quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Vùng đất đang sụt chìm

Thứ Hai, 11/10/2010 | 05:45:00 PM

Thành phố Hồ Chí Minh định vị trong một vùng sụt hạ địa chất hiện đại với cấu trúc địa mạo là một vùng cửa sông hình phễu (estuary) đặc trưng, giống như vùng cửa sông Bạch Đằng ngoài Bắc. Trên nền đất yếu đang sụt hạ, lại thêm tải trọng ngày càng nặng do các công trình xây dựng mật độ cao, và nước biển dâng do biến đổi khí hậu, TP HCM đang chìm xuống với tốc độ đáng ngại.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE


 
Rừng sác vùng Cần Giờ phát triển trên các đảo triều.
ảnh phuocthao.wordpress.com/2007/
Thành phố đang lún

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa sử dụng chưa đầy 2 tháng đã xuất hiện nhiều điểm lún cục bộ. Phần đường dẫn thuộc H.Bình Chánh, TP.HCM chỉ một thời gian ngắn đã lún từ 10 - 15 cm. Đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2 ở Q.Bình Thạnh là công trình “siêu lún”, kể từ khi  sử dụng (năm 2001) đến nay nền mặt đường trên toàn tuyến bị lún từ 0,5 - 1,1m so với thiết kế ban đầu, trong đó 2 hầm chui cao 2,5m bị lún chỉ còn 1,4m, không thể lưu thông được. Bệnh “lún” đã ngốn tiền tỉ để sửa chữa, bù lún cho công trình và đến thời điểm này, chi phí sửa chữa đã đến hàng trăm tỉ đồng và vượt quá số tiền xây lắp ban đầu.... Ngay từ năm 2003, các sự cố sụp, lún đất ở huyện Hóc Môn gây hại đến 42 hộ gia đình. Đến năm 2004, bất ngờ xuất hiện 30 hố sụt sâu hơn 2m ảnh hưởng lên phần diện tích rộng đến 4 ha ở Q.9. Nhiều trụ giếng khoan khai thác nước ngầm bị đẩy trồi lên trong khi mặt đất hạ thấp xuống ở Q.Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Cụ thể, tại khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) có trụ giếng khoan bị trồi lên đến 30 cm.Hiện tượng này là hậu quả của tải trọng nén tác động lên cấu trúc đất yếu trong đới bão hòa nước (giống như hiện tượng cát sôi, cát trồi). Móng địa chất của TP.HCM có lớp trầm tích trẻ, dạng bùn, bở rời, sâu 30 - 40m, nhiều nơi vốn là các lòng sông cổ trước đây. Hoạt động xây dựng rầm rộ cũng góp phần gia tăng hiện tượng lún trượt, làm hư hại các công trình (1). Hiện tượng ngập úng do tuyền triều gia tăng cả về biên độ lẫn phạm vi.


 
 Úng ngập ở TP HCM đang gia tăng

Vùng đất đang sụt chìm, từ ngàn năm rồi…

Nghiên cứu địa chất đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy huyện Cần Giờ thuộc phần đông nam của TP HCM  đã sụt hạ trong thời gian ít nhất là 3 ngàn năm trở lại nay. Trước đó, khu vực Cần Giờ cũng giống như vùng đất đỏ bazan khác ở Bà Rịa hoặc Đồng Nai. Ngày nay theo các tài liệu lỗ khoan, các lớp đất đỏ bazan bị uốn võng xuống để rồi chìm dưới mực nước biển, bị phủ lên trên bằng các lớp bùn cát biển hiện đại trong vùng Rừng Sác. Móng đá cứng của Cần Giờ có thành phần tương tự như đá ở các quả núi ở Vũng Tàu, hiện đã bị sụt chìm sâu 100 - 200m. Một số lỗ khoan thăm dò nước ngầm ở Tam Thôn Hiệp trong vùng Rừng Sác còn gặp cả những lớp đá ong mềm nằm sâu dưới mực nước biển. Khi lấy lên mặt đất, chúng cứng lại như đá ong Biên Hoà. Đá ong là sản phẩm vỏ phong hóa feralit nằm sát mặt đất. Việc phát hiện đá ong nằm sâu dưới mực nước biển càng khẳng định vùng đất này đang sụt chìm.
 
Do chế độ địa động lực như vậy, khu vực đông nam TP HCM là một dạng cửa sông hình phễu điển hình của Việt Nam, giống như vùng cửa sông Bạch Đằng ở ngoài Bắc. Quá trình biển đang thắng thế so với quá trình lục địa. Các cồn cát ở ven biển Cần Giờ đang bị xói lở dần với tốc độ hàng chục mét mỗi năm. Các kè biển yếu ớt trước sóng gió thường phải được tu bổ, gia cố rất tốn kém. Cũng nhờ có Rừng Sác mà nhiều triệu tấn phù sa mỗi năm từ các hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ được bẫy giữ lại, tạo ra hàng trăm đảo triều xen kẽ với hệ thống dòng chảy chằng chịt như một trận đồ bát quái. Những dòng sông như Ngã Bảy, Lòng Tàu, Thị Vải có độ sâu từ 15 đến 20 mét, vịnh Gành Rái sâu gần 30 mét cho phép thông tàu trọng tải đến 20 ngàn tấn. Trong vùng lục địa đang sụt chìm đó, các cồn cát biển cổ ở Cần Thạnh - một xã ven biển của Cần Giờ - giống như một vài trang còn sót lại của một cuốn biên niên sử gần 3000 năm qua.
 
Những cư dân đầu tiên sinh sống ở Cần Giờ là cư dân thuộc thời kỳ văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3000 - 2000 năm trước. Nhiều di chỉ mộ chum, có di chỉ rộng đến 7000m2 với các bộ xương người cổ khá nguyên vẹn, đi cùng là các đồ tuỳ táng bằng đá, gốm, đồng, xương, vàng bạc thậm chí có cả hạt chuỗi bằng thuỷ tinh v.v… Tiếp đó là hàng chục di chỉ của Văn hoá khảo cổ học Óc Eo có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công Nguyên cũng đã được phát hiện với các di vật bằng đất nung, gốm, thỏi sắt, hạt chuỗi bằng đá quý, vàng, tiền đồng, vòng tay đồng… Những phát hiện khảo cổ học cực kỳ phong phú ở Cần Giờ cho thấy đây là phần còn lại của một lãnh thổ kinh tế văn hoá rộng lớn tồn tại khá liên tục từ 3000 năm trước cho đầu thế kỷ VII sau Công Nguyên, và có lẽ cho đến nay, phần lớn lãnh thổ này đã bị biển xói lở hoặc ngập chìm dưới mực nước biển.
 
 
Những điều trên đây không lạ gì đối với giới khoa học Địa chất, Khảo cổ và Xây dựng, và cũng đã được nói đến không ít lần trên tài liệu khoa học. Các nhà quy hoạch Pháp trước đây cũng khuyến cáo rằng Sài Gòn chỉ nên phát triển về phía tây bắc (Hóc Môn, Củ Chi), không nên phát triển về phía đông nam (Thủ Thiêm, Cần Giờ) để tránh vạ biển lấn do đất chìm. Hiện nay, sụt hạ địa chất, tải trọng xây dựng và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đang liên thủ để chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến với Quy hoạch phát triển của TP HCM. Những cảnh báo và lo xa của một số nhà khoa học hóa ra ngày nay đang trở thành hiện thực. TP HCM đang tuyên chiến với Ông Trời bằng tất cả nguồn lực và ý chí, nên nếu có thua thì chắc cũng “thua trong thế thắng” (?).
 
Chú thích:
(1) Sài Gòn đang lún.
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201041/20101010221153.aspx


Lượt xem: 2459

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE