quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

“Vua” trồng rừng

Thứ Hai, 07/07/2014 | 10:31:00 AM

Từ những quả đồi trơ trọc, xa tít tắp, anh Nguyễn Văn Long, ở bản Mường Đầm Bối, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất đã dồn hết tâm sức cải tạo, trồng mới thành những khu rừng xanh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao.


Từ hai bàn tay trắng, bằng nghề trồng rừng, anh Long đã cất được ngôi nhà giữa vùng đồi núi với trị giá lên đến cả tỷ đồng.

Dám làm việc khó

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Văn Long không nghĩ sau này mình lại gắn bó với nghề trồng rừng. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Long là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em ruột. Vì hoàn cảnh khó khăn nên học hết cấp II Long đã phải nghỉ ở nhà kiếm kế sinh nhai phụ giúp bố mẹ. Hồi tưởng lại những năm tháng gian khó, Long cho biết bản thân đã trải qua rất nhiều nghề, từ nuôi vịt, làm thợ xây... trước khi gắn bó với rừng. Anh nói: "Hồi mới nghỉ học đã cùng bố mẹ và anh chị trong gia đình nuôi đàn vịt hàng trăm con, số lượng lớn nhất Yên Trung khi đó. Nuôi vịt được mấy năm, thấy hiệu quả không cao, tôi đã chuyển sang làm thợ xây dựng. Nghề mới phải nay đây mai đó, cộng với thu nhập bấp bênh nên tôi từ bỏ và trở về quê tìm cách làm ăn mới". "Cái khó ló cái khôn", sau nhiều ngày suy đi tính lại, Long quyết chí kiếm tiền từ thế mạnh ngay ở quê nhà, đó là trồng cây gây rừng.

 
Một nương sắn đang phát triển của anh Long.

Nói thì dễ, khi bắt tay vào làm mới thấy khó khăn chất chồng. Bởi vào quãng những năm 2006 - 2007, đất rừng ở Yên Trung hầu hết đã giao ổn định đến các hộ dân, để có diện tích lớn lúc này là việc không dễ. Không nản chí, anh cùng gia đình đã bỏ công sức khai hoang, cải tạo 1ha đất rừng, phần đất của gia đình được giao để trồng những cây keo tai tượng đầu tiên. "Sống ở đất rừng nhưng chưa bao giờ thực sự làm nghề trồng rừng.

Vì thế khi bắt tay vào trồng cây mới thấy phải học hỏi nhiều điều. Tôi phải làm đủ thứ việc, từ tìm hiểu chất đất, tham khảo giống cây trồng, rồi xem người ta chăm sóc, cắt tỉa như thế nào để cây sống và phát triển tốt".

Long cho biết bao nhiêu khó khăn, vất vả Long phải đương đầu và trải qua để hoàn thành trồng 1ha rừng đầu tiên. Giống phải tự mua, tự vận chuyển, đất đai cằn cỗi, pha đá sỏi, nhiều chỗ cỏ gianh cũng không mọc được, tưới nước không biết bao nhiêu cho đủ, rồi do ở khu vực miền núi nên hay gặp mưa gió, đất bị rửa trôi, thời tiết lạnh giá thất thường...

Ròng rã 5 năm trời chăm sóc, đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, lứa cây keo đầu tiên được thu hoạch, 1ha Long chỉ thu về được 35 triệu đồng. Nếu tính thời gian 5 năm thì thu nhập từ trồng rừng không cao, nhưng Long vẫn quyết tâm theo đuổi và đã nhận thầu thêm 10ha đất.

Điều đáng nói ở đây là phần diện tích anh nhận thầu đều nằm ở những khu vực canh tác rất khó khăn, vừa xa, trên núi cao hẻo lánh và chất đất rất xấu. Anh Long cười vui, nói: "Vì xấu nên mới không ai dám trồng, nếu đất đẹp chắc cũng không đến lượt tôi nữa! Khi mới nhận vợ chồng tôi cũng hoang mang".

Kể về những việc làm của người thanh niên đất Mường, không thể không nói đến "nghề tay trái" của anh. Biết trước việc trồng cây keo phải 5 - 6 năm mới được thu hoạch, vợ chồng Long đã tính toán làm thêm nghề phụ để "lấy ngắn nuôi dài". Hằng ngày lên rừng chăm sóc cây, tối về hoặc khi rảnh rỗi, Long lại phụ giúp vợ làm nghề may đo quần áo.

Từ một anh chàng nông dân chính hiệu, ngày ngày gắn bó với cái cày, cái cuốc, nhưng Long vẫn làm rất tốt công việc đòi hỏi con mắt thẩm mỹ và óc sáng tạo cao, đó là thiết kế và cắt may quần áo cho vợ anh - chị Nguyễn Thị Bắc cùng hai nhân công khác may cho dân làng trong vùng. Cơ sở may mặc Long Bắc làm ăn uy tín nên được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng, nhiều người từ các xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); xã Yên Quang (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã tìm đến.

Đất không phụ công người

Chạy xe men theo con đường khúc khuỷu, xa xa là dãy núi Vua Bà cao lừng lững, anh Long đưa chúng tôi lên khu rừng Cổ Gà. Đứng từ phía ngoài, chỉ tay vào dãy núi phía trong cùng, Long nói: Muốn lên đó phải để xe ở đây, lội bộ thêm hai quả đồi nữa mới tới nơi.

Mất một thời gian khá lâu, xuyên qua những vạt rừng keo tai tượng đã cao gấp đôi thân người trưởng thành, chúng tôi cũng đến được quả núi, nơi có cánh rừng trồng của Long.

"Trèo đèo lội suối" mới hiểu, người gắn bó với rừng phải có một sức khỏe dẻo dai. Khu rừng Cổ Gà là một trong 3 vạt rừng Long đang trồng cây keo tai tượng. Mới là năm thứ hai nhưng cây keo được chăm bón kỹ nên phát triển rất tốt, thân cây đều, chỉ năm tới là cây sẽ khép tán.

Long nói rằng, qua đợt trồng đầu tiên đã rút ra nhiều kinh nghiệm nên việc chăm sóc cũng không gặp khó khăn, chủ yếu mất nhiều công vì đường đi lại trắc trở, tiền thuê nhân công làm cỏ cũng cao hơn so với những khu rừng địa thế thuận lợi hơn. Thân sinh anh Long, bà Cấn Thị Hữu, năm nay 76 tuổi là người hiểu rõ nhất nỗi khổ khi cải tạo đất rừng cằn khô để trồng cây.

Bà Hữu kể: "Hồi vợ chồng tôi mới về mảnh đất Mường Yên Trung sinh cơ lập nghiệp, cũng gian nan lắm, chỉ đủ miếng ăn cho con. Bây giờ thấy các con làm được như vậy cũng vui, dù còn rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước".

Cùng với trồng cây keo, anh Long còn tìm đến cây sắn. Từ những năm 2009 - 2010, xót xa trước cảnh nhiều đồi, núi bỏ hoang cho cây dại mọc, anh Long đã cất công đi tìm chủ nhân và mạnh dạn hỏi thuê. Sau khi thỏa thuận, chủ đất cho thuê trong hạn kỳ 3 năm.

Vì nhận thầu thời gian ngắn nên không thể trồng cây công nghiệp dài ngày, anh quyết định chuyển sang trồng sắn. Để đến được khu trồng sắn, chúng tôi phải đi theo một con đường quanh co chạy xuyên qua các quả đồi, vượt qua một con suối và nhiều dốc đá sỏi.

Hỏi anh, chuyện chuyên chở giống, phân bón và hàng trăm tấn sắn khi thu hoạch, Long cười tươi đáp: "Chuyện đó với nông dân thì chẳng khó khăn gì. Khó nhất là làm thế nào để trồng cây xanh tốt, năng suất cao, bán được giá và đắt hàng".

Trước khi phủ xanh các đồi núi trọc bằng cây sắn, Long đã tham khảo ý kiến của nhiều người, trong đó có cả chuyên gia nông nghiệp.

Mọi khâu từ chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, làm cỏ... Long rất cẩn trọng và chỉ bảo tận tình tới từng nhân công được thuê mướn. Vì thế mà cây sắn ở vườn nhà anh Long tốt hơn hẳn các gia đình khác. Năm 2014, anh trồng thêm 5ha, nâng tổng diện tích sắn lên 25ha, nhiều nhất xã Yên Trung.

Với diện tích này, cứ đến vụ trồng hoặc thu hoạch, anh phải thuê khoảng 30 lao động, làm ròng rã trong 2 tháng mới xong. Nói chuyện với chúng tôi, Long đúc kết: "Trồng rừng nếu chỉ có tình yêu với rừng là chưa đủ, mà phải có nghị lực và quyết tâm cao. Đất dù xấu hay tốt nhưng biết trân trọng và sử dụng đúng cách thì đất sẽ không phụ công người".

Nói về "vua" trồng rừng Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch xã Yên Trung Đinh Công Tuân cho biết, ở Yên Trung, gần như hộ dân nào cũng có vài héc ta đất rừng, nhưng giàu lên từ rừng không phải ai cũng làm được như Long. Điều đáng trân trọng ở con người Long là biết phát huy thế mạnh địa phương, mạnh dạn nhận việc khó ít người làm được.


Theo Chí Kiên (Hà Nội Mới)

Lượt xem: 2334

Các tin khác

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE