Tin về phát hiện cây nghiến cổ thụ ở một bản hẻo lánh nơi non nước Cao Bằng mấy tháng nay vẫn làm nức lòng các hội viên VACNE.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Đầu tiên là việc công bố ngay thông tin này, rất may là có cả bức ảnh của anh chị em bên Thiên niên net.com. Rồi đến việc cử người, đúng hơn là nhờ các vị lãnh đạo Hội BVTN&MT Cao Bằng về tận nơi khảo sát, xác nhận. Hội đồng Cây Di sản Việt Nam mở phiên họp khẩn. Vấn đề tuổi của cây được trao đổi kỹ lưỡng, kết hợp việc so sánh với cây nghiến Khu Di tích Pác Bó và cây nghiến nơi Kim Đồng ngã xuống.
Gần đến ngày sinh lần thứ 121 của Bác Hồ, VACNE quyết định tổ chức lễ vinh danh cây nghiến ngàn năm. Đường từ Cao Bằng về Hạ Lang buổi sớm sao mà hùng vĩ và nên thơ vậy. Tôi viết “chính luận” quen rồi, bây giờ không tả cảnh được nữa. Chợt nhớ đến Đỗ Chu. Sương sớm giăng hàng, ánh mặt trời trong trẻo, gió mát tràn vào xe và con đường như sợi chỉ uốn lượn, lên xuống, trôi đi, trôi đi với bao háo hức, xốn xang của những người lần đầu được chiêm ngưỡng. Rừng trên các sườn núi đang xanh, những vạt ngô mơn mởn dưới thung lũng đang xào xạc, níu kéo. Tiếng ai đó khẽ hát, bài hát về quê hương, đất nước.
Đang mơ màng thì bỗng rầm, xe vấp ổ gà tưởng gẫy trục. Thực tế đi, đây là con đường miền núi. Mặc, không ai bận tâm, chỉ lo xe ca đằng sau, không biết có qua được không. Xe của Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng tăng tốc vì đã quá muộn. Đường còn xa, tránh hết đoàn xe chở hàng cồng kềnh này lại đến đoàn khác. Gặp xe đi ngược chiều là phải chờ. Đây rồi, đường vào Kim Loan mới mở, nhỏ, nhưng mặt đường tốt hơn. Đến chân dốc nhìn lên đã thấy trên đó có nhiều người, nhưng hình dáng quen quen của cây nghiến mới làm tôi chú ý. Tuyệt quá. Uy nghiêm, thẳng đẹp như chàng dũng sỹ tráng kiệt ưỡn ngực ra đón ánh mặt trời, chào làn gió mát.
Vừa xuống xe, một cụ già bản đã xáp lại. Vất vả không, cụ hỏi. Chào cụ, cũng không đến nỗi nào ạ. Thế còn may đấy, 1 năm trước thì không đi xe về bản này được đâu. Cụ già lại vui vẻ nói. Tôi nhìn quanh. Hóa ra không phải chỉ có 1 cây nghiến ngàn năm, cả 2 quả núi này phủ kín nghiến, nhiều cây cao to không kém gì cây đã đăng ký. Như hiểu ý, cụ già nói ngay, cây này vào loại cao to nhất, già tuổi nhất. Phía sau núi có cây to hơn, nhưng không tới được. Công nhận cây này là Cây Di ản Việt Nam tức là đã công nhận cả rừng lim quanh bản rồi, cán bộ yên tâm đi.
Tôi lại nhìn quanh. Trên chục cô gái Tày, Nùng mặc quần áo dân tộc đang tíu tít cạnh chiếc xe của Đội tuyên truyền xung kích của huyện, gọi là xe Truyền thông lưu động. Rất nhiều thanh niên trẻ bế theo cháu nhỏ đi lại quanh nơi đang căng phông cho buổi lễ. Do đường xá đi lại khó khăn, xa xôi, việc chuẩn bị tổ chức các hoạt động kiểu này chủ yếu được tiến hành từ sáng sớm cùng ngày để tiết kiệm thời gian, xăng xe. Thế là chủ và khách cùng xúm vào chọn chỗ, chọn hướng, căng phông, xếp ghế, đặt thiết bị âm thanh. Vui như ngày hội là thế này đây. A, nhạc nổi lên rồi. Đương nhiên là hát then, là đàn tính. Mấy cô cậu trong đội văn nghệ bắt đầu trang điểm. Đẹp lắm rồi các cháu ơi, son phấn làm gì nữa cho mất tự nhiên.
Ông cụ khi nãy vui vẻ tham gia, chỉ bảo, phân công. Rồi lại gần tôi, cụ nói thân mật. Ông cứ ngồi nghỉ, các cháu nó làm được. Thằng này là Bí thư huyện đấy, còn đây là Phó Chủ tịch huyện. À, biết nhau rồi hả. Sáng nay chúng vào tận bản đón tôi ra đây từ khá sớm. Tất cả bà con trong bản đều ra đây. Phụ nữ, trẻ con mặc thật đẹp. Kia kìa, mấy cụ già quá không đi được đang đòi cõng ra kia kìa. Đang lo vì xe ca lớn bị xa lầy, tôi nhìn theo tay cụ chỉ. Tự nhiên lòng như xe lại. Trời ạ, không biết mình đã làm được gì cho dân bản nơi đây.