dưới 5 tỷ đồng thì đây không phải là đối tượng lập dự án đầu tư, do vậy, việc lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu 5.3 của Thông tư 26/2011/TT-BTNMT là đúng.
Mẫu 5.3 là cấu trúc và nội dung của bản cam kết bảo vệ môi trường đối với đề xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất. Đây là biểu mẫu chung đối với các cam kết bảo vệ môi trường.
Đối với từng trường hợp cụ thể, chủ cơ sở phải diễn giải các hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện tại cơ sở trong đó có các nội dung về xử lý chất thải.
Tại nội dung về các tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn hoạt động, các yếu tố về khí thải, mùi, nước thải, chất thải rắn đều có đưa ra một số biện pháp xử lý và các biện pháp xử lý khác. Nếu chủ cơ sở có các biện pháp xử lý chất thải khác phải diễn giải và thống kê biện pháp đó vào bản cam kết bảo vệ môi trường.
Phụ lục 5.3 là bản cam kết bảo vệ môi trường dạng đơn giản về mặt thủ tục hành chính, không làm thay đổi trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của chủ cơ sở. Chủ cơ sở phải tự thu gom, xử lý hoặc thuê đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và khoản 1 Điều 46 Thông tư 26/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường được hiểu thế nào cho đúng?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định, dự án đầu tư có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định của danh mục tại Phụ lục II Nghị định này.
Còn theo khoản 1, Điều 46 Thông tư 26/2011/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với dự án thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường gồm:
- Ba bản cam kết bảo vệ môi trường với hình thức trang bìa, trang phụ bìa; cấu trúc và yêu cầu về nội dung thực hiện theo mẫu quy định tại các Phụ lục 5.1 và 5.2 Thông tư này.
- Một dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) có chữ ký (ghi rõ họ tên, chức danh) của người đại diện có thẩm quyền và đóng dấu (nếu có) của cơ quan chủ dự án.
Như vậy, khoản 1, Điều 46, Thông tư 26/2011/TT-BTNMT là quy định rõ, cụ thể hồ sơ của đối tượng được quy định tại khoản 1, Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Quy định tại các khoản 1 Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và khoản 1 Điều 46 Thông tư 26/2011/TT-BTNMT là rõ ràng và không có cách hiểu khác.
Trường hợp có cách hiểu khác, đề nghị bà Vân làm rõ để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, xem xét sửa đổi đối với Thông tư 26/2011/TT-BTNMT hoặc báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi đối với Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.