quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

XAYABURI DƯỚI GÓC NHÌN ĐA CHIỀU VÀ THỰC TẾ

Thứ Hai, 14/03/2011 | 01:28:00 PM

VACNE - Trong chuyến đi công tác ở nước ngoài gần đây, tôi có dịp gặp một số chuyên gia của các nước trong lưu vực sông Mekong, xung quanh câu chuyện Lào dự kiến xây dựng đập thủy điện Xayaburi có nhiều ý kiến rất đa chiều, đáng suy ngẫm.

 
Tô Văn Trường
         Luồng ý kiến thứ nhất: Nếu đồng ý cho Lào xây dựng công trình thủy điện Xayaburi sẽ tạo thành tiền đề xấu cho kế hoạch xây dựng 12 bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong địa phận của hạ lưu sông Mekong sẽ tác động xấu đặc biệt đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam như thay đổi chế độ dòng chảy, nguồn nước sẽ khô hạn hơn, mặn xâm nhập sâu hơn, lượng phù sa, thủy sản giảm sút, tình hình xói lở bờ sông diễn biến phức tạp, là thảm họa về an ninh lương thực.  Ở vùng Xayaburi đã có hiện tượng động đất, nếu sau này xẩy ra tình trạng vỡ đập domino thì hậu quả khôn lường vv... Các tổ chức bảo vệ môi trường, kể cả Greenpeace và WWF, đang kêu gọi không được phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mekong để bảo vệ  nguồn thủy sản vv...Ngay ở Thái Lan cũng khá nhiều người dân phản đối con người tác động bằng biện pháp công trình lên dòng chính kể cả dòng nhánh sông Mekong vì họ lý luận thật đơn giản theo tiếng Thái và Lào Mê Nám có nghĩa là sông Mẹ, nuôi sống hàng chục triệu người dân bao đời nay , nếu tác động vào sông Mekong thì cũng giống như những đứa con làm tổn thương đến Mẹ và triệt đường sống của dân.
Luồng ý kiến thứ hai: Cho rằng nhiều người dân bị ngộ nhận qua các thông tin bị bóp méo, thổi phồng phổ biến chỉ dựa trên suy luận định tính, chưa có cơ sở khoa học thuyết phục. Dự án Xayaburi sẽ có tác dụng ảnh hưởng tốt cho phát triển kinh tế của Thái Lan (mua điện của Lào) và đặc biệt giúp Lào trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, mang lại một nguồn lợi tức hàng năm đáng kể trên 300 triệu USD so với GDP khoảng 6 tỉ USD trong năm 2010. Xayaburi là một dự án thủy điện chỉ dùng dòng chảy của sông (run-of-river),  ở dạng đập dâng không phải hồ chứa sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thủy học, chất lượng nước, phù sa. Đập dâng có thiết kế cống xả cát  và các thang cá (fish ladders) để  có đường đi cho các loại cá. Xác suất các đập thủy điện bị vỡ hàng loạt giống như xác suất trúng Mega Lotto (xổ số) ở Hoa Kỳ. Theo  đánh giá môi trường chiến lược (SEA), tổng số dung tích của 12 đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mekong là 11,54 tỉ m3. Còn khối lượng nước mà Biển Hồ có thể chứa trong mùa lũ có thể lên đến 70 tỉ m3. Như vậy, cho dù tất cả 12 con đập nầy có vỡ cùng một lúc thì Biển Hồ cũng có khả năng tiếp nhận phần lớn số nước nầy. Do đó, chắc cũng không có ảnh hưởng nhiều đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
 
Theo quan điểm của chúng tôi, khi con người tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả. Đây là bài toán “trade-off” đánh đổi giữa “được và mất” nên ý kiến khác nhau tùy theo nhận thức, góc đứng, cách nhìn của mỗi người. Nguyên lý chung là nếu con người tác động vào tự nhiên cụ thể như xây đập thủy điện thì phải minh chứng bằng định lượng cái được lớn nhất và cái mất là ít nhất. Những người làm công tác công tác khoa học, cần có chính kiến, tránh thái độ cực đoan, chạy theo dư luận mà phải có lập luận khoa học, chính xác bằng số liệu và trung thực, dựa trên lý luận và thực tiễn..
Không chỉ có người dân Nam bộ, mà tất cả người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều quan tâm theo dõi, lo lắng về kế hoạch xây dựng hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Theo quan điểm của Ủy hội sông Mekong (MRC) các công trình thủy điện ở thượng lưu trong phần lãnh thổ của Trung Quốc có ảnh hưởng rất ít đến đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình dự kiến chuyển nước ngoài lưu vực ở Thái Lan và 12 đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong mới ảnh hưởng nhiều đến Campuchia và Việt Nam.
Trong Hiệp định Mekong (MRC 1995), quyền phủ quyết không còn nữa, nên không có nhiều sự lựa chọn về đối sách. Không thể ỷ lại vào MRC vì bản thân vai trò, vị thế của tổ chức này cũng rất hạn chế. Đối sách có thể làm và cần phải làm là “thủ thân,” tức mình phải tự lo cho mình chứ không thể ngồi đó mà  chờ trời cứu! Chúng ta không thể “cấm” các quốc gia thượng nguồn sử dụng nguồn tài nguyên thuộc quyền sở hữu của họ, cũng như họ không cấm chúng ta xây đập thủy điện trên Sesan và Sre Pok và cống ngăn mặn ở Ba Lai. Chúng ta chỉ có thể thương thảo với họ để họ không “lạm dụng” và gây thiệt hại cho chúng ta. Điều nầy chỉ có thể thực hiện qua một hiệp ước (treaty) giữa các quốc gia ven sông với đầy đủ căn bản pháp lý quốc tế, chi tiết để thi hành, và những biện pháp bồi thường thỏa đáng nếu gây thiệt hại cho các quốc gia khác. Thí dụ như trong hiệp ước sử dụng nước sông Colorado giữa Hoa Kỳ và Mexico, hàng năm Hoa Kỳ phải xả qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico một số lượng nước mà lưu lượng và chất lượng nước đã được ghi rõ trong hiệp ước. Vì thế, hiện nay Hoa Kỳ phải xây nhà máy lọc nước ở biên giới để tuân thủ những quy định trong hiệp ước. Ở miền Bắc Việt Nam, trường hợp đơn giản và dễ làm nhất là một hiệp ước song phương về việc sử dụng nước sông Hồng tuy đã muộn nhưng có còn hơn không?
Có câu hỏi được đặt ra tại sao ta biết thủy điện trên sông Mekong là “lợi bất cập hại”, nhưng vì sao Nhà nước vẫn đồng ý cho một số Tập đoàn kinh tế của Việt Nam sang giúp Lào xây dựng đập thủy điện!? Trước đây, Tập đoàn thủy điện sông Đà sang giúp Lào khảo sát thiết kế các đập thủy điện Sekaman 1, 2 và 3 với nguồn vốn xây dựng khoảng 1 tỷ đô la. Về phía doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường lấy mục tiêu lợi nhuận là tối thượng. Các công trình thủy điện Sekaman 1,2 và 3 có thể lý giải nằm trên dòng nhánh của sông Mekong, diện tích lưu vực không lớn, và khi vận hành sẽ cấp điện cho tỉnh Kon Tum của Việt Nam. Gần đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 421/BKH-ĐTRNN ngày 11/2/2011 cho công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai được phép đầu tư dự án thủy điện Nậm Công 2 và dự án thủy điện Nậm Công 3 tại huyện Phu Vông, tỉnh Attapeu, Lào. Tổng công suất lắp máy của 2 nhà máy thủy điện này là 111 MW với lượng điện trung bình hàng năm 433,35 triệu kwh, tổng vốn đầu tư 134.951.000 đô la, dự kiến hoàn thành 12/2013. Công trình thủy điện Nậm Công 2 và 3 dù chỉ nằm trên sông nhánh Mekong nhưng lại diễn ra trong thời gian nhạy cảm này cũng là điều đáng suy ngẫm!  
Khó hiểu hơn nữa là Tập đoàn dầu khí Việt Nam lại sang nghiên cứu giúp Lào tiến hành thực hiện dự án thủy điện Luang Prabang (phía thượng lưu của công trình thủy điện Xayaburi) ngay trên dòng chính sông Mekong theo hình thức BOT! Có ý kiến lập luận nếu ta không giúp Lào thì Trung Quốc cũng nhảy vào, ta sẽ thiệt đơn, thiệt kép!? Cần phải phân tích, thảo luận làm rõ quan điểm này một cách sòng phẳng để từ đó vạch chiến lược phối hợp tổng thể cho hiệu quả, tránh tình trạng “tự lấy đá ghè vào chân mình”, thậm chí có nhà khoa học còn cho rằng đó là hành động tự lấy dây thòng lọng thắt vào cổ mình. Phải chăng có hai cái “TA” khác nhau. Cái “TA” phản đối là những người không có quyền hành, còn cái “TA” tham gia thì có đầy đủ thẩm quyền, đã và đang khuyến khích việc khai thác thủy điện trên sông Mekong? Xét về lợi ích chung, Chính phủ với vai trò là đầu mối quản lý, lãnh đạo các ngành, các tập đòan, phải lo lắng quán xuyến và sớm có chiến lược, chiến thuật phối hợp cụ thể, hợp lý, hợp tình.
Giải pháp tốt nhất là hoãn  việc tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi để có thời gian tiếp tục nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, toàn diện và khoa học về quy hoạch chiến lược phát triển lưu vực, rà soát lại việc đánh giá chiến lược môi trường (SEA) của MRC, đánh giá tác động môi trường dự án (EIA) của dự án trước, trong và sau khi xây dựng đập, tham vấn cộng đồng người dân trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vv…Đập thủy điện Xayburi chắc chắn ảnh hưởng đến đất đai và việc di chuyển của cá. Theo kinh nghiệm của đập Pak Mun, các loài cá trong sông Mekong dường như không thể đi qua các thang cá (fish ladders), chẳng hạn như cá hồi (salmon) ở sông Columbia. Chắc còn nhiều tranh luận để đi đến được sự đồng thuận về các giải pháp bảo vệ loài cá trên sông Mekong do ngăn đập. Có chuyện thật, rất khó tin là tiểu bang California ở Mỹ sẳn sàng “hy sinh” không chuyển lượng nước xuống miền Nam California để nuôi sống hàng triệu  con người chỉ vì để bảo tồn một số con cá sắp tuyệt chủng trong sông Sacramento!? Người ta tranh cãi rất nhiều giữa con người và con cá ai quan trọng hơn?
Trách nhiệm chính tham gia đàm phán với các nước thượng lưu là Ủy ban sông Mekong và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, để có đủ cơ sở khoa học và luận chứng thuyết phục, tham mưu với Chính phủ các quyết sách trong chiến lược hợp tác phát triển tài nguyên nước sông Mekong, Bộ Khoa học Công nghệ cần chủ động cho tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá tác động của việc khai thác sử dụng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đặc biệt là 12 đập ở Lào, Campuchia đối với đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần tiến hành rà soát đánh giá các dự án quy hoạch thủy lợi, nông ngư nghiệp với các kịch bản và dữ kiện mới để chủ động giúp cho người dân sẵn sàng thích ứng, đối phó hữu hiệu với cả trường hợp bất lợi nhất do thiên tai và “nhân tai”! 
 
 

Lượt xem: 1521

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE