quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Đi tìm lời giải cho bài toán rác thải tại Việt Nam(P1)

Thứ Năm, 15/06/2017 | 08:42:00 AM

Chất thải rắn hay còn gọi là rác thải là những sản phẩm tất yếu của con người, là các vật chất được con người thải ra sau khi sử dụng.

 Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay thì bên cạnh sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, sự suy giảm chất lượng môi trường là tình trạng phát sinh rác thải ngày càng tăng, trong đó đáng kể nhất là rác thải sinh hoạt. Nếu cách đây một thập kỉ, khi nói đến rác thải chúng ta chỉ đề cập đến các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… thì nay rác thải có ở khắp nơi, từ vùng quê cho đến nơi đô thị, đi đâu cũng thấy rác, rác và rác.

Đây là một thực tế và là vấn đề bất cập hiện nay trong công tác thu gom, xử lý rác thải của Việt Nam. Việc tìm ra lời giải cụ thể, hiệu quả nhất cho bài toán rác thải hiện nay đang là một thách thức đối với các nhà quản lý, nhà khoa học. Tuy là thách thức và khó khăn nhưng để phát triển bền vững, hòa theo xu hướng chung của thế giới thì việc đi tìm lời giải cho bài toán chất thải rắn là điều cần phải làm và vô cùng cấp bách.

Tình hình rác thải tại Việt Nam

Ở nước ta hiện nay, tốc độ phát sinh rác thải đang dao động từ 0,35 - 0,8kg/người/ngày. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế theo từng giai đoạn phát triển kéo theo mức sống của người dân ngày càng cao cũng đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh từ những hoạt động của người dân ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn về thành phần và độc hại hơn về tính chất.

Theo số liệu thống kê được trong các năm từ 2007 đến 2010, tổng lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc là 17.682 tấn/ngày (năm 2007); 26.224 tấn/ ngày (năm 2010), tăng trung bình 10% mỗi năm. Đến năm 2014, khối lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2010 - 2014 đạt trung bình 12% mỗi năm và trung bình 1 người Việt Nam thải ra khoảng 200kg rác thải một năm (Nguồn: Báo cáo “Quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường”, Hội nghị môi trường toàn quốc, Bộ TN&MT, tháng 9/2015).
 

Trước thực trạng phát sinh rác thải tăng không ngừng, Chính phủ và chính quyền địa phương đã không ngừng nổ lực tìm kiếm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý rác thải. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng thực trạng việc quản lý, xử lý rác thải hiện nay trên phạm vi cả nước chưa ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Hiện nay, ở khu vực đô thị mới chỉ thu gom đưa đến bãi chôn lấp tập trung đạt khoảng 60 - 65%, còn lại rác thải xuống ao hồ, sông ngòi, bên đường. Còn ở khu vực nông thôn, chỉ có rác cặp các tuyến đường giao thông chính mới được thu gom, những nơi dân cư sống rải rác thì rác thải hầu như không được thu gom, những điểm vứt rác tràn ngập khắp nơi, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt rác gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. 

Công nghệ xử lý rác thải trên Thế giới

Các công nghệ xử lý CTR đã được nghiên cứu và áp dụng gồm nhiều loại như:

1. Công nghệ đốt rác tạo nguồn năng lượng. 

2. Công nghệ chế biến phân hữu cơ. 

3. Công nghệ chế biến khí Biogas. 

4. Công nghệ tái chế rác thải thành các vật liệu và chế phẩm xây dựng. 

5. Công nghệ tái sử dụng các thành phần có ích trong rác thải. 

6. Công nghệ chế biến CTR theo công nghệ Seraphin. 

7. An Sinh ASC.

8. Chôn lấp CTR hợp vệ sinh. 

Các công nghệ xử lý rác thải khi được nghiên cứu và sau một thời gian áp dụng đều xuất hiện những hạn chế nhất định của công nghệ, chính vì vậy việc tìm kiếm một công nghệ hoàn hảo trong xử lý rác thải luôn là mục tiêu, thách thức của các nhà khoa học.

Việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR phải căn cứ theo tính chất và thành phần của chất thải và các điều kiện cụ thể của từng địa phương. Trong xu hướng hiện nay, công nghệ được khuyến khích lựa chọn là công nghệ đồng bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải để tạo ra nguyên liệu và năng lượng, giảm thiểu khối lượng CTR phải chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng chôn lấp và bảo đảm vệ sinh môi trường. 

Đối với các nước có nền công nghiệp hiện đại và nền kinh tế tăng trưởng cao công nghệ xử lý rác thải được áp dụng mang lại hiệu quả xử lý cao với mức phát thải sau xử lý rất thấp (khoảng 3%).

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Rác thải tại Nhật Bản được phân loại tại nguồn rất khắc khe, thành 4 loại: rác cháy được, rác không cháy được, rác tái sinh gồm hai loại là: giấy catton hộp và plastic, vỏ lon, chai bia rượu… ngoài ra còn có loại rác cồng kềnh. Rác được phân loại và thu gom riêng từng loại sau đó được đưa đi xử lý bằng công nghệ đốt chủ yếu là “Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi” (Circulation fluidized bed - CFB), phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy. 
 

Công nghệ đốt rác hóa lỏng tầng sôi.

Ngoài ra, 20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET). PET là vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước Nhật. Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.

Ở Hàn Quốc, cách quản lý chất thải giống với Nhật Bản, nhưng cách xử lý lại giống ở Đức. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón. Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã thành công trong quản lý chất thải rắn để bảo vệ môi trường. Chính phủ Singapore đang yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước. Singapore chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn của thành phố, 38% được thiêu để tạo ra điện và 60% lượng rác thải còn lại thì được tái chế. 

Australia là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới. Nếu không tính đến Mỹ, Australia thải ra một lượng rác mỗi năm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Nhiều trung tâm đô thị lớn ở Australia đã được mở rộng để phù hợp với tiêu chuẩn sống cao hơn của người dân. Do đó, hệ thống xử lý rác thải cũng được yêu cầu cao hơn. Những biện pháp xử lý rác thải bền vững được tìm kiếm và áp dụng. Đối với chất thải rắn như rác sinh hoạt, sản phẩm công nghiệp được xử lý tại các bãi chôn lấp, tuy nhiên số lượng các bãi chôn lấp là có hạn. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ TN&MT, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt này được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt. Hiện có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Với 458 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên 1ha chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Qua khảo sát thực tế tại 63 tỉnh thành cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, chất thải công nghiệp và CTR sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh. Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ônhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bãi chôn lấp có cấu tạo hở, vào mùa khô, chất thải được đem đốt.

Tính đến năm 2012, cả nước có khoảng 25 nhà máy xử lý CTR được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 4.000 tấn/ngày hoạt động chủ yếu tại một số đô thị, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ đốt, 3 nhà máy sử dụng kết hợp cả đốt và sản xuất phân bón compost. Các nhà máy còn lại sử dụng công nghệ sản xuất phân compost kết hợp chôn lấp đã được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. 

Theo báo cáo, trên cả nước có khoảng 50 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500 kg/giờ. Tuy nhiên, việc đầu tư lò đốt công suất nhỏ là giải pháp tình thế. Khí thải sau đốt còn vượt rất nhiều lần quy chuẩn cho phép. Ngay cả với một số lò đốt công suất lớn, hiện còn tồn tại các vấn đề về phân loại, nạp nhiên liệu chưa tối ưu; chưa thu hồi được năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm chưa đảm bảo; chưa có hệ thống thu hồi nước rác; không có hệ thống xử lý nước rỉ rác; xử lý mùi, côn trùng chưa triệt để.
(Còn nữa)
 
 

Nguyễn T. Mỹ Xuân (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 3642

Các tin khác

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE