quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

'Cởi gió' - Lẳng lặng những thang âm bất tận xanh (1)

Thứ Năm, 21/04/2011 | 10:20:00 AM

"Cởi gió", 42 bài thơ với những tên đất rung lên da diết nhớ thương, những tên người đậu lại ấm áp nghĩa tình cha chiều hôm cánh đồng rạ, khúc trưa quang gánh mẹ, hoàng hôn vòng tay anh… là những bài ca xanh, nốt nhạc trong ngần.

Lê Vũ

(Đọc tập thơ “Cởi gió” của Nguyễn Phan Quế Mai, NXB Hội nhà văn 2010)

Chấm phá lên ta...
Chấm phá lên ta....
Hoàng hôn không cúc.

Tadao Ando, khi bàn về kiến trúc và sáng tạo đã khẳng định “Các bạn không thể chỉ đơn thuần đặt gì đó mới vào một khu đất. Mà bạn phải cảm thụ thấy cái gì ở xung quanh bạn, cái gì đang tồn tại trên mặt đất, tiếp đó sử dụng tri thức cùng với những tư duy hiện tại để làm sáng tỏ thứ mà bạn nhìn thấy” [1]. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai có lẽ cũng đồng hành với Tadao Ando khi xây dựng nền móng tập thơ Cởi gió. Chị đã chấm phá lên những sắc màu, thanh âm với một chút ấn tượng, một chút siêu thực, cả một chút thiền thơm mấy chân mây tịnh tịnh cộng vào với cảm xúc và nghiệm sinh đa chiều dọc chiều dài kinh vĩ tuyến của một thế giới phẳng…

Người luôn phải gắn bó với không/ thời gian mà họ tồn tại. Đã có những mâu thuẫn không trùng khớp giữa thực tế và tư duy logic và Nguyễn Phan Quế Mai đã dùng thơ như một phương tiện để trút thoát giải bày? Này là con chim bị cầm tù trong tiếng ngợi ca của bầy đàn/ một con kiến bị cầm tù trong hộp thư điện tử nhiều ngăn nên thi sĩ đã cởi lên đôi cánh gió và bay lên trên ý nghĩ. Kia là một “chạm tóc ban mai” với những phụ/ nguyên âm hoang mang tận thế cố gắng quẫy đạp hóa thai. Còn nữa là “ngôi nhà trái đất” Mùa đông khâm liệm lá/ Tôi trơ trọi trên lối bê tông nghĩa địa loài cỏ/ Nỗi buồn không chỗ treo và nhà thơ vuốt mặt mình chẳng thể nhận ra tôi”.

Bìa cuốn sách.
Bìa cuốn sách.

Phải chăng đây là cái cực của bóng tối, hoài nghi, của mộ huyệt hoang tưởng trên đường kiếm tìm bản ngã, là ý thức phản kháng cái hiện thực hỗn loạn và bất ổn trong cảm thức hậu hiện đại? Không, tôi nghĩ “Cởi gió” không thể/ không hề là tập thơ mang sắc thái Hậu hiện đại. Đây chỉ là bản ngã tự ý thức, duy lý, tự do về ý chí và mang những đặc điểm chung của con người đương đại . Tri thức cùng với những tư duy hiện tại, theo tinh thần của Tadao Ando, đã soi vào vùng đất còn leo nheo tối. Cuộc sống Hiện đại, theo Baudelaire, cũng nhất thời, ngẫu nhiên, và phù du, như thể…

***

Cởi gió, 42 bài thơ với những tên đất rung lên da diết nhớ thương, những tên người đậu lại ấm áp nghĩa tình cha chiều hôm cánh đồng rạ, khúc trưa quang gánh mẹ, hoàng hôn vòng tay anh… là những bài ca xanh, nốt nhạc trong ngần. Cõi xanh mới là hồn cốt, bóng vía của tập thơ và ở đây, thi sĩ lấy mây làm áo, lấy trắng làm nền. Mây cứ che trên đầu để ngày thong dong tự do, dâm bóng mát bình yên; cứ trắng tinh tươm những con phố cho mắt ngấn em trong một hồn giấy mới, cho lũ chim non há mõ đợi mẹ về trên chót vót trắng trời. Trắng để sạch…

Tôi du ca qua những vùng sa mạc đời người khô cát sỏi
Đợi một ngày mây trắng dừng chân….( Mây )

