quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
HỘI THẢO KH

VIỆT NAM: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Phần 2): Hai mươi năm phát triển bền vững của Việt Nam

Thứ Tư, 20/03/2013 | 04:47:00 PM

Bài viết của GS.TSKH. Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, Trưởng ban Biến đổi khí hậu của VACNE


2. Hai mươi năm phát triển bền vững của Việt Nam
2.1. Tiến trình phát triển bền vững
        Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã có những cố gắng hết sức to lớn để khắc phục những hậu quả phức tạp về môi trường do 30 năm chiến tranh xâm lược để lại. Kể từ những năm 1990, với việc thực hiện chính sách Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, GDP tăng bình quân hàng năm 7%/năm. Tăng trưởng kinh tế nhanh đi kèm với tăng dân số với tốc độ tương đối cao và đô thị hóa nhanh chóng đã tạo nên sức ép ngày càng tăng đối với tài nguyên và môi trường. Rừng bị tàn phá, độ che phủ bị giảm sút nghiêm trọng, tài nguyên khoáng sản bị khai thác bừa bãi, tài nguyên biển và các hệ sinh thái (HST) ven biển bị suy thoái,, chất thải rắn không được thu gom triệt để và sử lý đúng cách, môi trường nước và không khí ở các đô thị và các khu công nghiêp (KCN) ô nhiễm nặng, đa dạng sinh học (ĐDSH) suy giảm một cách báo động.
        Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề môi trường xuống cấp và tác động lâu dài của nó đối với sự phát triển của quốc gia, Chính phủ Việt Nam, đã coi PTBV và quản lý môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn. Theo đó, các mục tiêu PTBV đã được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển của quốc gia, của các ngành, địa phương, và triển khai trong thực tế.
        Kế hoạch Quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định ban hành ngày 12/6/1991, là văn bản của Nhà nước lần đầu tiên chính thức đề cập tới chủ chương PTBV. Kế hoạch có mục đích tạo nên khuôn khổ hành động cho việc qui hoạch và quản lý môi trường ở cấp quốc gia, địa phương, và ngành, từ đó xác định các các hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường (BVMT) và PTBV trong giai đoạn 1991-2000. Hai mục tiêu lớn của Kế hoạch là: thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về cuộc sống vật chất, tinh thần và văn hóa của các thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai; xây dựng và thực hiện chính sách, kế hoạch hành động và cơ chế tổ chức đảm bảo phát triển bền vững. Về nội dung cụ thể Kế hoạch có 3 phần lớn: khuôn khổ về thể chế, luật pháp và chính sách; chương trình hành động và chương trình hỗ trợ. Tiếp theo là Kế hoạch hành động quốc gia về MT, do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) xây dựng năm 1995, Chỉ thị 36 TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công sản Việt Nam (CSVN), về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, ban hành năm 1998, Chiến lược BVMT quốc gia, do Bộ KHCN&MT xây dựng năm 2000, Kế hoạch Hành động quốc gia về MT, do bộ KHCN&MT xây dựng năm 2001, v.v.
        Tháng 8/2000, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Bộ KHCN&MT và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng « Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững của Việt Nam ». Ngày 17/8/2004, Chính phủ đã ra Quyết định số 153/2004/TTg ban hành văn bản « Định hướng về phát triển bền vững ở Việt nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam. 2004). Sau đó, Chính phủ đã ra văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng định hướng phát triển bền vững của mình trên cơ sở định hướng PTBV chung của cả nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2011; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2004, 2012a, b).
        Hội đồng PTBV và bộ phận giúp việc - Văn phòng PTBV được thành lập ở cấp quốc gia, là cơ quan tư vấn, giúp Thủ tướng chỉ đạo tổ chức thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững trong phạm vi cả nước. Hệ thống tổ chức thực hiện PTBV cũng được thành lập tại một số Bộ, ngành và địa phương.  Từ đó, các hoạt động PTBV được triển khai một cách hệ thống, toàn diện và hiệu quả hơn trong phạm vi toàn quốc.
 
