Hàng trăm năm trước, các chuyên gia kiến trúc quy hoạch của chúng ta đã nói rằng, nếu muốn biết đô thị đó như thế nào thì cần nhìn cách sống của người dân. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một môi trường sống như thế nào thì người dân nơi đó cũng được hình thành với diện mạo, văn hóa, lối sống như vậy.
Thế nên, ngày xưa chủ yếu là làng quê, phố sá đơn sơ nhưng không gian sống tràn đầy ấm áp, bình dị, gần gũi yêu thương. Con người cùng thiên nhiên sống chan hòa với nhau thông qua những hình ảnh mái nhà lấp ló sau luỹ tre làng, những con đò trên sông, những bụi lau bụi cỏ xanh mướt hai bên đường, những nhà với nhà cách nhau bằng hàng rào mồng tơi, dâm bụt... Cả đời sống không gian và vật chất đều mở rộng hướng đến thiên nhiên. Tính cách con người cũng gói gọn trong những từ chất phác, thật thà, thân thiện.
Khi đô thị hóa xuất hiện, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và bên cạnh những cơ hội để người dân có một cuộc sống tốt hơn, điều này cũng mang lại nhiều thách thức. Đặc biệt là không gian sống, lối sống của người dân cũng thay đổi. Những đường sá, dãy phố chia cắt các không gian sống, những bức tường cùng nhôm kính, cổng sắt chia nhỏ các ngôi nhà.
Con người trong đô thị sống vội vã, chật chội, áp lực. Có thể nói, cuộc sống của con người đô thị hiện nay thực chất là quá trình mà toàn bộ hành động của họ từ cư trú, làm việc, đến di chuyển… diễn ra trong những “cái hộp” lớn nhỏ khác nhau. Buổi sáng họ lên những chiếc hộp ôtô, xe bus tới những “cái hộp” là cơ quan, văn phòng, vui chơi giải trí cũng trong cái hộp là siêu thị, trung tâm thương mại và tối về cũng là trong căn nhà với những bức tường bao quanh. Những chiếc hộp, những vách ngăn chia cắt đã khiến người đô thị sống khép kín, lạnh lùng hơn, ngại trao đổi, giao tiếp thậm chí “lướt qua nhau”.
Điều này xuất hiện ở hầu hết các đô thị Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, không khó để thấy chúng ta đang gặp phải vấn đề lớn trong phát triển không gian sống chất lượng. Tại nhiều nơi, dân Thủ đô phải sống trong những căn hộ, nhà ở cứng nhắc, thiếu sự đầu tư thiết kế không gian sống bền vững. Cùng với áp lực lớn trong guồng quay của một đô thị đang phát triển, “sức khỏe tâm lý” con người phần nào bị ảnh hưởng.
Mặt hạn chế của đô thị chính là văn hóa bị mai một dần. Để có thể kết hợp được giữa văn minh đô thị và văn hóa truyền thống và không để chúng triệt tiêu lẫn nhau thì đó mới là đích đến của tất cả các mô hình đô thị, đặc biệt là các đô thị hiện nay, chỉ có như vậy đó mới là đô thị vì con người.
Hiện nay, để khắc phục các hạn chế này, cứu cánh cho các đô thị, kéo người gần với người hơn chính là các không gian cộng đồng, dưới hình thức là các công viên, không gian chung mà mọi tầng lớp người dân có thể đến đó vui chơi, hưởng thụ. Quan trọng hơn là xây dựng được môi trường giao tiếp cho cộng đồng từ trẻ con, thanh niên, đến người già.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa cao với nhiều mục đích khác nhau nên người ta gần như xem nhẹ vấn đề này, thậm chí là triệt tiêu nó nên mới thiếu các không gian cộng đồng, không gian vui chơi, xa rời hơn mục tiêu vị nhân sinh.
Thực trạng này đặt ra bài toán cho việc phát triển các đô thị, trong việc thiết kế không gian sống tối ưu, sao cho mỗi cư dân không chỉ được đáp ứng các nhu cầu hàng ngày ở mức cao mà còn có được sự hài hòa giữa hiện đại và thiên nhiên, giữa làm việc, học tập và tận hưởng cuộc sống.
Đô thị vị nhân sinh chính là mục tiêu phát triển chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Không thể chỉ phát triển đô thị bằng mọi giá, đề cao yếu tố “giàu” bởi với cách này, rất nhiều giá trị về văn hóa, tự nhiên, lối sống con người bị huỷ hoại. Và đến khi muốn quay lại khôi phục phải trả giá rất nặng. Nhưng nếu bước đi ngay từ đầu quy hoạch vùng, khoanh vùng bảo tồn, phát triển và cuối cùng là phục vụ cho con người bằng không gian sống xanh, đô thị vị nhân sinh sẽ là đích đến, là phát triển cho con người, vì con người.
Đỗ Viết Chiến Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)/Xaydung