Một hiện tượng dễ nhận ra trong những năm gần đây là sự suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hồ chứa trên cả nước. Mùa mưa và lưu lượng mưa trở nên thất thường, khiến hạn hán hoặc úng ngập cục bộ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng hơn.
- Theo ông đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các sông lớn như hiện nay?
Ts. Đào Trọng Tứ: Theo tôi, trước tiên là do thiếu hụt nguồn nước. Như chúng ta đã thấy, tài nguyên nước có xu hướng suy thoái; do tác động của con người và biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu có tác động xấu đến sự thay đổi nguồn nước.
Dự báo đến năm 2025 nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm đi khoảng 40 tỷ m3. Tổng lượng nước mùa khô đến năm 2025 có thể giảm đi khoảng 13 tỷ m3. Sức ép về sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội làm cho nhu cầu sử dụng nước tăng về số lượng và đa dạng về chất lượng.
Tổng nhu cầu dùng nước cho dân sinh và phát triển các ngành kinh tế-xã hội ngày càng tăng, nhu cầu dòng chảy duy trì môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô cũng rất lớn (khoảng 4.300 m3/s).
Gần 40% lượng nước hàng năm phát sinh ngoài lãnh thổ trong khi các tranh chấp về sử dụng nước giữa các quốc gia ven sông quốc tế như sông Hồng ngày càng tăng.
Hạ thấp mực nước: Trong tính toán cân bằng nguồn nước, phải tính đến lượng nước đến tương ứng với lượng nước cho nhu cầu dùng nước và lượng nước duy trì dòng chảy từ thượng nguồn đến các cửa sông ra biển để bảo vệ môi trường sinh thái và nhu cầu nước cho phát triển kinh tế đến tận vùng cửa sông.
Nhu cầu về lượng nước là yếu tố quan trọng nhưng yêu cầu về mực nước trong sông về mùa khô cũng rất quan trọng, vì sau khi có các hồ chứa lòng sông sẽ bị xói sâu, mực nước lại càng xuống thấp.
Điều đó ảnh hưởng lớn đến tưới tiêu, đến môi trường sinh thái của cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Mấy năm qua đến mùa khô ngoài lưu lượng đã xả qua tuốc bin theo kế hoạch phát điện (cũng là lượng nước duy trì dòng chảy) hồ Hoà Bình lại phải xả bắt buộc bổ sung xấp xỉ 1200m3/s để nâng cao mực nước sông Hồng lên nhằm phục vụ chống hạn, tuy nhiên lượng nước được sử dụng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, phần còn lại chảy lãng phí ra biển. Điều này đã ảnh hưởng đến quản lý khai thác nguồn điện năng.
- Vậy, theo ông liệu có những giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng trên?
Ts. Đào Trọng Tứ: Để từng bước giảm nhẹ, khắc phục tình trạng cạn kiệt và thiếu nước trên lưu vực sông cần cấp bách thực hiện các giải pháp tăng cường giám sát nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam và giám sát việc khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là ở hạ du các hồ chứa. Đặc biệt trong mùa cạn, biên dộ dao động mực nước trong ngày rất lớn, có khi gần 1-1,5 nên quan trắc theo phương pháp cũ sẽ không chính xác.
Để đảm bảo nguồn nước sử dụng, trong đợt khô hạn này cần xây dựng lại cơ chế vận hành của các hồ chứa hợp lý, hài hòa giữa yêu cầu phát điện và các nhu cầu nước khác dưới hạ du, phù hợp với chế độ dòng chảy thượng nguồn và hạ du các hồ chứa.
Các địa phương cũng cần nhanh chóng triển khai việc tăng diện tích các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy trong mùa khô. Trước hết cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích trồng các loại rừng có khả năng giữ nước trên các khu vực đầu nguồn.
Đối với thời kỳ cấp nước khẩn trương cho đổ ải, cần kết hợp lợi dụng thời kỳ triều cường kết hợp với việc tăng xả nước của các hồ chứa đảm bảo cho các công trình lấy được nước để tưới và tránh nước xả nhanh ra biển; thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các hồ chứa như tích nước sớm hơn vào cuối mùa lũ...
Ngoài ra, tại các địa phương đang bị suy giảm nhanh nguồn nước ngầm cần sớm thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm bằng việc quản lý chặt chẽ việc khai thác nhằm tăng nguồn cấp nước cho các sông trong mùa khô.
Nhiều giải pháp tiết kiệm nước và sử dụng nước hiệu quả hơn cũng được khuyến cáo ứng dụng như thay đổi cơ cấu sử dụng nước, thay đổi cơ cấu mùa vụ, nhất là cơ cấu cây trồng theo khí hậu phù hợp với khả năng cung cấp nước, sẽ giảm căng thẳng về nguồn nước mà vẫn cho hiệu quả cao.
Những năm gần đây, nhiều vùng đã sử dụng vật liệu mới để làm giảm bốc hơi như biện pháp che phủ nilông trên mặt luống khi gieo trồng lạc, dưa hấu, dâu tây, cà chua hoặc đưa vào đất các chất giữ ẩm mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, giảm nhỏ mức tưới ở những giai đoạn sinh trưởng của cây trồng không quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm cũng là một giải pháp tốt.
Đặc biệt gần đây nhất tại tỉnh Bạc Liêu đã ứng dụng thành công quy trình tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình này nếu được ứng dụng ở nhiều tỉnh thành sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất, hạn chế được phần nào những khó khăn do thiếu nước bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
- Ông có thể đánh giá hiệu quả về tính bền vững của các dự án thủy điện trong bối cảnh các nước xây dựng thủy điện ngày một nhiều?
Ts. Đào Trọng Tứ: Thủy điện có thể được coi là một nguồn năng lượng tái tạo, thải ra rất ít khí nhà kính so với các phương thức sản xuất điện khác. Tuy nhiên, khi phát triển thủy điện phải tính đến yếu tố cân bằng gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Việt Nam hiện nay chỉ chú ý đến kinh tế nhiều hơn mà chưa chú ý đến yếu tố xã hội và môi trường. Việc chúng ta làm ngày hôm nay là phát triển nhiều thủy điện, nhưng chưa tính đến yếu tố “để dành” cho thế hệ sau.
Nhiều thủy điện chưa tính đến yếu tố tác động môi trường và xã hội nên thế hệ sau phải gánh chịu. Nói một cách nôm na, chúng ta hôm nay có “của ăn” nhưng liệu có “của để dành” cho con cháu hay không? Phát triển thủy điện phải tính đến hài hòa các yếu tố trên, trong đó đặc biệt lưu tâm đến vấn đề con người.
- Xin cám ơn ông