Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với chính phủ các quốc gia trên thế giới. Đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đất nước về mọi mặt như tăng vốn tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện các vấn đề phúc lợi xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.
ThS. TRẦN BÁ THỌ
(Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)
Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với chính phủ các quốc gia trên thế giới. Đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đất nước về mọi mặt như tăng vốn tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện các vấn đề phúc lợi xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.
Việc xác định các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia nói chung và nhân tố tài nguyên thiên nhiên nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Bài viết phân tích vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1. Giới thiệu
Tăng trưởng kinh tế đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã tăng trưởng tương đối nhanh, hiện trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đi cùng quy mô. Dù đứng ở top đầu về tốc độ tăng trưởng, nhưng quy mô nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, khiêm tốn so với một số quốc gia trong khu vực (GDP khoảng 262 tỷ USD năm 2019). Để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn, việc cần làm lúc này là nhìn lại những chặng đường phát triển sau 30 năm đổi mới, tìm ra những nhân tố quan trọng, đặc biệt là yếu tố tài nguyên thiên nhiên, để đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Bài viết dựa vào số liệu thống kê về GDP, tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sử dụng các phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá để thực hiện nội dung này.
2. Cơ sở lý thuyết tăng trưởng kinh tế
2.1. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Paul A. Samuelson
Gần đây, một trường phái kinh tế mới ra đời đã ủng hộ xây dựng một nền kinh tế hỗn hợp có sự kết hợp hợp lý giữa “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”. Thực chất, đó là sự kết hợp của học thuyết kinh tế Tân cổ điển và học thuyết kinh tế của trường phái Keynes với những phát triển quan trọng.
Sản lượng của nền kinh tế được xác định bằng hàm sản lượng: Y = f ( L,K,R,T)
Trong đó: L (Nguồn nhân lực); K (Nguồn vốn); R (Nguồn tài nguyên); T (Công nghệ).
Các trường phái kinh tế khác nhau sẽ có các mô hình tăng trưởng kinh tế khác nhau. Trong các mô hình tăng trưởng kinh tế, các yếu tố đầu vào đóng vai trò quan trọng để gia tăng sản lượng. Các trường phái kinh tế khác nhau đều nhấn mạnh yếu tố này hay yếu tố khác, nhưng nhìn chung có một số yếu tố quan trọng, như: vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ.
2.2. Tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế
Tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, được cung cấp bởi tự nhiên như đất đai, sông ngòi và các mỏ khoáng sản. Tài nguyên thiên nhiên có 2 dạng: tái tạo được và không tái tạo được. Ví dụ, rừng là tài nguyên tái tạo, dầu mỏ là tài nguyên không tái tạo được. Sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên giải thích một số khác biệt về mức sống của các quốc gia. Quốc gia nào có nguồn tài nguyên dồi dào thường có mức sống cao hơn những quốc gia có ít nguồn tài nguyên.
Các nước giàu tài nguyên thiên nhiên thường đưa ra các chính sách hấp dẫn để khai thác nguồn tài nguyên nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo lý thuyết lợi thế so sánh, các nước thường xuất khẩu các nguồn tài nguyên có lợi thế so sánh để thu ngoại tệ về phục vụ cho phát triển kinh tế.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên còn tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đặc biệt ở những vùng xa xôi hẻo lánh, cải thiện thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên không tái tạo sẽ làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên mau cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí, làm thay đổi môi trường sinh thái của các sinh vật dưới đáy biển.
Chính vì vậy, các nhà kinh tế khuyến cáo các nước cần phải lập kế hoạch đánh giá các tác động môi trường, quản lý môi trường, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để khai thác hiệu quả và bền vững.
3. Tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay
3.1. Tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Hình 1)
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các năm
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay được chia làm 3 giai đoạn.
*Giai đoạn 1986 -- 2000: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 - 1990), Việt Nam tiến hành một số cải cách về kinh tế như triển khai 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực -- thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Các hình thức chia cắt thị trường đã được xóa bỏ dần, kế hoạch kinh tế của Nhà nước được thực hiện trên cơ sở hạch toán. Đặc biệt các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế tập thể được thừa nhận và bắt đầu được tạo điều kiện hoạt động. Nền kinh tế dần được thị trường hóa và có chuyển biến tốt.
* Giai đoạn 1990 -- 2000: Dù bước đầu còn khó khăn, nhưng nhờ triển khai mạnh mẽ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, Việt Nam từng bước đi lên, đẩy mạnh theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định. GDP tăng trưởng liên tục từ năm 1990 đến năm 2000 với mức tăng trưởng bình quân 7,35%/năm. Trong vòng 10 năm, quy mô GDP tăng từ 6,5 tỷ USD lên 33,64 tỷ USD (gấp 5,18 lần). Bên cạnh việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam còn thành công trong việc kiềm chế lạm phát từ 3 con số, giảm xuống còn 12,7% trong năm 1995 và 4,5% năm 1996. Một điều may mắn, năm 1997, hệ thống tài chính của Việt Nam chưa kết nối nhiều với hệ thống tài chính thế giới, do đó không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính từ Thái Lan lan sang các nước Đông Á. Trong giai đoạn này, Việt Nam bắt đầu hội nhập với các tổ chức nước ngoài như gia nhập ASEAN.
* Giai đoạn 2000 – 2006: Đây là giai đoạn Việt Nam tích cực hội nhập với các tổ chức kinh tế thế giới. Năm 2001, Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua Hiệp định Thương mại Việt -- Mỹ, nhờ đó Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, phương thức quản lý hiện đại, thông tin thị trường và công nghệ tiên tiến. Trong 5 năm (2001 -- 2005), từ chỗ chỉ có 2 thành phần: kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, với 2 hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã kiểu cũ, nền kinh tế nước ta đã bao gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau với nhiều loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh rất đa dạng, phong phú cả về quy mô, trình độ lẫn quan hệ sản xuất. Chính những nguyên nhân này đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, luôn duy trì mức tăng trưởng từ 7 - 8% mỗi năm. GDP từ 33,64 tỷ USD năm 2000 tăng lên 66,37 tỷ USD năm 2006.
Tuy nhiên, bên cạnh những quyết định đổi mới tích cực về kinh tế, Việt Nam còn một số mặt còn tồn tại như chậm bãi bỏ các rào cản kinh tế và sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến hàng hóa nội địa không có khả năng cạnh tranh. Hậu quả là chậm hội nhập nền công nghiệp trong nước với nền công nghiệp thế giới.
Giai đoạn từ năm 2006 đến nay:Trong năm 2006, nhiều tập đoàn lớn được thành lập mới, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Cao su… Tuy nhiên, trong số 40 tập đoàn, có một số tập đoàn do sai lầm trong quản lý, nên đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, gây hậu quả rất lớn. Năm 2007, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, mức cao nhất kể từ năm 1997, nhưng sau đó bị chững lại đột ngột, chỉ đạt 5 - 6% so với giai đoạn trước là 7 - 8%.
Nguyên nhân là do khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái trầm trọng, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bị tác động tiêu cực. Thêm vào đó, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư. Đứng trước tình hình không thuận lợi đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tháng 5/2009, Chính phủ tung ra gói kích thích kinh tế 143 ngàn tỷ VND (tương đương 8 tỷ USD), sau đó tăng lên 160 ngàn tỷ VND (tương đương 9 tỷ USD). Gói kích cầu này đã góp phần giúp GDP tăng trưởng, tuy nhiên cũng để lại nhiều hệ lụy như: bong bong chứng khoán và bất động sản, lạm phát tăng cao (trên 20% năm 2011), thâm hụt ngân sách nặng dẫn tới nợ nhà nước tăng cao, gây ra bất ổn tỷ giá và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Dưới sự điều hành nhạy bén, và quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự nỗ lực và chủ động khắc phục khó khăn, sự sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của toàn dân nên Việt Nam đã ngăn chặn được đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng được phục hồi.
Năm 2006, GDP đạt 66,37 tỷ USD, đến năm 2019 đạt 262 tỷ USD, năng suất tổng hợp (TFP) tăng dần, từ giai đoạn 2006 -- 2010 đạt 17,2%, đến giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,58%, đến giai đoạn 2016-2018 đạt 43,29%. Kế đến là sự chuyển dịch cơ cấu của các thành phần kinh tế, xu hướng chung là giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 29,34% năm 2010 xuống còn 28,69% năm 2015, khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 6,9% năm 2010 lên 18,07% năm 2015 và 42,1% vào năm 2018.
Ngoài ra, còn phải kể đến độ mở của nền kinh tế, Việt Nam không ngừng mở rộng các quan hệ kinh tế song phương, tiểu vùng, vùng, liên vùng và tiến tới tham gia liên kết kinh tế toàn cầu. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, trong đó có 6 FTA trong khuôn khổ ASEAN. Tháng 11 /2017, Việt Nam đã cùng các nước đạt thỏa thuận cơ bản cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính thức ký kết vào tháng 3/2018. Cho đến cuối năm 2018, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 300 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI). Số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước ta tăng lên 69.
3.2. Tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế là quy mô sản xuất của nền kinh tế ngày càng lớn hơn, khối lượng sản phẩm tạo ra của thời kỳ sau nhiều hơn thời kỳ trước, muốn được như vậy thì các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất phải có sự gia tăng về số lượng sử dụng.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nhân tố sản xuất cổ điển, những nguồn tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, khoáng sản đặc biệt là dầu mỏ, rừng và nguồn nước. Biển Việt Nam đa dạng các chủng loài có chất lượng cao, thêm vào đó trữ lượng cá rất lớn. Việt Nam cũng có tới ¾ diện tích là đồi núi, diện tích rừng che phủ hơn 30%.
Mặc dù diện tích đất liền chỉ chiếm 1,35% diện tích thế giới, nhưng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt của Việt Nam chiếm 2% tổng lượng dòng chảy của các sông trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có các mỏ khoáng sản có giá trị trải dài từ Bắc đến Nam, với nguồn dầu hỏa và khí đốt dồi dào, nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú đa dạng thu hút đông đảo du khách.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng như vậy, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. . Điều quan trọng là làm thế nào để tài nguyên thiên nhiên được khai thác một cách hợp lý.. Trên thực tế, việc khai thác tài nguyên của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, như: tình trạng sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác nhiều hơn.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Các yếu tố như sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa đang kết hợp với nhau dẫn đến gia tăng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đô thị, kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên. Chính sự suy yếu các nguồn tài nguyên đã đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nghiêm trọng nhất là các vấn đề ô nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các vùng xung quanh 2 thành phố này. Nguyên nhân của tất cả các hiện tượng trên chính là việc quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý và còn lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
3.3. Giải pháp về tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Để phát triển bền vững cần đảm bảo các tài nguyên có thể tái tạo được khai thác ở mức thích hợp. Chính phủ và các ngành chức năng đã đưa ra một số giải pháp trong việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ nhất, tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên. Xây dựng cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất; thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất, nhất là với đất nông nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra của các bộ, ngành đối với việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Thứ hai, đối với tài nguyên nước, cần sớm ban hành các quy định cụ thể về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt tại các vùng khan hiếm nước để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, lập và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước trong ngắn hạn và dài hạn, quy hoạch tài nguyên nước của cả nước, các lưu vực sông. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm, xả nước thải vào nguồn nước. Khẩn trương đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia. Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích thực hiện đa dạng hóa nguồn nước như khử muối để sử dụng nước, tái chế nước thải sinh hoạt…
Thứ ba, đối với tài nguyên khoáng sản. Tập trung điều tra, đánh giá triển vọng khoáng sản ở các độ sâu khác nhau phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến và dự trữ quốc gia. Tăng cường kiểm soát và sử dụng có hiệu quả sản lượng khai thác; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Song song đó, chính phủ cần kết hợp các chính sách thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển nhằm sử dụng các nguồn tài nguyên thô tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn.
Thứ tư, tổ chức tốt việc thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên vùng biển sâu. Chính phủ cần xây dựng các kế hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên biển một cách hợp lý và khoa học nhằm duy trì tài nguyên biển phong phú, đa dạng và lâu dài.
Thứ năm, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Nâng cao năng lực công tác phòng chống các hành vi gây ô nhiễm môi trường; Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Ngoài ra, Chính phủ cần kiên quyết không chấp thuận đầu tư, cấp phép, các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
4. Kết luận
Việc xác định được các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Nền kinh tế có tăng trưởng bền vững hay không, ngoài việc phụ thuộc vào đường lối phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Chính phủ, còn phụ thuộc vào các yếu tố như nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trình độ khoa học - công nghệ, trong đó yếu tố tài nguyên thiên nhiên giữ vai trò rất quan trọng.Sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ về việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 1986 đến nay, vai trò và giải pháp về tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn cho từng vấn đề cụ thể. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn với từng giải pháp cụ thể về vấn đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- David Begg - Stanley Fischer - Rudiger Dornbusch (1992). Economics, Nhà xuất bản Giáo dục.
- N. Gregory Mankiw (2014). Kinh tế học vĩ mô, Cengage Learning.
- Trần Thọ Đạt (2005). Các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Thống kê.
- Nguyễn Như Ý, Trần Thị Bích Dung (2017). Kinh tế Vĩ mô, NXB Thống kê.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016).
- Tổng cục Thống kê (2019).
- Tradingeconomic.com; World bank (2018).
- VCCI (2015).
- Việt Nam report (2014).