Còn nhớ thời học phổ thông, khi viết các bài luận bình giảng ca dao tục ngữ, học trò nào cũng thấy khó nhất là đoạn lý giải các tình huống ngược lại với tư tưởng chủ đạo của câu ca dao tục ngữ phải bình giảng.
Phó Hội Viên – VACNE
Giống như phải đưa ra các trường hợp ngoại lệ, những hạn chế của điều muốn nói. Bây giờ, sau bao nhiêu năm bươn trải cuộc sống thực, cứ thấy ai xướng lên câu nào là gần như chỉ nghĩ được cái vế đằng sau mà thời học trò luôn bí rì. Liệu đấy có phải là thói xấu của con người trưởng thành không. Nhưng mà vẫn cứ phải nghĩ khi nghe câu:
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Phải nghĩ, vì VACNE đã quyết định gắn cho mỗi cây hoặc cụm cây, rừng cây được vinh danh Cây Di sản Việt Nam 1 bia đá hoa cương thống nhất, khắc tiếng Việt và cả tiếng Anh nữa. Thế thì VACNE chọn cái bị mòn nhanh để gắn cho cái vĩnh cửu hơn, ít nhất cũng hàng chục lần à? Vô lý quá. Cũng may, các bia đá chữ cổ ở Sapa, Công viên đá Hà Giang vừa được quốc tế công nhận có niên liệu hàng vạn năm. Không biết có được phép đổi câu trên thành “Ngàn năm bia đá thì mòn, vạn năm…” không. Cứ luẩn quẩn nhớ lại thời học trò làm văn. Xa xôi quá rồi.
Thế còn chuyện vác đá thì chỉ mới xảy ra. Thật một trăm phần trăm. Không phải chuyện lao động của tù khổ sai, không phải cảnh khai thác các mỏ đá để làm xi măng, làm vật liệu xây dựng đang nở rộ khắp các tỉnh thành, trừ các tỉnh trung du miền núi là những nơi có nhiều đá nhất. Chẳng mấy chốc bộ mặt các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An ở phía Bắc, Kiên Giang, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía Nam sẽ thay đổi cơ bản do không còn đồi núi. Không phải những chuyện đó. Đây là chuyện 2 ông Chủ tịch, một ở Trung ương, một ở địa phương tự đi vác đá phục vụ bia đá. Đánh giá thế nào là tùy người đọc, tùy lúc đọc, nhưng chuyện vác đá thật một trăm phần trăm là thế này.
Đi nhờ xe từ tỉnh về huyện, 2 ông Chủ tịch đáp xe ôm 9km đến gốc cây đại thụ chuẩn bị vinh danh sáng hôm sau. Hai ông đều phấn chấn vì nhiều ông to dự kiến đến tham gia buổi lễ. Vừa đi vừa gọi điện cho Trưởng bản, hẹn gặp nhau dưới gốc cây. Trưởng bản đã hợp đồng với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đánh bậc dài khoảng 30m từ đường xe ô tô lên gốc cây. Đến nơi, vừa lúc Trưởng bản cũng đi xe máy tới, còn rất trẻ. Bậc đã làm xong, 2 Chủ tịch cùng leo lên. Được mươi bậc thì không phải là leo nữa, mà là bò lên. Dốc dựng ngược, trơn tuột vì trời đang lất phất mưa. Nỗi lo cứ tăng dần theo mức độ đất bám vào giày. Không đi được nữa, đành tụt giày đi chân đất. Leo đến gốc, vừa thở vừa lo. Thế này thì quan chức, đại biểu bò lên thế nào được. Lên được mà, Trưởng bản nói, mai là hết mưa, đài bảo thế. Nhưng 2 Chủ tịch lại nghĩ khác. Mai nhiều mưa hơn vì có gió mùa đông bắc về. Khổ thế, biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ tăng, nhưng ở nơi này, gió lạnh về giữa mùa hè. Đang nhìn quanh như cầu cứu thì có 3 cụ già bản leo lên, vừa đi vừa nói chuyện. Chào các cụ, chúng tôi đang lo làm sao cho mọi người lên được đây.
- Chúng tôi cũng đang tính đây. Cụ già nhất nói. Đây là chuyện chung mà. Lấy lá rừng lót các bậc thì không được, trơn hơn là không lót. Dưới suối có đá sỏi, nhưng trơn và không có người lấy đưa lên. Cách đây 1 quãng có công trường đang đổ bê tông. Thử đến đó xin hoặc mua ít đá dăm rải lên các bậc là tốt nhất.
- Dạ phải, các cụ cho ý kiến đúng đấy ạ. Trưởng bản và 2 ông Chủ tịch gật gù, nhưng chưa hết lo.
Vừa lúc có chiếc xe con dừng lại dưới gốc, chắc là do tò mò. May quá, sau khi nghe trình bày, anh lái xe đồng ý chở 2 ông Chủ tịch ra công trường. Trời mưa nặng hạt hơn, mọi người hình như đã đi tránh mưa cả. Anh bảo vệ băng đỏ cầm ô ra hỏi. Anh đồng ý cho lấy mấy xô đá dăm. Nhưng đựng bằng gì đây. Vốn con nhà lam lũ, cái khó ló cái khôn, 2 ông chủ tịch cắt đôi các bao đựng xi mang làm túi đựng. Hai vị này chắc không có chai tay, nhưng bốc đá nhanh lắm, cứ như sợ anh bảo vệ thay đổi ý kiến. Được 8 túi, áng chừng đã đủ, chiếc xe con lùi đít vào sát. Chân đất, tay bẩn, nhưng người lái xe không quen biết vẫn vui vẻ vì được đóng góp công sức cho Cây Di sản.
Trở lại chỗ cũ, mọi người đã giải tán, chắc vì không biết liệu 2 ông Chủ tịch có mang được đá về không. Chiếc xe phải vội đi đón người. Bây giờ thì vác đá thật rồi. Không biết ngày xửa ngày xưa Nữ Oa đội đá vá trời thì thế nào, còn 2 ông Chủ tịch ì ạch khuân 8 túi đá ngược dốc dưới trời mưa, rải đá ra các bậc làm tạm lên gốc cây đại thụ thì thật ly kỳ, ấn tượng. Vừa làm vừa động viên nhau. Cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ mới lát xong toàn bộ. Nào, thử đi xem nào. Quá ổn. Tay vấy máu, toàn thân mệt mỏi, nhưng vui. Xuống suối rửa chưa xong tay thì nghe tiếng còi xe. Ngoảnh lên thấy 5 xe con đỗ trên đường. Xe 80, quan to hay sao. Đúng thật. Thì ra các vị đi dự lễ ngày mai đã tới tỉnh, được tỉnh đưa lên khu vực này, nhân tiện rẽ qua. Thấy thuận tiện, mọi người leo lên gốc cây. Anh thợ ảnh đi cùng nhanh chóng ghi được mấy kiểu. Hai ông Chủ tịch lại được đi nhờ xe xịn về tỉnh. Thật là có hậu. Ngày mai, mọi người lên thăm cây dễ dàng rồi.
Tối đó, 2 ông Chủ tịch ngồi uống nước với nhau, mơ mộng đến một lúc nào đó, người ta sẽ xây đường bê tông lên tận gốc cây. Chẳng ai biết có một con đường đá dăm lên bia đá, nhưng 2 ông Chủ tịch có lẽ chỉ nhớ tới con đường vác đá này. Tự nhiên, họ nhìn nhau và cùng cười./.
Ghi lại tại Quán Cà phê Môi trường
Tháng 5, 2011