quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Chuyện môi trường thường ngày

Thứ Tư, 16/03/2011 | 04:03:00 AM

Làm vài chầu cà phê Quán Môi trường, đàm tiếu mấy chuyện thời sự ô nhiễm, bảo tồn, ôzôn, khí hậu, hoặc là sóng thần, động đất ở Nhật gần hơn là núi Ba Vì, Rùa Hồ Gươm.


Phó Hội Viên - VACNE
                  Mấy ông khách trưa nay ngồi lâu quá, 2 giờ chiều vẫn chưa hết chuyện. Tranh thủ nghỉ một chút để còn chuẩn bị đón các vị buổi chiều, thường là khoảng 3 giờ, các vị cố ngồi đến lúc nghỉ "giải lao" giữa buổi họp là vù đến quán, mặc các quan khách ở lại mà tranh luận, mà kết luận. Với các vị này thế là đủ, còn bây giờ làm vài chầu cà phê Quán Môi trường, gặp dăm bảy ông bạn cũng hoàn cảnh tương tự, đàm tiếu mấy chuyện thời sự ô nhiễm, bảo tồn, ôzôn, khí hậu, hoặc là sóng thần, động đất ở Nhật gần hơn là núi Ba Vì, Rùa Hồ Gươm.
Đang miên man thư giãn thỉ một tiếng gáy của tay "ngủ sỹ" nằm trên 3 chiếc ghế ngay bên cạnh gầm lên, giật cả mình. Tiếp theo là một loạt tiếng nổ không kém gì tiếng pháo tép hồi còn hủ tục cho đốt. Có người ví tiếng nổ đầu như tiếng xe công nông mở máy hoặc tiếng còi điện xe 10 tấn trong phố đông, còn loạt tiếng nổ tiếp sau như tiếng lợn bị chọc tiết hoặc người bị bóp cổ. Lần đầu nghe ai cũng sợ, hớt hải nhìn quanh. Nhưng mấy anh em phục vụ Quán này thì quá quen rồi, đành phải chung sống với ngáy thôi. Sở dĩ tay này có tên "ngủ sỹ" vì kiểu gì, sau khi ăn trưa, hắn cũng tìm cách chợp mắt. Ở phòng làm việc, trong phòng họp, ở nhà ga lúc đợi tàu hay trên xe lúc xe chạy, cứ như cái máy, nhất định phải ngủ cái đã. Thôi thì đấy là chuyện của hắn, nhưng cái kiểu làm ô nhiễm tiếng ồn thì không thể chịu được. Mà lạ là cứ như hắn cố tình chọc tức mọi người. Hắn ngáy một tiếng rất to, ngừng lại, kiểu chờ xem có ai phản ứng gì không, rồi kéo liền một tràng liên thanh sau đó. Lại im. Lại một tiếng nổ to, lại 1 tràng tiếp theo. Có người tức quá, mách nước quan toà là nếu định trị kẻ phạm tội gây ô nhiễm môi trường cứ nhốt vào ngủ trưa liên tục với "ngủ sỹ" của Quán này, cho tội nhân hiểu thế nào là ô nhiễm tiếng ồn.
Thế là mất cả thư giãn buổi trưa. Bỗng có tiếng điện thoại réo. Sớm thế. Chưa đến 3 giờ. Đầu kia nghe tiếng quen quen. Này chủ quán, sao hồi này Tản mạn thưa thớt thế, sắp xập tiệm à. Dạ không, em còn đang tính chuyện mở rộng diện tích bằng cách nâng tầng, nhưng không xin được phép. Có khi còn bị thu hồi nữa vì mặt bằng quán em thuộc diện siêu mỏng, siêu méo. Là thế nào, đầu kia hỏi. Ồ bác này lạ nhỉ, không nhớ Quán em chỉ có 3 góc à, 3 góc hẳn hoi chứ không phải 4 góc thót hậu đâu. Hà Nội dạo này nghiêm lắm, đã đếm được và định thu hồi xử lý trên 500 nhà siêu mỏng, siêu méo rồi, không biết có quán em không. Thế mà dạo trước em cứ tự hào là nhà 3 góc mới moden, hiện đại, độc đáo, ít ra cũng nhất phố. À, còn chuyện Quán còn cà phê G-150 không thì thú thật, còn, vì em đã tích trữ một ít chứ không lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột vét hết trơn hết trọi ngay, nhất là khi trong nước, ngoài nước đều kéo về thưởng thức. Hình như có cả Vua bóng đá Pêlê nữa thì phải. Còn ít cà phê, nên Tản mạn cũng mỏng thôi. May mà vẫn còn, vẫn có, bác yên tâm đi.
Chưa kịp đặt điện thoại xuống thì đã có khách vào. Hơi sớm so với mọi khi, không biết có chuyện gì đây.
-         Chủ quán đâu, cho 2 ly đen nóng đi, G-7 ấy, nhanh lên. Hai ông khách có vẻ lần đầu vào quán, nói giọng đanh lắm.
-         Dạ, Quán em chỉ có G-150 thôi hai bác ạ, G-7 tập trung cả cho Lễ hội cà phê Buôn Ma rồi ạ.
-         Chán bỏ mẹ, làm gì có loại G-150?
-         Dạ có, đây là đẳng cấp "đang phát triển" ạ, uống được lắm đấy. Chủ Quán lại nhỏ nhẹ.
-         Thôi thử uống đi, cũng được. Ông khách thư hai nói giọng bớt đanh hơn.
Chủ quán vừa pha cà phê vừa quan sát 2 vị khách lạ. À, nhận ra rồi một ông to to trông như vị tướng kia là vị ngồi trên thuyền bắt cụ Rùa Hồ Gươm, à không, bây giờ báo chí đều viết là bắt Rùa, bỏ "Cụ" rồi. Ông còn lại cũng dân ngồi trên thuyền, đích thị rồi. Các nhân vật này thường trực trên các phương tiện truyền thông suốt thời gian gần đây, nên cũng dễ nhận ra thôi. Chắc có chuyện gì nên có vẻ không vui. Ông trông như vị tướng nói như đang tiếp tục câu chuyện ngoài đường.
-         Lạ thật, 40 tay chuyên gia bên Singapore biết gì địa hình địa vật, tập tính Rùa nhà mình mà góp ý, góp tứ, đảo lộn hết cả kế hoạch của Thành phố nhỉ?
-         Ừ, vị nhỏ con hơn nói. Bản khuyến cáo dài tới 2000 từ tiếng Anh, chê phương pháp quây bắt, cho rằng địa điểm lựa chọn chụp lưới là sai, vị trí đặt "bệnh viện Rùa" là không đúng. Họ cảnh báo theo ý khéo lại rùa lành chữa thành rùa què đấy.
-         Ta bàn mãi rồi. Nhưng tôi không hiểu sao có nhân vật quan trọng lại nói đại ý ai cho lệnh lại bắt dẫn Rùa thì người đó chịu trách nhiệm. Ý là thế nào nhỉ?
-         Chắc còn vấn đề gì đây. Tất nhiên hết thế nào được, nhưng lúc này cần sự đồng tâm hiệp lực.
-         Nhưng cứ ầm ầm đến xem, ầm ầm kêu gào, ầm ầm góp ý như lúc này thì làm thế nào được. Tôi thấy ở Quán này có người nói đúng là thế mấy ông bác sỹ thú y đích thực đâu, sao chẳng thấy ai lên tiếng nên tôi đến đây xem có người trao đổi không. Chủ quán có biết người nói câu trên không, hay chẳng đọc Tản mạn môi trường bao giờ?
-         Dạ có chứ ạ. Chủ quán trả lời. Cái ông nói câu đó vừa đi công tác xa, hôm qua còn ngồi đây. Em nghe ông ấy nói, cùng một sự kiện gay cấn, cách cư xử của người dân mỗi nước một khác. Ở Trung Đông hay Campuchia, dẫm đạp, chen lấn làm chết nhiều người khi đi dự lễ hội. Lễ hội ở ta cũng loạn lắm, nhưng may chưa thấy có người thiệt mạng. Trong khi ở Mỹ, vụ 11 tháng 9, máy bay đâm vào 2 toà tháp Thương mại, thang máy hỏng, 3 hàng người chạy xuống, 1 hàng người chạy lên theo cầu thang, trật tự, khẩn trương, nên thoát được rất nhiều. Gần đây là động đất, sóng thần ở Nhật. Không thể có gì khủng khiếp hơn. Tivi, video, báo ảnh liên tục đưa tin, nhưng đâu có thấy ai kêu gào khóc lóc. Cứ mở phim Việt ra mà xem, đố thấy phim nào không liên tục khóc, gào. Ấy là cái ông kia nói vậy, bác hỏi em xin trả lời ạ.
-         Khá đấy, ông trông như vị tướng khen. Thế mà không gặp tay kia. Nói chưa xong thì một toán 4-5 vị khách ùa vào. Nhưng mà có chúng tôi đây, cũng nói chuyện môi trường, động đất nhé.
-         Ồ tưởng ai, khách lạ mà quen. Rùa chưa xong lại đến động đất, sóng thần, núi lửa. Họa vô đơn chí. Cứ như cái lò xo môi trường đang đứt hay sao ấy. Một vị cao to trong đoàn mới vào vừa nói vừa kéo ghế ngồi cạnh ông trông như vị tướng, rồi nói thêm. Chào đại ca, dạo này làm tướng chỉ huy chiến dịch cứu Rùa hồ Gươm vất vả quá, rất đồng cảm.
-         Ối dào, tưởng là tướng tá gì. Mình phải tâm linh, chỉnh tề khi hầu hạ, tiếp xúc với truyền thuyết, với di sản.
-         Đúng đấy, nhiều người hưởng ứng. Dần dần, câu chuyện chuyển sang việc hoạ vô đơn chí của Nhật. Rồi lại liên hệ, suy đoán. Một vị nêu:
-         Cùng nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, động đất, núi lửa, sóng thần ầm ầm ở Inđônêxia phía Nam, rồi lại cũng động đất, sóng thần, núi lửa ầm ầm ở Nhật phía Bắc, trước nữa là động đất Đài Loan, siêu bão Philippin, hạn hán lũ lụt Trung Quốc. Các dấu hiệu thiên tai khủng ở nước ta cũng đã xuất hiện. Tai họa nào đang rình rập đây, có phải cũng là do biến đổi khí hậu nữa không nhỉ?
-         Thôi, ông nói gì mà xa xôi và ghê gớm thế. Cứ thử nói chuyện thượng nguồn Mekong bị chắn dòng xây đập hoặc nước sông Hồng đoạn sau biên giới bị đầu độc đã.
-         Không xa đâu. Năm 1911 ngoài khơi Nam Trung Bộ đã xuất hiện núi tro, rồi sau 1 đêm đã biến mất. Người ta bảo là hoạt động của núi lửa đấy. Hồ Lak Tây Nguyên là miệng núi lửa chứ là gì, thế nên dạo bùn đỏ bauxit chả ối người liên hệ đấy sao.
-         Tôi cũng thấy những chuyện đó rất gần đấy. Vị đeo cặp kính đen lên tiếng. Chả thế mà Hà Nội đã ban bố văn bản gì đó đề phòng động đất. Thỉnh thoảng vẫn có rung chấn đấy.
-         Tôi chỉ nhớ là nếu có chuyện gì thì chạy ra bãi trống, đừng loanh quanh trong nhà, không biết có phải không?
Thế là cả chục người râm ran thảo luận về cách phòng tránh khi có động đất xảy ra, cứ y như tai họa sắp đến ấy. Có sao đâu, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhiều anh cứ ngại không đến bệnh viện khám bệnh thường xuyên, cũng không phải do họ tự cho là mình khoẻ đâu, có khi chỉ do lười mãi thành quen thôi. Cho nên, phải đánh động đi, phải đề phòng đi, phải tập rượt nữa. Cứ xem việc cứu cụ Rùa hồ Gươm thì rõ, tập tành không đến nơi đến chốn là có chuyện ngay. Nhất là đừng có rối tinh rồi mù lên. Không có chuyên môn gì cũng hò hét, chỉ chỏ, điều khiển, ầm ầm lên. Rồi xúm đen xúm đỏ vào. Đâu có giải quyết được chuyện gì. Vấn đề môi trường rắc rối đến mấy cũng có thể giải quyết được. Khẩn trương, nhưng phải khoa học, hợp lý.
Đang say sưa thì ông Chủ quán tuyên bố hết giờ, nhắc mọi người về sớm để còn kịp mai đi dự Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam ở thành phố Hải Phòng, tiếp sau Hà Nội, Huế, Hải Dương. Ông chủ quán còn nói sắp tới sẽ đến lượt Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam vinh danh Cây Di sản Việt Nam đấy.
Mọi người chia tay nhau trong khi ngoài trời, đợt gió mùa đông bắc cực mạnh giữa tháng 2 Âm lịch đang về. Gió ào ào, mưa xối xả. Có khi có cả mưa đá, Đài bảo thế. Ác liệt thế, môi trường ơi./.
 

Lượt xem: 1293

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE