Vùng đất núi lửa Tây Nguyên có chế độ địa động lực hiện đại tích cực, cần được nghiên cứu kỹ khi xây dựng những công trình nhiều rủi ro như các hồ chứa bùn đỏ.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Hồ Lăk, vốn hình thành do dung nham núi lửa lấp dòng sông Krong Ana
trong thời tiền sử
1. Tây nguyên đang nâng cao rất nhanh
Theo tài liệu Địa chất, các nhà địa chất Pháp đã phát hiện trong các lớp đá sét nguồn gốc hồ đầm ở Bảo Lộc và Di Linh những hóa thạch thực vật cuối kỷ Đệ Tam- đầu Đệ Tứ (khoảng 2,5 – 1 triệu năm trước). Đó là những loài thực vật đầm lầy sống ở vùng đất thấp. Các đá chứa chúng hiện nay đã bị nâng cao đến độ cao 700 - 800 m (Bảo Lộc ) và 900 - 1000 m (Di Linh). Hoạt động nâng cao của Tây Nguyên liên quan đến nhiều đợt phun trào của núi lửa basalt trong suốt kỷ Đệ Tứ (nhưng tập trung trong khoảng 700.000 năm trước đến năm 1923). Những đợt nâng trồi xen kẽ với những đợt ngừng nghỉ của vùng đất Tây Nguyên dẫn đến việc hình thành các cao nguyên phân bậc. Giai đoạn nâng trồi nhanh đến mức các bề mặt cao nguyên phân bậc chưa kịp phá hủy bởi hoạt động xói mòn rửa trôi san bằng địa hình. Tính phân cắt sâu và phân bậc địa hình là những đặc trưng của Tây Nguyên. Trên Tây Nguyên có thể gặp nhiều thung lũng sâu hun hút dạng hẻm vực xen kẽ với các mảnh cao nguyên gợn sóng có địa hình dạng “đĩa úp”, qua những vách dốc hiểm trở..
Về mặt địa động lực, hoạt động nâng trồi luôn kéo theo (và nhờ vào) hoạt động đứt gãy mà chủ yếu là đứt gãy thuận (tách mở). Những đứt gãy như vậy được phát hiện rộng rãi trên Tây Nguyên. Chế độ địa động lực nâng trồi – tách mở này vẫn tiếp diễn mà những quan sát hiện tại vẫn khẳng định.
2. Biểu hiện của chế độ Địa động lực hiện đại
Thuật ngữ Địa chất coi “hiện đại” đồng nghĩa với cả quãng thời gian dài từ cuối kỷ Đệ Tam đến nay, vì chế độ địa chất giai đoạn này là đồng nhất cho đến bây giờ.
Các cao nguyên basalt ở Tây Nguyên được điểm xuyết bởi hàng trăm ngọn núi lửa. Có ngọn cao gần 800 m so với mặt bằng chân núi như ngọn Chư H’drung (Hàm Rồng) gần thành phố PleiKu.Cũng có nhiều ngọn núi lửa thấp nhỏ, thời gian và mưa nắng xói mòn khiến chúng có vẻ tàn lụi giống như những quả đồi đơn độc, chất chồng các tảng đá màu vàng đỏ đầy rỉ sắt, được các nhà địa chất Pháp khi nghiên cứu địa chất Tây Nguyên hồi đầu thế kỷ đặt tên là các “nón cứt sắt” (cône de crasse). Miền núi lửa được quan niệm là “đã tắt” này vẫn biểu lộ hoạt động kiểu “hậu phun trào”.
Năm 1935 Saurin, nhà địa chất Pháp nổi tiếng về những công trình nghiên cứu địa chất Tây Nguyên, đã chứng minh hồ Lăk hình thành trong một đợt phun trào núi lửa dữ dội thời tiền sử. Một dòng dung nham nóng chảy trò xuống chắn ngang thung lũng của một nhánh sông Krong Ana (sông Cái), nước ứ lại ở vùng thượng lưu của con đập thiên nhiên ấy tạo thành hồ Lăk. Định vị trên độ cao 500m, Hồ Lăk rộng gần 600ha giống như một bầu nước lung linh, chung chiêng giữa bầu trời.
Trong sâu thẳm lịch sử của người M’nông huyện Lăk, những ngày tháng rùng rợn của đợt phun trào núi lửa vẫn còn tươi rói, lý giải sự ra đời của hồLăk. Đợt phun trào được mô tả như cuộc chiến khủng khiếp giữa nước và lửa trong những câu chuyện cổ M’Nông: “Lửa thè ra hàng trăm ngàn lưỡi đỏ, ào xuống sông,làm nước sông sôi lên sùng sục, cây to cháy xém, cây nhỏ thành than, núi đồi đồng ruộng khô nẻ. Cuối cùng, khi nước cạn khô phải trốn vào ống nứa, vào ống tre lồ ô, tre a lê hay chui xuống đất, thì lửa co mình vào trong các tảng đá. Để lấy lửa, người M’nông phải đập vỡ các tảng đá còn đang nóng bỏng...”.
Xã Đăk Mol (huyện Đăk Mil, Đăk Nông) nằm trên thềm basalt phía Đông ngọn núi Riuc (Thuận An), có 10 000 ha “rừng lạnh”. Rừng mọc đầy cây kền kền, de, trò, sót, trâm, dẻ, dổi… Điều đặc biệt là nhiệt độ ở khu rừng này thấp hơn ở các khu rừng khác 3 đến 4 o C, khiến cho bất cứ ai vào rừng đều thấy lạnh ớn sống lưng. Đầu năm 2000, 4000 ha “rừng lạnh” đã được khai hoang trồng cà phê, nhưng nhiệt độ ở các rẫy cà phê vẫn thấp hơn các vùng xung quanh khoảng 2oC. Không xa rừng lạnh có nhiều mạch nước khoáng giàu khí CO2, Công ty nước khoáng Đăk Mol khai thác CO2 từ một trong các mạch nước khoáng đó để chế biến nước giải khát. Khi không khai thác, mạch nước khoáng giàu CO2 có thể phun cao 15m so với mặt đất. Việc thoát khí CO2 từ các mạch nước ngầm sẽ làm nhiệt độ hạ thấp và là điều thường gặp ở các vùng núi lửa trên thế giới.
Xung quanh thành phố Pleiku có rất nhiều núi lửa. Vào những buổi chiều tối tháng 8, gió Tây Nam mát lạnh ào ạt len lỏi vào tận những ngõ hẻm khiến cho thành phố cao nguyên này như đắm chìm trong mùa thu muộn xứ Bắc. Ngược lại, buổi trưa nắng ngột ngạt, Pleiku trở thành “thành phố không ngủ trưa” vì giấc ngủ trưa ở đây rất nặng nề, mệt mỏi đến mức khó chịu. Có người cho rằng nhiệt độ cao buổi trưa làm tăng lượng khí CO2 thoát ra các mạch nước ngầm khiến cho con người trở lên mệt mỏi và uể oải, những ý kiến này chỉ là sự phỏng đoán.
Năm 1998, vùng gần núi lửa Chư H’drung (còn gọi là núi Hàm Rồng gần thành phố Pleiku) bỗng nhiên xuất hiện những vết nứt dài, khói bụi phun lên, còn đất sụt xuống đến vài mét. Phía Bắc thành phố Pleiku chừng 6km là biển hồ T’nưng, rộng khoảng 250ha. Đây là hồ nằm trong 3 miệng núi lửa liên thông, không có dòng sông nào chảy vào, nhưng nước quanh năm không bao giờ cạn, thậm chí nước còn chảy thoát ra bên ngoài thành một dòng sông nhỏ. Hồ có dạng lòng chảo, không có bãi phẳng ven hồ. Mặt nước tiếp cận ngay với bờ hồ dựng đứng. Hồ có độ sâu trung bình khoảng 30m. Tuy nhiên, ở đáy hồ có những vực nhỏ “không biết sâu đến tận đâu” như lời một người dân địa phương cho biết. Nguồn nước nào nuôi dưỡng hồ T’Nưng vẫn còn là một điều bí mật. Chỉ biết hiện nay hồ T’Nưng vừa là nguồn nước ăn cho cả thành phố Pleiku, vừa là khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia vì có hai loài cá đặc biệt không nơi nào có. Hồ T’Nưng còn là vựa cá của Pleiku với sản lượng khoảng 100 tấn/năm.
Biển Hồ T’nưng, Pleiku gồm 3 miệng núi lủa liên thông. Ảnh vệ tinh Google
Khoảng năm 1999, Xã Eapô huyện Cưjut ĐăcLăk đang yên lành bỗng nước ngầm trào lên dữ dội, làm ngập úng một diện tích gần 200ha trong thời gian gần nửa năm. Cà phê bị chết, tình hình vệ sinh môi trường trong khu dân cư trở lên tồi tệ, dịch bệnh phát sinh, nhiều hộ dân phải di chuyển chỗ ở, thiệt hại kinh tế hàng tỉ đồng.
Tháng 8 – 1999 là thời kỳ đất nứt và trượt lở đáng sợ ở Đăk Nông và Đăk Rlâp. Vùng sự cố rộng gần 80 km2, các vết nứt đất dài 300 – 500 m, chiều rộng 1 – 1,5 m. Có nơi khối đất trượt chiếm cả 5 ha cà phê, dồn ép 3 hàng cà phê (mỗi hàng cách nhau 3,3 m) chập làm một, cắt đứt đường 14, và làm nghiêng cả cột điện của tuyến đường dây 500 kV Bắc Nam.
Những biểu hiện địa động lực trên cho thầy vùng đất Tây Nguyên vẫn đang cựa quậy. Đó là vùng đang nâng trồi rất nhanh, hoạt động đứt gãy, nứt đất ngầm và hậu phun trào núi lửa khá rõ rệt. Cần nghiên cứu kỹ hơn và tính toán đặc điểm này nếu muốn xây các hồ bùn đỏ khổng lồ trên Tây Nguyên./.