Những lẻ loi buồn, những ký ức chông chênh ngày gió là “thực” nhưng không hề “dày” lên làm một bè trầm níu kéo những “thang âm lằng lặng bất tận xanh”. Đề tài tưởng như nhàm cũ nhưng không, cái tài của thi sĩ nằm ở đây, nằm trong chính ngôn ngữ mà mỗi từ là một cấu tạo hai phần: ký hiệu cho một ý niệm (signified) và âm thanh phát sinh từ ký hiệu đó (signifier) [2]. Nếu thơ như một phương tiện trút thoát thì ngược lại, ngôn ngữ tự lấy nó làm cứu cánh, là ý tưởng chứ phải là tiêu chỉ sự thể (referential). “Thi trung hữu họa”. Sài Gòn ngọn nắng đỏ, bụi khói, ồn ĩ còi xe nhưng màu của ngắm nhìn lại bình yên phơi tranh thủy mặc: “Phố xưa con đường ướt mưa tiếng chim xanh hàng me”. Những thanh bằng và âm mở (signifier) nhẹ như một thầm thì còn ý niệm (signified) lại rung lên dịu dàng gắn bó. Còn đây là phác vẽ một Hà Nội thực và mơ:

Hồ Gươm Hồ Tây Hồ Ngọc Khánh những mặt hồ sóng sánh đổ vào tôi ánh sáng
Di cư vào tôi những đỏ trắng tím hồng của hoa phượng, loa kèn, bằng lăng, sen ngát
Du mục vào tôi chợ hoa đêm Quảng Bá những vầng nón lá sáng vầng trăng
Bãi sông Hồng cong dáng em thiếu nữ mùi hoa sữa vương mềm tóc
Cửa Ô vào đêm mở ra lối nhỏ ảo mờ sương phủ lạc bước người về
Ba mươi sáu phố dẫn về ngực tháp Rùa

Bên cạnh, Miền Tây, buổi dài tóc xanh sóng Cữu Long chợt lãng đãng siêu thực: “Cầu khỉ cheo leo bàn chân quên lối/ Ngày đuổi kịp tôi / Ngày níu áo ngày/ Để tôi cởi gió/ Thả vàng lên cây!”

Lấy ngôn ngữ để biện bày những nhát cắt hiện thực nhưng Nguyễn Phan Quế Mai chưa bao giờ là tử đệ của dòng thơ ngôn ngữ hay xếp đặt/ trình diễn thơ. Những con chữ nôn nao chảy ra đầu bút của xúc cảm thiêng liêng. Và thơ, không chỉ là tranh mà còn vang ngân âm nhạc. Ngân cùng Paris là giai điệu chạm ngực trẻ mười tám, khúc Tango dìu dặt dâng lên dâng lên da trời xanh, Eiffeil tháp, chở thanh điệu về thường trú trên chóp Notre- Dame, bình yên hạt nắng Victory rồi chống chếnh mơ màng sông Seine quên trôi. Về thăm Goethe, một cung điệu khác, trầm tư mà da diết nhớ thương. Xung quanh tôi những câu thơ vần vũ/ những vần thơ không ngủ. Nhịp biến đi và cao trào là những thanh trắc và cái âm “ủ” cứ chệch choạc xé vầng mây, chiếm lãnh một chân trời ám ảnh những vần thơ của thi hào. Sâu thẳm hơn, Nghe Sonata ánh trăng là một khúc giao hưởng mở ra với nhạc đề (thème) “Những phím đàn cựa mình/ quẫy lên/ khoảnh khắc không vấy bẩn tiếng ồn khai sinh” phát triển với những biến tấu (variations) để về lại nhạc đề chính “Dòng thanh âm/ ngả tôi nhẹ nhàng/một thân thể đã được thanh tẩy”. Ngoài kia trên mênh mông biển là giai điệu allegro cuộn chảy của violon và dương cầm thổi bùng sóng nhạc mùa thu, tung tẩy lớp lớp chân mây: "Và sáng và sáng và sáng/ Và lấp lánh và lấp lánh và lấp lánh/ Mùa thu ta từng qua mùa thu ta chưa từng sống" (Mùa thu ở biển). Ta lại nghe ra khúc dân ca, câu quan họ với trắng xanh xanh trắng, với vàng vàng rơm rạ đan kết luyến láy đưa tình mời mọc trao duyên. Mỗi cung mỗi bậc đều hiển thị lồ lộ chất nữ tính Đông Phương uyển chuyển mềm mại của thi sĩ.

(Evăn, 16/4/2011)

1] Linh hồn của chủ nghĩa Hiện đại (bài phỏng vấn của Achitectural Record với Tadao Ando) ,
[2] Lý thuyết về ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure ,


 

Lượt xem: 2280

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE