Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói: ”Dãy Trường Sơn là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam, là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là hành lang xanh của 3 nước Việt Nam- Lào- Cam-pu-chia. Việc xây dựng một cơ chế phối hợp bảo tồn giữa các quốc gia đối với khu vực có giá trị bảo tồn, giá trị lịch sử và giá trị kinh tế to lớn như vậy là rất cần thiết”.
Trong 2 ngày, Hội thảo sẽ được nghe 5 báo cáo trình bày tại phiên toàn thể và gần 30 báo cáo trình bày tại 5 tiểu ban chuyên đề. Các báo cáo tập trung vào những nội dung bổ ích về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, quan trắc đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai, năng lực bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới Việt Nam – Lào - Cam-pu-chia và các nghiên cứu về chính sách, khung pháp lý, thể chế các khu bảo tồn.
Trong bài phát biểu đề dẫn, TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE nhấn mạnh “ Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn gắn chặt với an ninh môi trường, nó giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hóa địa phương, hạn chế thiên tai lũ lụt, trượt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất; cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra các chế độ khí hậu địa phương. Qua đó tạo ra các nguồn gen đa dạng quí, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toan cho nông ngư nghiệp. Dãy Trường Sơn còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng hạn chế sự biến đổi khí hậu”.
Theo nhiều nhà khoa học,tình trạng phát triển manh mún hiện nay tại các địa phương và các quốc gia đang gây mất cân bằng về sinh thái. Vì thế, cần phải có chiến lược quản lý tổng hợp cho toàn dãy Trường Sơn. Chiến lược này cần có sự hợp tác ,chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ 3 nước Đông dương, sự tham gia của các địa phương trong phạm vi dãy Trường Sơn, các ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư tại chỗ.
Thao Lan