Ths. Nguyễn Đăng Toàn - Viện QH & TK Nông nghiệp
PGS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên - Viện Kinh tế Sinh thái
1. MỞ ĐẦU
Từ những thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều mô hình Làng KTST được xây dựng ở các vùng sinh thái nhạy cảm như vùng Trung du miền núi phía Bắc (diện tích gần 11 triệu ha), vùng úng trũng đồng bằng sông Hồng (diện tích gần 160 ngàn ha - số liệu Viện QH&TKNN) và vùng ven biển miền Trung (diện tích gần 9,6 triệu ha). Các mô hình này được xây dựng do nhiều tổ chức cơ quan thực hiện, với các nội dung khác nhau, cách làm khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Nhiều mô hình đã đem lại những thành công nhất định trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng bên cạnh những thành công còn có một số mô hình Làng KTST bị thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để làm cơ sở cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình Làng KTST cần phải nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu Làng KTST.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng
- Làng KTST được xây dựng trên cơ sở các làng bản đã có sẵn.
- Làng KTST xây dựng mới hoàn toàn.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc
- Vùng úng trũng đồng bằng sông Hồng
- Vùng ven biển miền Trung
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp sử dụng có chọn lọc các kết quả nghiên cứu và các nguồn tài liệu liên quan.
- Phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích hệ thống: Đánh giá tình hình phát triển Làng KTST, những thành công, hạn chế, nguyên nhân.
- Phương pháp khảo sát thực địa: Phỏng vấn nông hộ, điều tra hiệu quả kinh tế của các mô hình cây, con, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và các mặt xã hội nơi xây dựng mô hình.
- Phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân (PRA): sử dụng phiếu điều tra để thu thập thông tin về các mô hình, phỏng vấn cán bộ địa phương, người dân về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường của các mô hình.
- Phương pháp chuyên gia: phỏng vấn, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý địa phương.
4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Mục tiêu của xây dựng mô hình Làng KTST
1) Sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, các dịch vụ ở nông thôn để phát triển kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.
2) Bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch”.
3) Đảm bảo xã hội lành mạnh và an toàn.
4.2. Nguyên tắc xây dựng mô hình Làng KTST
1) Mô hình Làng KTST vùng nào phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường của vùng đó và thống nhất với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của vùng, tỉnh và huyện.
2) Xây dựng mô hình Làng KTST cần có sự hợp tác của cộng đồng người dân cùng tham gia xây dựng mô hình.
3) Tôn trọng văn hóa và phát huy tối đa những tri thức bản địa.
4.3. Cơ sở khoa học để lựa chọn nghiên cứu, tiêu chí và chỉ tiêu Làng KTST
1) Cơ sở lý luận
- Phát triển kinh tế ổn định và bền vững ở Làng KTST
+ Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực tại chỗ hợp lý có hiệu quả.
+ Thu nhập người dân được đảm bảo và kinh tế hộ ổn định, bền vững
+ Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và đa dạng hóa sản phẩm
- Môi trường sinh thái được bảo vệ và phát triển tích cực ở Làng KTST
+ Bảo vệ môi trường sinh thái là chúng ta đưa ra những biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.
+ Đảm bảo môi trường ở khu vực dân cư được xanh- sạch.
+ Duy trì và phát triển đa dạng sinh học.
- Xã hội lành mạnh và an toàn ở Làng KTST
+ Giải quyết việc làm ổn định cho người nông dân.
+ Xây dựng tốt mối quan hệ cộng đồng, chăm lo đời sống tinh thần của người dân.
+ Chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.
2) Cơ sở pháp lý
- Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về buôn bán các loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), Công ước về chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCC) năm 1998 và công ước khung của Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu (UNFCCC).
- Các Chương trình xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
- Nghị quyết số 41 - NQ/TW của Bộ chính trị ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Nghị quyết số 46 của Bộ chính trị ngày 23/2/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Quyết định 18/2007/QĐTTg ngày 05/2/2007 về nâng tỷ lệ đất rừng lên 47% vào năm 2020.
- Nghị quyết Trung ương Đảng số 26-NQ/TW ngày25/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Luật bảo vệ môi trường năm 2005, luật đa dạng sinh học năm 2009.
3) Cơ sở thực tiễn
Dựa trên thực trạng tình hình các chỉ tiêu về kinh tế, môi trường và xã hội ở vùng nông thôn hiện nay và những chỉ tiêu đạt được về các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường và vấn đề xã hội ở các Làng KTST đã xây dựng trong thời gian qua.
4.4. Nội dung bộ tiêu chí, chỉ tiêu Làng KTST
4.4.1. Khái niệm về mô hình Làng KTST
“Mô hình Làng KTST là mô hình của một hệ sinh thái tổng hợp, có không gian sống của một cộng đồng dân cư, được xây dựng trên cơ sở làng, bản cũ hay xây dựng mới từ đầu. Làng KTST được xây dựng trên cơ sở sinh thái học, có sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống (tri thức bản địa) với kiến thức khoa học tiên tiến trong sản xuất và đời sống. Làng KTST lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, nhưng sự phát triển kinh tế, xã hội không làm phá vỡ cân bằng sinh thái cũng như môi trường sống của cộng đồng dân cư”.
4.4.2. Khái niệm về tiêu chí, chỉ tiêu Làng KTST
- Tiêu chí Làng kinh tế sinh thái là các giá trị tiêu chuẩn phải đạt thông qua các chỉ tiêu để phân biệt Làng KTST với các làng khác.
- Chỉ tiêu Làng kinh tế sinh thái là mức độ các đại lượng có thể đo đếm được cần phải đạt tới để thực hiện tiêu chí Làng kinh tế sinh thái.
4.4.3. Nội dung bộ tiêu chí, chỉ tiêu Làng KTST
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận ở trên, qua thực tế các mô hình Làng KTST đã được xây dựng trong thời gian vừa qua và qua nhiều cuộc hội thảo chúng tôi đưa ra bộ tiêu chí, chỉ tiêu của Làng KTST gồm 11 tiêu chí và 20 chỉ tiêu chung cho một Làng kinh tế sinh thái (bảng 1).