quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tìm tiền carbon cho cây lúa

Thứ Tư, 13/11/2024 | 08:51:00 AM

Trồng lúa có thể bán tín chỉ carbon để tạo giá trị gia tăng, nhưng đó là một hành trình dài lên đến 5 hoặc 10 năm và không dễ dàng.

 

Lợi nhuận cho người trồng lúa cũng sẽ tăng trên 50% nhờ chi phí sản xuất giảm khoảng 20%, tương đương khoảng 9.500 tỉ đồng/năm. Ảnh: T.L

 
 

Đầu tư trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp được coi là tương lai của ngành lúa gạo, nhưng giới hạn về hạ tầng và nguồn lực vẫn cách xa triển vọng.

Tìm tiền và tìm tiền lệ 

Vụ Hè Thu năm 2024 tại Cần Thơ kết thúc hơn một tháng trước, phần thí điểm sản xuất lúa phát thải thấp theo phương thức tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) đã mang lại hứng khởi nhất định khi tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%, gạo được bán với giá cao hơn 200-300 đồng/kg, mang lại lợi nhuận 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Điểm mấu chốt là phương thức canh tác mới đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với cách lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so phương thức ngập liên tục, vùi rơm rạ sau khi thu hoạch. 

 

Kết quả của Cần Thơ thúc đẩy tâm lý đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch thí điểm 3 vụ lúa tại 7 mô hình sẽ kết thúc sau vụ Đông Xuân năm 2025, cơ sở để triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn nhờ giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Chưa tính đến các yếu tố tăng thêm từ giá trị và thương hiệu, phương thức canh tác mới, ngành lúa gạo sẽ có thêm 16.000 tỉ đồng/năm, nhờ giá gạo bán ra cao hơn khoảng 10%. Lợi nhuận cho người trồng lúa cũng sẽ tăng trên 50% nhờ chi phí sản xuất giảm khoảng 20%, tương đương khoảng 9.500 tỉ đồng/năm.

Trong bức tranh lạc quan về đóng góp của lúa gạo vào mục tiêu giảm phát thải, vốn chỉ tập trung vào các khía cạnh tích cực, lãnh đạo ngành nông nghiệp ngay khi kết thúc vụ lúa thí điểm đầu tiên, đã thừa nhận rằng thay đổi phương thức canh tác có những “khó khăn nhất định”. 

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn, chưa có tiền lệ để tham khảo về nội dung và cách thức thực hiện. Hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ, diện tích canh tác nhỏ, nhiều hộ không đạt quy mô tối thiểu từ 50 ha trở lên. Đến nay, việc triển khai 1 triệu ha lúa phát thải thấp vẫn đang chờ kinh phí, đến từ ngân sách nhà nước, vay đối tác nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân.

2 câu hỏi lớn

Gánh nặng dường như đang đè lên vùng lúa lớn nhất của cả nước, với 24-25 triệu tấn lúa/năm, thường dành hơn 90% sản lượng cho xuất khẩu. Ông Hoàng Trọng Thủy, một nhà nghiên cứu độc lập về nông nghiệp vừa trở lại Hà Nội từ vùng lúa đồng bằng sông Cửu Long, vẫn trăn trở về “2 vấn đề chưa tìm được địa chỉ”. 

 

Thứ nhất, ai sẽ mua gạo chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam? Trong bối cảnh nhu cầu trong nước về gạo phát thải thấp chưa được xác định, các nhà mua nước ngoài chưa xuất hiện và không có gì đảm bảo họ sẽ mua loại gạo này. Hiện thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất là Philippines, nhưng chỉ tập trung vào một số loại gạo thường, gần như không mua gạo chất lượng cao. Thị trường EU có thể quan tâm đến loại gạo phát thải thấp, nhưng không thuộc Top thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. EU có nhu cầu gạo không lớn do tiêu thụ bình quân đầu người hằng năm chỉ khoảng 6 kg/người (theo Eurostat).

Thứ 2, người mua gạo độc lập với người mua tín chỉ carbon lúa. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có World Bank đề xuất cơ chế chi trả tiền giảm phát thải carbon dựa trên kết quả cho Đề án 1 triệu ha lúa với giá 10 USD/tín chỉ. Bây giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn đang phải làm việc với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để xác định được chi phí hình thành 1 tín chỉ carbon lúa, trước khi xác định được mức giá cụ thể 1 tín chỉ carbon.

Trên giấy tờ, Đề án có vẻ ấn tượng, nhưng trong thực tế, đầu tư hạ tầng sản xuất lúa phát thải thấp đòi hỏi kinh phí rất lớn. Chỉ tính riêng thí điểm ở tỉnh Kiên Giang, kinh phí phát triển 200.000 ha lúa phát thải thấp đã lên tới hơn 596 tỉ đồng, được huy đồng từ ngân sách tỉnh, vay World Bank và vốn tư nhân. Hiện các địa phương thực hiện thí điểm chưa có công cụ để bóc tách chi phí đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng lúa, thậm chí chưa tính được chi phí xử lý phụ phẩm và chất thải sau thu hoạch. 

Việc áp dụng phương thức canh tác mới có thể giúp giảm chi phí nước và phân bón nhưng lại không tính đến năng lực của địa phương, điều kiện hạ tầng thủy lợi, cũng như nguồn lực của người nông dân phải bỏ ra để áp dụng triệt để các tiêu chuẩn cao trong canh tác theo phương thức mới. Nông dân trồng lúa sẽ bị lỗ khi bỏ ra nhiều nguồn lực hơn để áp dụng phương thức canh tác mới, nếu không bán được tín chỉ carbon, cũng không bán được gạo với giá cao hơn.

Việc hỗ trợ quá mức cho sản xuất lúa phát thải thấp hiện nay có thể dẫn đến vi phạm các quy định thương mại quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả trong lúc này, ngành nông nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu chuyển hướng mạnh hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng để mang lại lợi ích lớn hơn từ cây lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV), tiến tới bán tín chỉ carbon lúa, khi thị trường tín chỉ carbon được vận hành vào năm 2029. 

Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, khuyến cáo rằng thị trường carbon không phải là một ngành kinh tế mới, nó được tạo ra như một kênh tài chính bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải. Sẽ chệch hướng nếu đầu tư sản xuất lúa theo hướng bán tín chỉ carbon - một sản phẩm phi vật lý, có giới hạn về thời gian, sẽ “biến mất” nếu đến thời điểm mà không bán được.

Vân Nguyễn (nhipcaudautu.vn)

Lượt xem: 19

Các tin khác

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

Bức tranh quản lý rác thải phức tạp tại Việt Nam

(23/09/2024 09:38:AM)

Phân loại rác đúng cách để bảo vệ môi trường

(16/09/2024 07:22:AM)

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 - Nhiệm vụ nào cần được thực hiện?

(15/09/2024 06:57:AM)

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

(12/09/2024 06:18:AM)

Phát triển giao thông xanh là nền tảng để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh

(03/09/2024 05:26:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE