Tuổi thơ tôi trôi qua gắn liền với những mùa hoa bưởi ngát hương, gắn liền với đôi bàn tay tần tảo của mẹ sớm hôm mưa nắng. Giữa những ngày đầu xuân ấm áp được nâng niu bát chè hoa cau của mẹ mới thấy quý hơn những chăm chút yêu thương mà mẹ đã dành cho gia đình. Nhìn bát chè xinh xinh, nhẹ nhàng quyến rũ như một tác phẩm nghệ thuật hẳn không dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Mỗi lần được trở về nhà tôi lại chăm chú xem từng công đoạn nấu chè của mẹ.
Việc làm chè đầu tiên bắt đầu bằng khâu lựa chọn nguyên liệu, mẹ chỉ cho tôi rằng đỗ dùng để nấu chè phải là loại đỗ hạt tiêu vàng và thơm có hạt đều nhau. Đỗ được ngâm từ tối hôm trước cho nở rồi mẹ bảo tôi đem ra đãi và cho vài hạt muối vào để đỗ có vị đậm. Tôi thấy mẹ đem hấp đỗ trong cái chõ. Tưởng như đơn giản nhưng mẹ luôn nhắc tôi phải để mắt tới nồi hấp vì khi để đỗ chín quá , đỗ sẽ bị nát trông không đẹp mắt. Đến công đoạn mà tôi cho là khó nhất, và rất nhiều lần tôi vẫn không làm được đó là khâu khuấy bột. Bột năng được mẹ cho vào nước và quấy tan, trong lúc quấy phải thật đều tay, không được để bột quá già hoặc non quá sẽ làm cho chè không ngon. Vừa khuấy vừa cho nước hoa bưởi vào , đảo thật đều tay, nhìn bàn tay mẹ thoăn thoắt mà tôi tự nhủ, sao mình không làm được, phải chăng ở tôi thiếu đi sự khóe léo, thiếu đi sự cẩn thận như mẹ.
Sau khi nấu chè xong là công đoạn ướp hương cho chè, đây là công đoạn không thể thiếu, và là linh hồn của món chè hoa cau này. Mẹ bảo rằng muốn cho chè thơm thì phải ướp hoa bưởi vào bát đựng chè. Nhưng tôi vẫn tò mò rằng tại sao ướp hoa bưởi mà lại được gọi là chè hoa cau, mẹ cười và nói rằng chè hoa cau bởi vì nhìn những hạt đỗ xanh trong bát chè trông giống như những cánh hoa cau. Thế là tôi đã hiểu việc ướp hương hoa bưởi không liên quan gì đến cái tên của món chè này. Mẹ sai tôi lấy chiếc bát sứ Giang Tây, chiếc bát được ưu tiên tham gia vào công đoạn này bởi vì nó rất mỏng thích hợp cho việc ướp hương. Sau khi rửa sạch cát và rang nóng lên, mẹ đổ cát ra một cái nong rồi đem giấy bản trải lên cát trong khi hoa bưởi hái về đã được để trên giấy. Mỗi chiếc bát sẽ được úp vài bông hoa bưởi vẫn còn đang ngát hương.
Mẹ giải thích rằng có được mùi của hoa bưởi là do trong công đoạn ướp hương, cát nóng làm cho hoa bưởi bốc hơi, đọng lại lớp nước sương trong lòng bát . Sau khi múc bột đã được quấy vào bát mẹ nhẹ nhàng rắc những hạt đậu xanh, mẹ dặn tôi rắc khéo không để cho hạt đậu bị chìm, không vón cục.
Thật lạ kì những hạt đậu xanh trông lững lờ đúng như những bông hoa cau rụng xuống mặt hồ, gợi cảm giác thanh tịnh, ấp ủ nỗi nhớ thương, sum họp. Cuối cùng mẹ chế thêm ít nước dừa trắng lên mặt những bát chè hoa cau còn nóng và nồng nàn hương hoa bưởi, để mỗi bát chè xinh xắn lại được hòa quyện bởi những thứ hương bùi ngùi khó quên.
Mỗi lần trở về nhà nhìn đôi tay khéo léo của mẹ làm món chè hoa cau, lòng tôi lại bâng khuâng vì những cảm xúc khó tả. Đó không chỉ là cảm xúc về món chè hoa cau mẹ làm, không chỉ là cảm xúc về tình cảm mẹ con sâu nặng, mà còn là cảm xúc về những giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc vẫn đang được lưu giữ ngay trong gia đình mình.