Trong những năm gần đây và năm nay cũng không ngoại lệ, các đề án trong truyền thông bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước thực sự nở rộ, có thể do hiệu ứng dây chuyền do hai năm qua giải nhất cuộc thi đều là lĩnh vực truyền thông - GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 8” phát biểu tại lễ trao giải ngày 22/6 tại Hà Nội.
“Các bài thi về truyền thông năm nay rất phong phú và đa dạng, có sáng tạo riêng như sử dụng mạng xã hội, lập trình game, thiết kế website thiết kế bao bì sản phẩm, v.v…”, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ nhận xét.
Có thể nói, chất lượng các công trình vào chung khảo chênh lệch không nhiều, chỉ một chín một mười. Các bài thi vào chung kết cũng chưa có đề án nào thực sự xuất sắc, hoàn hảo như mong muốn.
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, TS Nguyễn Thế Đồng, cho biết cuộc thi lần thứ 8 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh với 811 bài thi đến từ 22 trường thuộc 11 tỉnh, thành phố trên cả nước.
TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, Trưởng ban Tổ chức, trao giải cho các em đoạt giải nhất
Giải nhất cuộc thi thuộc đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” của tập thể tác giả Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm, học sinh lớp 11A2, trường THPT An Lạc Thôn huyện Kế Sách- Sóc Trăng.
Hai giải nhì được trao cho các đề tài: “Ứng dụng mạng xã hội ảo vào việc tuyên truyền bảo vệ và cải thiện nguồn nước” Nguyễn Việt Hùng, Lê Hoàng Anh, Đậu Mạnh Cường Lớp, lớp 11-K21, trường THPT chuyên Thái Nguyên; đề tài “Lập trình game “Take action for water resources” (hãy hành động vì nguồn nước) của các tác giả Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Thư Cao Quý, Lớp 12A1, trường THPT Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, Sơn La).
Hai giải ba được trao cho các đề tài “Chế tạo nước rửa chén, bát từ cám gạo” của Đặng Quốc Đạt, Lớp 10A1, trường THPT Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; đề tài “Xử lý nước thải của công ty gang thép Thái Nguyên bằng xỉ lò cao” của Nghiêm Quang Đạt, Nguyễn Diệu Nam Hương, Lớp Hóa 11, trường THPT chuyên Thái Nguyên.
Giải khuyến khích được trao cho các đề tài “Xử lý nước rỉ rác bằng cỏ Vetiver tại các thùng rác công cộng” của Đào Hữu Thiều Quang, Lê Đặng Anh Khoa, Lớp 10B4, trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Huế); đề tài “Thiết kế hệ thống lọc nước đơn giản để cải tạo nguồn nước sinh hoạt” của Trần Thu Phương, Lớp 11-K21, trường THPT chuyên Thái Nguyên.
Giải tập thể dành cho Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Bắc Giang; trường THPT chuyên Thái Nguyên; trường THPT Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, Sơn La); trường THPT Phan Văn Bảy (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) và trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Huế).
GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ: Năm nay các bài thi vào chung kết cũng chưa có đề án nào thực sự xuất sắc
Ban tổ chức cho biết rút kinh nghiệm từ những cuộc thi lần trước và được hướng dẫn của các thầy cô, đến nay có thể nói các em đã biết tìm ra ý tưởng, đề tài liên quan đến nước ngay ở môi trường quanh ta.
Chẳng hạn trước đây các em ở trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Huế, thường làm những bài rất công phu, nặng về trình bày nhận thức, lý thuyết, chọn đề tài quá lớn, quá chung như làm nước sạch sông Hương, vượt quá khả năng của các em. Đến nay các em biết tìm ra những đề tài cụ thể như xử lý nước rỉ rác bằng cỏ vetiver tại các thùng rác công cộng, tái sử dụng nước hộ gia đình, v.v…
“Đáng mừng là ngày càng có nhiều bài thi theo được chuẩn của cuộc thi quốc tế đề ra, tức là các bài dự thi phải là những ý tưởng, sáng kiến, những dự án được thực hiện và trình bày như một công trình khoa học mini”, GS.TS Nhuệ chia sẻ.
“Thông qua cuộc thi này em mong muốn mọi người hãy cùng nhau bảo vệ môi trường nước bằng những việc làm thiết thực nhất”, Nguyễn Trí Hảy chia sẻ.
Cũng tại lễ trao giải, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, chính thức phát động cuộc thi lần thứ 8 (2011-2012). Ban tổ chức sẽ nhận bài từ ngày 30/3/2012 đến 30/4/2012.
+ Cơ cấu giải thưởng
- Một giải nhất 5.000.000 đồng
- Hai giải nhì mỗi giải 3.000.000 đồng
- Hai giải ba mỗi giải 2.000.000 đồng
- Năm giải khuyến khích mỗi giải 1.000.000 đồng
- Hai giải tập thể mỗi giải 1.500.000 đồng
|
Năm 1994, Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh (SJWP) được thành lập bởi Quỹ Stockholm (SWF) và là bộ phận của Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới, nhưng chỉ giới hạn ở Thụy Điển. Từ năm 1997, SJWP trở thành giải thưởng quốc tế được trao cho các nhà khoa học trẻ ở lứa tuổi học sinh của các quốc gia trên thế giới có những đề án hoặc những công trình nhằm mục đích cải thiện tình trạng sinh thái trong môi trường nước. Cuộc thi này được tiến hành hàng năm ở mỗi quốc gia. Người được giải thưởng cao nhất sẽ được tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển. Đây còn được coi như giải Nobel cho lứa tuổi học sinh.
Năm 2003, lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên& Môi trường, Bộ Giáo dục& Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam và Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức dành cho học sinh các trường trung học phổ thông hoặc trung học dạy nghề của Việt Nam. Mục đích cuôc thi nhằm khuyến khích tinh thần tập sự, sáng tạo nghiên cứu khoa học, cổ vũ tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng qua chủ đề nước, tìm kiếm tài năng trẻ đồng thời hưởng ứng cuộc thi quốc tế Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh.
|