 
2.2. Thành tựu
Trong những năm qua, nhất là sau khi ban hành Định hướng Chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong cả ba trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường của PTBV và đã được tổng kết trong các Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc lần thứ nhất (12.2004), lần thứ hai (5/2006) và lần thứ ba (1/2011).
2.2.1. Về kinh tế: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số các nước đang phát triển đã đạt được những thành tựu nổi bật trong cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng và giảm nghèo. Trong mười năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá nhanh và tương đối ổn định. Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt 7,85% trong giai đoạn 2000 - 2008,. Quy mô của nền kinh tế và năng lực sản xuất các ngành đều tăng. GDP tính theo giá so sánh năm 2010 gấp hơn 2 lần so với năm 2000. GDP theo giá thực tế tính bằng USD ước đạt 101,6 tỷ USD, gấp hơn 3,2 lần năm 2000. GDP bình quân đầu người năm 2011 là trên 1200 USD theo giá danh nghĩa, tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Việt Nam đã từ vị trí nhóm nước nghèo bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình..
2.2.2. Về xã hội: Công tác xoá đói giảm nghèo, dân số và bảo vệ chăm sóc, sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động đều đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ. An sinh xã hội được chú trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đặc biệt trong tình hình lạm phát cao, nhiều thiên tai. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có thể đạt các Mục tiêu còn lại vào năm 2015. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn phổ cập của quốc gia vào năm 2000, chất lượng giáo dục dần được nâng cao. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 28,9% năm 2002 xuống còn 9,45% năm 2010, bình quân cả nước mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2,0 lần trong cùng thời kỳ, đời sống người nghèo được cải thiện, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới. Điều kiện ở của người dân được cải thiện đáng kể, Việt Nam tiếp tục thực hiện hoạt động xóa nhà đơn sơ cho người nghèo, hỗ trợ vật liệu hoặc tiền để đồng bào sống ở vùng nghèo, đặc biệt khó khăn cải thiện nhà ở.
2.2.3. Về môi trường: Hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT đã được xây dựng khá đầy đủ và toàn diện .Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương đã từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định. Kinh phí cho công tác BVMT đã được tăng cường. Nhiều nội dung về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc lồng ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
2.2.4. Thực hiện các cam kết quốc tế
Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về PTBV: C«ng ­íc Ramsar vÒ c¸c vïng ®Êt ngËp n­íc có tầm quan trọng quốc tế, Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hiệp Quốc, Công ước Vienne về Bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG)và Gia nhập WTO. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai thực hiện các cam kết quốc tế này một cách nghiêm túc và có hiệu quả.
Trong số các quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện MDG, Việt Nam được nhắc đến như một điển hình đặc biệt. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 5/8 các mục tiêu và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015: Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo liên tục giảm, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,45% vào năm 2011; Đến năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn phổ cập của quốc gia; đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; giảm tử vong trẻ em; có những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển và hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia, vùng và lãnh thổ...(Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2010, 2012b)
2.2.5. Đánh giá chung
Đánh giá một cách tổng thể, trong thời gian qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Những thành quả đạt được về kinh tế đã tạo nguồn lực cho việc giải quyết thành công hàng loạt các vấn đề xã hội: xoá đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷnhằm nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sông người dân. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 cho thấy Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện; đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập quốc tế.
Các hoạt động phát triển KT - XH đã gắn kết với BVMT về các mặt thể chế chính sách, tổ chức - quản lý, xã hội hoá và hợp tác quốc tế. Việc thực hiện Đánh giá tác động môi trường và Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã giúp lồng ghép tốt hơn các vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội nhằm đảm bảo tính bền vững của sự phát triển. Bằng cách lồng ghép các muc tiêu PTBV vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển KT - XH nói chung và của các ngành nói riêng đồng thời huy động sự tham gia của toàn dân kết hợp với sư hỗ trợ quốc tế, tính bền vững của sự phát triển hay nói cách khác là sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sao cho vừa đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, vừa không được phép làm tổn hại đến lợi ích và việc đáp ứng các nhu cầu của những thế hệ mai sau, ngày càng được xác lập và khẳng định mạnh mẽ trong thực tế.
 
 

Lượt xem: 2055

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE