quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Vô “rốn” Đồng Tháp Mười

Chủ Nhật, 28/08/2011 | 02:56:00 PM

Nghe chuyện “phát hiện dấu vết bảy đền, tháp cổ ở Đồng Tháp Mười” đã lâu, nay trở lại nơi từng là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều, thuở xa xưa là một trung tâm văn hóa thời vương quốc Phù Nam… mới thấy chốn đồng nước này vẫn còn chứa biết bao bí ẩn chờ giải mã.

DƯƠNG THẾ HÙNG

Giữa khu vực ngập nước sâu nhất của Đồng Tháp Mười “mọc” lên một gò đất dài khoảng 1.000m, rộng hơn 300m, cao hơn mặt ruộng cỡ 3,8m nên nước lụt ít khi lên tới; lại có dấu vết nhiều đền tháp xưa nên người dân địa phương quen gọi gò Tháp. Nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Long An), gò Tháp có năm điểm di tích: gò Tháp Mười, chùa Tháp Linh, đền thờ Thiên hộ Dương -  Đốc binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ.

Địa danh Tháp Mười

Ngày trước nghe nói “vô Đồng Tháp Mười” dân Sài Gòn ai nấy le lưỡi nghĩ tới một vùng đất xa xôi, hoang vu vô cùng tận, lúc nhúc đỉa cỡ ngón chân cái, còn muỗi bay như đám mây. Năm 1939, học giả Nguyễn Hiến Lê khi tới Đồng Tháp Mười đo nước phải đi tàu từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây lên tận biên giới Việt Nam - Campuchia, đánh vòng qua Hồng Ngự rồi mới theo kênh Dương Văn Dương vô gò Tháp. Chuyến đi mất bảy ngày trời (sau đó ông viết tập hồi ký nổi tiếng Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười).

Thời Thiên hộ Dương lập căn cứ chống Pháp (1865-1866), đường vô gò Tháp còn “chua” hơn nhiều do chưa có con kênh nào, chỉ có ba con đường mòn dẫn tới gò, một từ gò Bắc Chiêng (gần Mộc Hóa, Long An), hai từ Cần Lố (Cao Lãnh, Đồng Tháp), ba từ Cái Nứa (Cái Bè, Tiền Giang) mà theo ông Nguyễn Hiến Lê kể:

“Trong tháng tư tức cuối mùa nắng mà trên ba con đường đưa vào Tháp còn nhiều chỗ nước sâu đến 5 tấc hoặc 1 thước. Đi giày ống mà lội qua những chỗ sình ấy khó nhọc vô cùng lại còn nguy hiểm. Trong bùn lại có đỉa rất lớn, kêu là đỉa trâu. Mỗi khi đã hút máu no thì nó to bằng ngón chân cái. Chỉ vô ý một chút là nó bám vào người, luồn vào những chỗ kín nhất trong thân thể ta mà không hay. Sức nóng của mặt trời và nước còn đáng sợ hơn.

Chúng ta thử tưởng tượng trên là ánh nắng gay gắt, dưới là hơi nước hôi thối, giữa là những bụi lau, sậy, năn, bàng bàng có khi cao hơn đầu người. Gió chỉ lướt qua trên ngọn, không sao len lỏi vào những bụi ấy nên đi trong đồng lắm lúc ta thấy hầm đến nghẹt thở…”.

Sau năm 1975, cả vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn hoang hóa, đất đai nhiễm phèn, dân cư thưa thớt. Tới những năm 1990, với việc đẩy mạnh khai hoang Đồng Tháp Mười, vùng đất cỏ lác này mới được khai phá và dân cư tụ về đông đúc tới nay.

Về địa danh Tháp Mười, thạc sĩ sử học Nguyễn Hữu Hiếu viết trong Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười: “Trước khi địa danh Tháp Mười ra đời, vùng này từng mang những tên Vô-tà-ôn, chằm (đầm lầy) lớn, chằm Mãng Trạch, hồ Pha Trạch, lâm tẫu (rừng trên đầm lầy)… Có lúc dân gian gọi là Vãng Tháp (có nghĩa ngôi tháp hoang tàn đổ nát, tháp bị lãng quên). Còn người Pháp thì gọi là “Plaine des Joncs”, tức đồng cỏ lác hay đồng cỏ bàng (…).

Tới năm 1865, khi Võ Duy Dương chọn gò này làm căn cứ chống Pháp thì Tháp Mười trở thành địa danh nổi tiếng do thường xuyên xuất hiện trên các văn bản hành chính, ngoại giao của triều đình, thực dân và báo chí Pháp. Qua thời gian, Tháp Mười trở thành tên gọi cho cả vùng rộng lớn: Đồng Tháp Mười”.

Trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười,  Nguyễn Hiến Lê viết: “Nghe các cụ già kể lại, hồi xưa cánh đồng này là một xứ thịnh vượng, sau bị nước dâng lên cuốn hết. Trước sau có mười ông vua trị vì, mỗi ông xây một cái tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng, tháp ở đây của ông vua thứ mười nên gọi là Tháp Mười. Lại có thuyết cho rằng đây là ngọn chùa tháp thứ mười của người Cao Miên xây dài từ Lục Chân Lạp xuống, có một đường lát đá nối mười cái tháp đó với nhau.

Một thuyết khác lại nói rằng tháp đây là tháp thứ mười của Thiên hộ Dương cất trên cánh đồng này kể từ sông lớn (vàm Ba Sao) nên gọi là Tháp Mười. Có sách lại bảo tháp này có mười bực chứ không phải là tháp thứ mười (…). Lại có thuyết dưới đây của ông Lê Hương trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên (tập san Sử Địa số 14-15 năm 1969):

“Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá do vua Jayavarman VII (1181-1218) xây cất khắp lãnh thổ để thờ thần Bà la môn Lockecvera là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, bằng ngói hay bằng lá thốt nốt để người bệnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dọc theo các con đường lớn trong nước mà ngôi nằm trong Đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ mười”.

Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả công trình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên tháp thứ mười.

Trong năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe và xuồng để đọc những chữ khắc vào đó và phát giác ra ngôi tháp. Vậy thì xưa kia, miền này nếu không phải là một “xứ thịnh vượng” thì cũng có đông dân cư, và có một con đường nếu không phải là “lát đá” thì cũng lớn, đưa lên tới Cao Miên ngày nay. Nhưng đường chắc chỉ dùng trong mùa nắng, tới mùa lụt, ngập cả thước nước là ít”.

Di tích Gò Tháp và khu bảo tồn đa đạng

Trên con đường nhỏ dẫn vô gò Tháp có cây cổ thụ lớn, tàn lá sum sê, dưới tán cổ thụ các nhà khảo cổ đã đào một hố lớn, trên có mái che, dưới là dấu vết của nền gạch thuở xa xưa.

Cô Lương Thị Dợn, cán bộ ban quản lý khu di tích Gò Tháp, cho biết khi khai quật di tích các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết nhiều đền, tháp, mộ cổ bằng gạch, có từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 9-10 cùng nhiều hiện vật bằng vàng, gốm, tượng gỗ, tượng đá…, trong đó có một bia đá thế kỷ thứ 5 nói đến việc thờ phụng một ngẫu tượng là hai bàn chân của thần Visnu, cho biết đây là vùng đất của vương quốc Phù Nam.

Bên trên hố chính là gò Tháp Mười với những phiến đá, tường gạch nằm lăn lóc, ngổn ngang mà theo cô Dợn đó chính là phế tích của ngôi tháp mười tầng được chính quyền Sài Gòn xây năm 1956 để làm đài viễn vọng theo dõi hoạt động của quân giải phóng. Tháp bị du kích đánh sập vào cuối năm 1959. Cách đó không xa là chùa Tháp Linh - trước là Tháp Mười Cổ Tự - thờ Bồ Tát Lockecvera (hay Quán Thế Âm Bồ Tát theo cách gọi của người Việt). Cách chùa một đỗi là khu đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều với tượng hai ông uy nghi.

Lão nông Nguyễn Văn Bảo ở xã Mỹ Hòa kể: “Mấy chục năm trước, thỉnh thoảng dân sống quanh đây đào được những viên sắt bằng đầu ngón tay, chắc là đạn thời đó, rồi những cây cừ bằng sao đen như than, có lẽ là vết tích căn cứ nghĩa quân. Căn cứ Tháp Mười với địa thế hiểm trở là cái gai nhọn trong mắt thực dân Pháp, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch bình định Nam kỳ của chúng. Sau này bí mật của “ba con đường mòn dẫn vô gò” bị lộ, Pháp lợi dụng mùa khô đem đại quân vô đánh mới hạ được đồn”.

Phía sau khu di tích là mộ Đốc binh Kiều. Ông hi sinh khi ở lại tử chiến với giặc, để Thiên hộ Dương rút quân bảo toàn lực lượng (ít lâu sau Thiên hộ Dương bị nạn mất ở cửa biển Cần Giờ). Hằng năm, vào tháng 11 âm lịch, người dân và chính quyền địa phương đều tổ chức lễ giỗ hai ông hết sức long trọng, gọi là lễ “cúng ông”. Ông Bảo nói: “Gần bên còn có miếu Bà Chúa Xứ nên sẵn dịp “cúng ông” bà con tổ chức “vía bà” luôn, thêm chùa Tháp Linh kế bên nên vào dịp đó có hàng ngàn người đổ về dự lễ hội thật tưng bừng, náo nhiệt”.

Trong cơn mưa lắc rắc, chúng tôi tiếp tục chuyến tham quan khi trời đã về chiều. Ở khu nền gạch cổ thứ hai có những ô vuông hệt như bàn cờ, bên trong tường vách xây giật cấp, quanh tường có gờ, cột giả… Cô Dợn cho biết đó là những bí ẩn đang chờ các nhà khảo cổ giải mã. Bên trái khu di tích là khu rừng tràm rộng tới 166ha được bảo tồn nghiêm ngặt.

Trong màn mưa mờ ảo, cò trắng tấp nập bay về đậu trên nhánh tràm, nhìn xa giống như những bông tuyết trắng xóa trên nền xanh thẫm của tràm. Dưới khu rừng tràm, những đồng cỏ lác, năn, lau sậy vẫn um tùm như thời xa xưa, xen lẫn là những đầm sen. Bên phải khu di tích là khu nuôi thú hoang dã rộng 27ha đang được triển khai - “một thảo cầm viên ở Đồng Tháp Mười” như lời cô Dợn.

Ông Nguyễn Hữu Lý, trưởng ban quản lý khu di tích Gò Tháp, cho biết: “Về lâu dài, nơi đây sẽ là khu di tích văn hóa - lịch sử - khảo cổ Gò Tháp, có chức năng bảo tồn di sản văn hóa cả vùng đất Nam bộ. Theo nhận định của các nhà khoa học và phát hiện của cư dân địa phương, vùng này có rất nhiều di tích, hiện vật của nền văn hóa Óc Eo thời vương quốc Phù Nam. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, khu vườn tượng Phù Nam và tiếp tục sưu tầm hiện vật để trưng bày, bảo tồn.

Do Đồng Tháp Mười còn là căn cứ cách mạng của Xứ ủy Nam bộ thời kỳ chống Pháp (1945-1949) nên tỉnh Long An đã quy hoạch xây dựng nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ… Năm 2010, Cục Di sản (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) đã hỗ trợ kinh phí và cấp phép khai quật tường thành phía tây khu di tích, chúng tôi phối hợp Trường đại học Văn hóa TP.HCM khai quật 11 hố, phát hiện thêm bảy đền, tháp cổ thời vương quốc Phù Nam…”.


(Theo TTCT)

Lượt xem: 2631

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE