Theo đó, chiều 5/11, cây thị của nhà thờ họ, phái Thân Văn (làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân, TP. Huế) chính thức được vinh danh là “Cây di sản” Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN (VACNE) công nhận.
Được biết, cây thị “cao niên” này là loại cây đầu tiên được công nhận là di sản tại tỉnh TT. Huế. Theo sổ sách ghi lại, năm 1698, ông Thân Văn Thẩm (1671-1758), Thủy tổ phái Thân Văn đem cây thị này từ làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP. Huế) về trồng để làm mốc địa giới cho hậu duệ.
 |
Cây thị di sản đầu tiên ở Huế
|
Trải qua bao nhiêu đời, các thế hệ thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, đến nay cây thị đã 312 tuổi, cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m, chu vi 4,2m, đường kính 1,4m; chu vi bạnh vè hơn 10m. Theo con cháu phái Thân Văn, cây thị có ý nghĩa rất lớn đối với họ tộc, nó như một nhân chứng cho sự trường tồn của phái Thân Văn ở Huế.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN (VACNE) đã trao bằng công nhận và gắn bia “Cây di sản” cho cây thị bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng. Hoạt động này có ý nghĩa về cảnh quan, môi trường sinh thái, khoa học xã hội nhân văn; đồng thời nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, hưởng ứng Năm Quốc tế Đa dạng Sinh học 2010.
 |
Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam gắn bia công nhận cây thị phái Thân Văn 312 là cây di sản
|
Trước đó, trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 5/10, lần đầu tiên VACNE đã tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 9 cây muỗm 700 tuổi ở Đền Voi Phục, Thụy Khuê, bên cạnh Hồ Tây.
|
Trần Viết Long
(VTC New, 6/11/2010)