Nhầm tưởng
Trước sự bùng nổ xe đạp điện ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, cho biết, nhiều người hiện nay nhầm tưởng xe đạp điện là phương tiện sạch với môi trường, nhưng thực tế, việc sử dụng ồ ạt loại xe này đang chứa đựng những nguy cơ về môi trường không thể tính trước.
PGS Hòe cho biết trên Báo Tiền Phong rằng xe đạp điện không có khí thải trực tiếp ra môi trường như xe máy, ôtô, nhưng việc sản xuất điện lại tác động nhiều đến môi trường như phá rừng đốt than. Đáng lo ngại hơn, xe đạp điện sử dụng nhiều ắc quy chì. Mỗi xe đạp điện thường gắn 3-4 bình ắc quy, mỗi bình ắc quy có tuổi thọ 2 năm. Nếu Việt Nam có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì hai năm sẽ có 3-4 vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường.
Ắc quy chì thuộc vào nhóm chất thải nguy hại. Việc thu gom và xử lý phế liệu này phải do các doanh nghiệp có đủ giấy phép hành nghề thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Hòe, nhiều làng nghề ở Việt Nam vẫn thực hiện tái chế ắc quy với công nghệ lạc hậu, nên môi trường bị ô nhiễm nặng. Việc bùng nổ sử dụng xe đạp điện có thể làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường thông qua các làng nghề tái chế.
Theo PGS Hòe, Việt Nam cho phép nhập khẩu xe đạp điện thì cũng phải tính ngay đến việc xử lý chất thải nguy hại do loại xe này gây ra. Nếu việc xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng được nhu cầu sử dụng xe đạp điện thì tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với môi trường.
Xe đạp điện nay được xếp loại nằm giữa xe đạp và xe máy, với bàn đạp được hỗ trợ bởi tay ga hoạt động bằng pin. Giá một chiếc xe đạp điện dao động từ 320-800 USD. Pin có thể tái sạc nhiều lần và tiết kiệm năng lượng, xe đạp điện không dùng xăng và do đó lượng khí thải ít hơn các loại xe máy khác.
Tuy nhiên, xe đạp điện không hề "sạch". WSJ trích dẫn một số nghiên cứu cho biết 95% xe điện của Trung Quốc đều sử dụng pin chì nên nó sẽ thải ra không khí nhiều chì hơn các loại phương tiện khác. Loại xe này cũng phụ thuộc vào nguồn điện mà hầu hết được sản xuất từ các nhà máy đốt than.
Tháng 12/2010, chính quyền Trung Quốc bất ngờ ra lệnh thắt chặt việc sử dụng xe đạp điện dẫn đến nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Doanh số tháng 12 của một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Luyuan Group theo đó đã giảm 50% so với tháng 10/2010.
Chết vì xe đạp “sạch”
Xe đạp điện đang là "cú đáp trả" của Trung Quốc trước cuộc đổ bộ ồ ạt của xe hơi "xanh" Toyota Prius từ Nhật Bản với ưu điểm thân thiện với môi trường, chạy khỏe và giá rẻ.
Khi tai nạn giao thông đang là "sát thủ" giết người trẻ (15 - 44 tuổi) nguy hiểm nhất Trung Quốc thì xe điện nổi lên như một phương tiện an toàn. Một chiếc xe điện có khả năng chạy 40km/g.
Bloomberg tính toán hiện có khoảng 200 triệu dân Trung Quốc đi xe đạp điện, tăng 1.000 lần so với 15 năm trước. Trong năm 2012, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 90% lượng xe đạp điện trên thế giới, theo Công ty nghiên cứu Navigant Research, và ước tính tới năm 2020, khoảng 249 triệu xe đạp điện khác sẽ được bán tại nước này.
Nhà tư vấn an toàn giao thông đường bộ của Tổ chức Y tế Thế giới Brent Powis nhận định: "Loại phương tiện này được cho là giải pháp của các vấn đề giao thông trên toàn cầu và Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm".
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường đại học Bắc Kinh cùng các tổ chức khác tiến hành từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2011 cho thấy xe đạp điện có khả năng "gây tai nạn ở mức cực kỳ cao", có thể vì tốc độ của nó.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng xe đạp điện là nguyên nhân gây ra 57% các vụ tai nạn nghiêm trọng tại một bệnh viện nông thôn ở Tô Châu, 36% trong số đó bị chấn thương sọ não.
Jonathan Bental, một người dân Israel đang sống tại Bắc Kinh, đã mua xe đạp điện vì nó vừa rẻ vừa nhanh. Nhưng tai nạn bị ôtô tông cách đây 2 năm đã khiến ông bị chấn thương chân. Ông nói nếu được quyết định lại, ông sẽ không mua xe đạp điện.