>> Tải về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường TẠI ĐÂY:
Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1/1/2015, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chính thức có hiệu lực trong đó có những nội dung đã cụ thể hóa với nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
Luật Bảo vệ Môi trường 2014 gồm 20 chương và 170 điều – tăng 5 chương và 34 điều so với Luật Bảo vệ Môi trường 2005. Về cơ bản, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 kế thừa các nội dung của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; đồng thời luật hóa chủ trương của Đảng, bổ sung một số nội dung mới về bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.
36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ ngày 5/2/2015.
Có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE) dạng xốp, không cứng; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...
Ban hành quy định xác định thiệt hại đối với môi trường
Ngày 06/01/2015, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường. Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Nghị định này quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong 3 trường hợp.
Quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
Có hiệu lực từ 15/2/2015, Nghị định Quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; hồ sơ và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Cụ thể, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có đủ 3 điều kiện.
Đầu tiên, tổ chức phải có quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó có hoạt động quan trắc môi trường. Phải có người trực tiếp phụ trách đội quan trắc tại hiện trường có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về môi trường, hóa học, sinh học, lâm nghiệp, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường.
Thông tư về giá mua điện từ dự án sử dụng chất thải rắn
Có hiệu lực kể từ ngày 07/12/2015, Thông tư 32/2015/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. Theo đó, giá mua bán điện đối với dự án phát điện sử dụng chất thải rắn nối lưới được quy định như sau: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh); Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 UScents/kWh).
Các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn áp dụng giá bán điện theo quy định trên không được áp dụng cơ chế hỗ trợ giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác, giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Chi phí mua điện của các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào trong phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thông tư nêu rõ, chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư phát điện sử dụng chất thải rắn thuộc Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia được phê duyệt. Hợp đồng đầu tư phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường hiện hành.
Quy định xử phạt vi phạm chi trả dịch vụ môi trường rừng
Có hiệu lực kể từ ngày 20/6/2015, Nghị định số 40/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản với mức phạt cao nhất tới 500.000.000 đồng
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định này không điều chỉnh đối với động vật rừng, thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ.”
Pháp lệnh Cảnh sát Môi trường chính thức có hiệu lực
Kể từ ngày 05/06/2015, Pháp lệnh Cảnh sát Môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Ngày 05/01/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Lệnh số 01/2015/L-CTN công bố Pháp lệnh Cảnh sát Môi trường. Theo đó, cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng: Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; Chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
Đồng thời, Pháp lệnh quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường, đơn cử như sau: Tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật; Tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; Áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật…
Quy chuẩn quốc gia về môi trường chính thức có hiệu lực
Quy chuẩn quốc gia về môi trường quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Quy chuẩn này áp dụng riêng cho nước thải công nghiệp dệt nhuộm. Quy chuẩn quốc gia về môi trường có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2015.
Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp dệt nhuộm ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này. Nước thải công nghiệp dệt nhuộm xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Công bố Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Ngày 17/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức giới thiệu nội dung Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật, 1 Pháp lệnh và 1 Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong đó đáng chú ý nhất là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo gồm 10 Chương, 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của của cơ quan và cá nhân trong quản lý tổng hợp.
Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển… Đặc biệt, trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật nước ta như: bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng tài nguyên; quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái…
11.400 tỷ đồng bảo vệ môi trường năm 2015
Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)