3.000 người, phần lớn là các nhà khoa học thuộc trên 50 quốc gia đã tụ tập về Trung tâm Hội chợ - Triển lãm ở Stockholm Thụy Điển để tham gia tuần lễ nước quốc tế, tổ chức từ 17 đến 23 tháng 8 năm 2008.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Trung tâm Hội chợ - Triển lãm nằm cách xa Trung tâm thành phố khoảng 20 phút xe lửa. Hầu như mọi người đều đến đây bằng xe lửa. Thuận tiện, sạch sẽ, lịch sự và rẻ nữa. Khách quốc tế đến Thụy Điển cũng làm như người bản xứ: trong thành phố đi bộ là chính. Nếu ai không quen, gọi taxi và cho biết địa chỉ cần đến, người lái taxi xuống xe và hướng dẫn khách cách đi bộ đến đó, không quên câu, gần lắm, chỉ khoảng 15 phút thôi, đừng lên xe rất đắt.
Vào Trung tâm, khách xếp hàng làm thủ tục đăng ký, nhận cặp tài liệu. Nơi đây rộng rãi, mọi người thỏa thích chuyện trò. Rất nhiều người đã quen biết nhau từ trước. Những ai hút thuốc làm ơn ra ngoài sân, vừa xem vừa nghe nhạc nước, vừa hút thuốc, thưởng ngoạn thiên nhiên trong lành. Những người đã làm xong thủ tục trong sảnh thì đi xem Triển lãm Nguồn nước vì Cuộc sống và sức khỏe con người. Có khoảng 100 gian trưng bày, đơn giản về hình thức, nhưng phong phú về nội dung và rất hiện đại. Triển lãm diễn ra suốt Tuần lễ Nước, rất hấp dẫn, gian nào cũng có nhiều người xem, trao đổi, nghi chép, chụp ảnh. Một góc nhỏ giành cho các thí sinh đại diện cho học sinh phổ thông các nước tham dự Cuộc thi Nước quốc tế. Năm nay có 60 học sinh của 31 nước tham gia thi quốc tế. Các em bắt đầu trình bày “gian” của mình trước sự chứng kiến của các nhà khoa học về nước.
Sau bữa ăn trưa đơn giản, vui vẻ, mọi người vào hội trường lớn để dự Lễ khai mạc Tuần lễ nước quốc tế. Hội trường chứa 3000 người đều kín chỗ. Phía sân khấu chính có 2 màn hình lớn. Không pano khẩu hiệu, không tít đề, không cơ quan bảo trợ, tài trợ, không có bàn chủ tọa. Đèn từ từ tắt, mọi người theo đó ổn định chỗ ngồi. Phía sân khấu hiện rõ đoàn tốp ca, 9 nam đứng sau, 8 nữ đứng trước, áo váy dài mầu đỏ. Một cô nữa được đèn đặc chiếu, tấu lên tiếng vĩ cầm điêu luyện, như kéo tay người nhạc trưởng lên, và bài ca cuốn hút người nghe vang lên. Chắc rất ít người hiểu lời bài hát tiếng Thụy Điển, nhưng ai cũng thấy hay, thấy ấm áp, quen thuộc, như họ đang hát bài hát dân ca của mình. Tiết mục qua nhanh, những người biểu diễn đã cúi chào 3-4 lần mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Rồi ông Trưởng ban tổ chức, chủ tịch Hội Nước quốc tế khai mạc. Không quá 5 phút. Rồi Bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển Thụy Điển chào mừng. Giọng hay lắm, thảo nào đất nước này đã sản sinh ABBA. Rồi Hoàng Tử Thụy Điển, người vừa dự Olympic Bắc Kinh về phát biểu. Cũng nhanh lắm, Nghe đâu Hoàng tử trước đây cũng tham dự thi môn gì đó ở Olympic. Rồi Tổng thống Madagasca, thay mặt khách mời cảm ơn nước chủ nhà. Tất cả diễn ra trang trọng, đơn giản và rất đẳng cấp.
Buổi tối, Thị trưởng Stockholm mời cơm chiêu đãi toàn bộ 3000 đại biểu dự Tuần lễ Nước quốc tế. Khách vào sân đại lễ, nơi diễn ra tiệc chiêu đãi nhân các kỳ trao Giải thưởng Nobel hàng năm. Ai cũng thấy vinh dự như mình cũng được Giải thưởng uy tín nhất thế giới này. Rượu vang được đưa ra. Quá đông khách, mời mọi người lên tầng trên, đi theo cầu thang mà khi Hoàng Hậu đi, chiếc váy của bà phải trải dài hết cỡ để mọi người cùng được chiêm ngưỡng những họa tiết thêu thùa có một không hai. Tàn ly rượu đầu mới thấy Thị trưởng trong trang phục truyền thống bước ra. “Xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã tới đây. Bữa tiệc này là của các bạn, những người tham dự Tuần lễ Nước quốc tế năm nay. Xin mời”.
Đấy là diễn văn của ông Thị trưởng. Chỉ có thế thôi. Và mọi người có trọn vẹn 3 tiếng đồng hồ để trò truyện, ăn uống, chụp ảnh,....
Có gần 50 cuộc hội thảo được tổ chức. Tên gọi của các cuộc hội thảo đó đủ nói lên các vấn đề mà quốc tế đang quan tâm về nước. Ban Tổ chức chỉ xác định các chủ đề hội thảo, lựa chọn người chủ trì (từ khắp các nước) và cử thư ký hỗ trợ. Mọi chuyện do người chủ trì và Thư ký chuẩn bị theo một kế hoạch, quy chế chung. Đến khi tiến hành hội thảo cũng vậy. Nhưng vẫn không đủ chỗ, đủ thời gian để tiến hành tất cả các vấn đề cần quan tâm. Ban Tổ chức phải bổ sung diện tích để tổ chức các cuộc Hội thảo bằng poster, ta gọi là “treo”. Có cả thảy 9 hội thảo “treo”.
Đại biểu phần lớn có máy tính mang theo. Đủ loại lớn nhỏ. Vậy mà, Góc công nghệ cao gồm gần 20 máy tính lúc nào cũng đông người, muốn sử dụng phải xếp hàng chờ. Có lẽ chỉ khoảng 2/3 đại biểu ngồi trong phòng họp, phần còn lại thảo luận bên ngoài, hoặc xem triển lãm, hoặc gõ máy liên tục. Ai cũng bận rộn.
Nhà vua Thụy Điển sẽ trao giải thưởng Nước cho giáo sư người Anh, tác giả “nước ảo”. Công chúa Thụy Điển sẽ trao giải thưởng Nước cho lứa tuổi học sinh, đại diện của Mỹ. cho đến nay đã có 12 giải được trao, bắt đầu từ năm 1997. Mỹ được 4 lần, Nam Phi 2 lần, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nhật Bản, Trung Quốc mỗi nước một lần. Mãi năm 2007 Mêhicô được 1 lần. Hai năm gần đây, mỗi năm có thêm 1-2 giải khuyến khích.
Mọi người vào chung kết là đều chiến thắng. Đương nhiên ai cũng muốn nước mình được dù là một lần. Năm nay Singapore tham dự lần đầu, bạn có khá nhiều ý kiến. Việt Nam và Nga đều liên tục tham gia 5 lần liền, năm nay Nga được giải khuyến khích. Chắc rằng Ban tổ chức Giải cũng rút kinh nghiệm qua từng năm, làm sao cho Giải được ngày càng nhiều nước phấn khởi tham gia. Thực tế, các thí sinh đều khá xuất sắc, ấn tượng nhất đối với Ban Giám khảo có lẽ là phần trình bày và trả lời của thí sinh. Đáng suy ngẫm về điều này.
Dù sao, trong ánh đèn rực rỡ đêm trao giải, công chúa Thụy Điển với khuôn mặt thông minh, vui vẻ bắt tay và trao tượng trưng Chứng chỉ cho từng thí sinh. Giải thưởng 5.000 đô la Mỹ cùng Cúp pha lê được trao cho cô bé người Mỹ gốc Trung Quốc, cao to, rất dễ thương. Chúng ta lại lỡ hẹn một lần nữa.
Đọc lại và suy ngẫm tiếp./.