(VACNE) - Tại Lễ tổng kết 10 năm và trao giải Cuộc thi Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 10, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – Đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi thay mặt Ban tổ chức Báo cáo về Cuộc thi trong 10 năm qua. Xin đăng lại toàn văn báo cáo của Tiến sỹ.
MƯỜI NĂM CÙNG CỐ GẮNG VÌ MÔI TRƯỜNG NƯỚC
Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh (SJWP) là một bộ phận của Giải thưởng Stockholm quốc tế về nước. SJWP được Quỹ Stockholm về Nước tài trợ từ năm 1994 và được mở rộng đến nhiều quốc gia từ năm 1997. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích tinh thần tập sự, sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng thông qua chủ đề Nước.
Năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam tham dự SJWP. Đến nay, chúng ta đã liên tục tổ chức 10 Cuộc thi quốc gia với tên gọi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” để tham gia SJWP. Trong 10 Cuộc thi vừa qua, đã có trên 30.000 học sinh là tác giả của 12.040 đề án tham gia cuộc thi. Các em đến từ các trên 100 trường ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Cuộc thi lần thứ 5 (2007-2008) có số lượng bài thi lớn nhất là 2.762 từ 17 tỉnh thành phố.
Trong thời gian qua, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 228 giải thưởng. Đồng thời Ban Tổ chức cũng trao Giải thưởng tập thể cho các trường có nhiều đóng góp (nhiều bài dự thi, nhiều bài được giải có chất lượng cao, việc tổ chức thi bài bản, có kết quả). Một số Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường thuộc một số tỉnh thành cũng được Ban Tổ chức biểu dương.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các bài thi chia thành 2 loại: loại có tính chất đại trà phản ánh nhận thức của học sinh đối với các vấn đề môi trường liên quan đến nguồn nước. Loại này có số lượng lớn nhất, phản ánh tính phong trào của Cuộc thi. Nhiều trường đã có kinh nghiệm tổ chức để học sinh tập quan sát , thu thập tư liệu, viết báo cáo trình bày. Rất nhiều bài thi thể hiện nỗ lực cao của học sinh.
Loại bài thứ hai ít hơn, thiên về dạng các đề án là mong muốn của cuộc thi quốc tế. Các bài thi thuộc loại này thể hiện sự quan sát sâu, việc vận dụng các vật liệu địa phương làm chất liệu lọc nước. Từ Cuộc thi lần thứ 6-7, các phương tiện truyền thông hiện đại phù hợp được sử dụng để nâng cao nhận thức cộng đồng về nguồn nước đã đem lại những kết quả cao.
Cả hai loại bài thi đều đòi hỏi sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của các thầy cô. Ở một số trường, nhiều thầy cô kiên trì hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi, đã mang lại nhiều thành công.
Trong 9 cuộc thi trước đây, 20 em đoạt giải nhất đã được sang Stockholm Thụy Điển tham dự Cuộc thi quốc tế. Đây là phần thưởng xứng đáng đối với các em. Tại đó, cùng với các em được giải từ khoảng 30 nước, các em Việt Nam được sinh hoạt tập thể, trình diễn văn nghệ dân tộc, tham gia các hoạt động hữu ích, nhận bằng khen do Công chúa Thụy Điển trực tiếp trao. Tuy các em Việt Nam chưa nhận được giải thưởng SJWP (mỗi năm có 1 giải) nhưng những gì thu hoạch được từ Cuộc thi quốc tế là rất quý giá.
Điều thành công lớn nhất là các Cuộc thi đã có tác động tốt tới các thế hệ học sinh ở các trường do thời gian tiến hành kéo dài cả chục năm, chủ đề Cuộc thi ổn định, Ban Tổ chức gồm các đơn vị có uy tín (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam). Trong cuộc họp rút kinh nghiệm giữa Ban Tổ chức và đại diện một số trường (năm 2009), các trường đều đánh giá tốt cuộc thi, mong được duy trì, được truyền thông mạnh hơn để nhiều trường cùng tham gia.
Việc chưa đoạt được giải thưởng SJWP là tồn tại lớn của Cuộc thi, mặc dù được Ban Tổ chức thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc hướng dẫn và các công việc tổ chức liên quan. So với mặt bằng chung của các bài đoạt giải quốc tế hàng năm, bài giải nhất của ta còn có khoảng cách khá xa. Theo tìm hiểu, thông thường, các bài thi nhận được giải quốc tế được hỗ trợ đầu tư trong thời gian 2-3 năm, tập trung vào một vài đề tài và một số đối tượng học sinh được lựa chọn.
Vấn đề tài trợ cho cuộc thi không chỉ quan trọng đối với chất lượng các bài thi, mà còn đối với cả Cuộc thi. Trong 5 Cuộc thi đầu tiên, Sida Thụy Điển nhận hỗ trợ, do vậy, số lượng bài thi tăng dần theo thời gian, đạt mức cao nhất vào Cuộc thi lần thứ V như đã đề cập. Việc truyền thông được đẩy mạnh, các lễ trao giải được tổ chức hoành tráng, và đặc biệt việc đi dự thi quốc tế của học sinh đoạt giải nhất quốc gia được thuận lợi. Các cuộc thi sau đó luôn gặp khó khăn, nguồn tài trợ có được không ổn định. Ban Tổ chức đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như Canon, Unilever, Viettel,… nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần cần có. Vì vậy, không ít lần Ban Tổ chức muốn dừng Cuộc thi vì càng cố, càng hụt hơi, càng phát sinh những vấn đề không mong muốn.
Qua 10 Cuộc thi từ năm 2003 tới nay, có thể rút ra một số bài học chính sau đây:
1. Về mặt tổ chức:
Mô hình tổ chức Cuộc thi quốc gia bao gồm 2 bộ Tài nguyên và Môi trường và Giáo dục và Đào tạo và 2 tổ chức quần chúng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là mô hình tốt, bảo đảm thành công của Cuộc thi. Việc gắn với Cuộc thi quốc tế có tác dụng nâng tầm Cuộc thi quốc gia và thu hút đông đảo học sinh dự thi.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức này đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động cao hơn nữa của từng thành viên tham gia, kể cả việc huy động nguồn lực của các cơ quan, tổ chức này.
2. Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc huy động lực lượng dự thi
Kinh nghiệm cho thấy, ở các trường như Trường Chuyên Thái Nguyên, Trường An Lạc Thôn, Kế Sách, Sóc Trăng, Trường Nguyễn Huệ, Huế, Trường Nội trú Mộc Châu, Sơn La,… nhà trường đóng vai trò quyết định tổ chức học sinh tham gia Cuộc thi. Ở những trường này đã hình thành đội ngũ các thầy, cô giáo hướng dẫn các thế hệ học sinh tham gia Cuộc thi. Sự quan tâm của nhà trường, kinh nghiệm của các thầy cô và nhiệt tình, ham muốn của học sinh là những nguyên nhân thành công đầu tiên của Cuộc thi.
Rất tiếc rằng, chưa có được nhiều trường quan tâm thường xuyên đến Cuộc thi Nước trong thời gian qua.
3. Không thể thiếu sự hỗ trợ tài chính
Việc hỗ trợ của Sida Thụy Điển đã là một trong các nguyên nhân bảo đảm sự thành công của 5 cuộc thi đầu tiên. Nhiều doanh nghiệp sau đó đã cố gắng hỗ trợ Ban Tổ chức một phần kinh phí, đặc biệt là kinh phí cho các học sinh đi dự thi quốc tế. Nhưng việc thiếu hỗ trợ tài chính trong các Cuộc thi sau đó đã gây ra nhiều khó khăn, thu hẹp quy mô truyền thông, gây phiền phức cho Ban Tổ chức quốc tế,… Cần thiết phải có nguồn hỗ trợ tài chính ổn định nếu muốn tiếp tục phát động Cuộc thi trong những năm tới.
Việc duy trì Cuộc thi liên tục trong 10 năm qua là nỗ lực lớn của Ban Tổ chức, của nhiều trường và đặc biệt là của các thế hệ học sinh. Cuộc thi đã để lại các dấu ấn tích cực trong các học sinh dự thi, đặc biệt trong hàng chục cháu được giải Cuộc thi quốc gia và đi dự thi quốc tế. Ban Tổ chức đã cố gắng tổ chức tiếp các Cuộc thi ngay cả khi không có nguồn tài trợ chính. Trong cuộc họp gần đây, Ban Tổ chức thấy cần phải tiếp tục duy trì Cuộc thi này mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn.
Hy vọng rằng, những bài học kinh nghiệm của 10 Cuộc thi vừa qua sẽ giúp các Cuộc thi tới đạt nhiều kết quả hơn. Sự chủ động của các thành viên Ban Tổ chức, việc nâng cao vai trò của nhà trường và các thầy, cô giáo hướng dẫn, việc huy động đông đảo lực lượng học sinh tham gia, việc hỗ trợ tích cực về mặt tài chính của các doanh nghiệp và việc tăng cương truyền thông sẽ là những nhân tố quyết định cho sự thành công của các Cuộc thi Nước rong thời gian tới.
Hà Nội, tháng 6 năm 2013