(VACNE) – Đó là cây Trôi hơn 300 năm đứng trước cửa đình Ba Làng, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc (cách trung tâm Hà Nội khoảng 80 Km về hướng Tây Bắc) được cộng đồng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào sáng nay 23/2/2025.
Điều đặc biệt là cây Trôi này rất cổ thụ (thân cành rất xù xì, vài chỗ trên thân cây đã bị mục ruỗng do bị bom đạn thời kháng chiến chống thực dân Pháp găm vào) nhưng cành lá vẫn xanh và cho quả quanh năm.
Đây là những cây cổ thụ đầu tiên của địa phương được công nhận Cây Di sản Việt Nam và sự kiện gắn liền với Lễ hội Đình, nên dù trời mưa, nhưng buổi Lễ vẫn được tổ chức trọng thể, thu hút rất đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương và bà con quanh vùng đến dự, tặng hoa chúc mừng.
Tới thắp hương tưởng niệm các vị Sơn thần, các vị Thành hoàng làng, các Anh hùng Liệt sĩ đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và chia vui với bà con về sự kiện cây cổ thụ được gắn bia Cây Di sản Việt Nam, có các vị lãnh đạo Đảng Uỷ, UBND, MTTQ, các đoàn thể và tổ chức tôn giáo xã Bắc Bình, các xã trong vùng và Hội BVTN&MT Việt Nam.

Trong diễn văn Khai mạc của bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Bình và ông Trưởng BQL khu di tích cho biết: Bảo tồn những cây Di sản này cũng là tưởng nhớ, tôn vinh công đức của 5 vị Thành Hoàng làng và 3 vị Sơn Thần có công âm phù Vua Hùng thứ 18 và các vị tướng lĩnh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Tại sân đình và dưới gốc cây này, ngày 23/8/1945 người dân địa phương đã tập hợp dưới lá cờ của Việt Minh trước khi tiến về thị xã Vĩnh Yên để cướp chính quyền của Thực dân Pháp. Sau đó, có 6 người con của Ba Làng đã anh dũng hy sinh. Đầu năm 1950 , khi quân Pháp mở trận Xuân Trạch, càn quét qua đây, đã bắn chết một người con của Ba Làng ngay trước cổng đình. Và ngôi đình này được xây lên từ nền của một trong trong những ngôi đình của 3 làng cũ (Hoàng Chỉ, Bình Chỉ, Yên Thích) đã bị giặc Pháp đốt năm 1951. Với những dấu ấn lịch sử của ngôi đình và cây Trôi di sản này, đã góp phần giáo dục, nhắc nhở các thế hệ con cháu về truyền thống quê hương. Hoạt động này, không chỉ tỏ lòng biết ơn với các thế hệ đi trước, mà còn là truyền thống văn hoá của người Việt Nam. Biết trân quý những di sản của cha ông để lại, biết bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng./.
PV. VACNE