quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Vi phạm môi trường: Tinh vi tới đâu cũng bị phát hiện

Chủ Nhật, 16/05/2010 | 07:45:00 AM

Xung quanh việc xả ngầm chất thải của hàng loạt doanh nghiệp vừa bị phát hiện như: Tung Kuang, giấy Linh Xuân, đường Quảng Ngãi..., tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Bùi Cách Tuyến khẳng định: phải xử lý mạnh nhằm răn đe và loại bỏ những hành vi hủy hoại môi trường.

Ông Bùi Cách Tuyến -Ảnh: Xuân Long

Ông Tuyến nói:

- Những trường hợp vi phạm nói trên cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn thấp, vẫn còn tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà xem nhẹ vấn đề môi trường.

Thực tế cho thấy các vi phạm gần đây có xu hướng ngày càng tinh vi, tính chất phức tạp hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện những vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường vừa qua cũng cho thấy các vi phạm dù có được ngụy trang tinh vi đến đâu thì trước sau cũng sẽ bị phát hiện và bị xử lý.

* Việc thanh tra, kiểm tra năm nào bộ và các tỉnh cũng thực hiện nhưng chỉ tới khi công an vào cuộc mới phát hiện các vụ nổi cộm. Đã có ý kiến cho rằng năng lực thanh tra, kiểm tra còn hạn chế và cách thực hiện còn hình thức.

"Trong Bộ luật hình sự cũng đã có quy định cụ thể về tội phạm môi trường nên việc xử lý quyết liệt sẽ tạo được sự răn đe, buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải hoạt động một cách trung thực"

Ông Bùi Cách Tuyến

- Theo quy định hiện hành, trước khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra đều phải thông báo trước cho cơ sở bị thanh tra, kiểm tra, điều này làm hạn chế hiệu quả của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi và phức tạp, nếu thông báo trước sẽ khó có thể phát hiện được.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác thanh tra các cấp còn hạn chế vì mới đây chúng ta mới có thanh tra chuyên ngành về môi trường. Vì vậy, giữa Bộ TN-MT với lực lượng cảnh sát môi trường cũng đã có ký kết, nếu trong quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển cơ quan cảnh sát môi trường để tiến hành điều tra làm rõ.

* Nhưng thực tế các vi phạm xả ngầm vẫn cứ tiếp diễn và rất khó biết sẽ còn bao nhiêu công ty như Vedan, Tung Kuang, giấy Linh Xuân... chưa lộ diện, thưa ông?

- Đúng là việc trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường đã đem lại cho doanh nghiệp những khoản lợi nhuận rất lớn. Việc này có thể lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm pháp luật và chấp nhận bị xử phạt vì mức xử phạt vi phạm hành chính trước đây còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cuối năm 2009 mức xử phạt đã phải điều chỉnh tăng cao nhất gấp hơn 7 lần, từ 70 triệu tăng lên 500 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm.

Ngoài ra còn quy định nhiều hình thức xử lý khác đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như cấm hoạt động, tạm đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời địa điểm.

Nhà máy sản xuất nhôm định hình của Công ty Tung Kuang bị bắt quả tang xả thải chưa qua xử lý ra sông Cầu Ghẽ - Ảnh: M.Q.

* Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên từng tuyên bố đã đến lúc không thể chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Vậy làm sao để “quét sạch” những trường hợp trốn phí môi trường mà chưa bị lộ diện, thưa ông?

- Quan điểm không thể chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, không chấp nhận để các doanh nghiệp lấy phát triển bằng cách “ăn” vào giá môi trường rất rõ ràng. Những trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường nổi cộm mới được phát hiện mới chỉ là bước đầu cụ thể hóa quan điểm này, và tới đây còn phải làm mạnh hơn nữa về vi phạm môi trường để doanh nghiệp muốn phát triển được phải chọn con đường bền vững.

Tôi có thể khẳng định về cơ chế, chính sách, pháp luật đã ngày càng hoàn thiện nên dù có tinh vi, dù có xả ngầm cũng không thể trốn lâu được. Ví dụ, về chế tài xử lý, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự để đưa vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vào áp dụng trong thực tiễn.

Bộ TN-MT và Bộ Công an cũng đã thống nhất làm mạnh mẽ trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường đã và sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm “bóc tách” dần các kiểu trốn phí, vi phạm môi trường.

* Cụ thể hơn, đến thời điểm nào có thể khẳng định không còn những đơn vị và “ông chủ” xả trộm, thải ngầm ở VN?

- Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang tổ chức sáu đoàn kiểm tra tại 249 cơ sở, bao gồm các khu công nghiệp, các cơ sở nằm trong quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chính ở địa bàn 46 tỉnh, TP.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, quan điểm của Bộ TN-MT là sẽ xử nghiêm theo đúng quy định đối với tất cả cơ sở có hành vi vi phạm. Bao giờ không còn vi phạm, điều đó luôn là mong muốn của bất kỳ xã hội nào. Với những vi phạm về môi trường, dù lớn hay nhỏ sẽ từng bước bị phát hiện và loại bỏ.

XUÂN LONG thực hiện

(Tuổi Trẻ, 15/5/2010)

Lượt xem: 1609

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE